Theo số liệu của Tổng cục Hải Quan Việt Nam, trong năm 2022, tổng giá trị thương mại Việt Nam- Ấn Độ đạt 15,05 tỷ USD tăng 13,6% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sang Ấn Độ đạt 7,96 tỷ USD, tăng 26,8% so với 6,28 tỷ USD năm 2021. Điện thoại các loại và linh kiện có giá trị cao nhất với 1,52 tỷ USD, tăng 18,4% so với 1,29 tỷ USD trong năm 2021. Tiếp theo là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 1,03 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước.
THƯƠNG MẠI SONG PHƯƠNG ĐẠT MỨC KỶ LỤC 15 TỶ USD
Trong các mặt hàng xuất khẩu sang Ấn Độ, cà phê là mặt hàng có giá trị tăng cao nhất so với năm 2021, tăng 164,7% từ 21,69 triệu USD năm 2021 lên 57,40 triệu USD năm 2022.
Tiếp đến là sắt thép các loại, tăng 96,8% từ 113,46 triệu USD năm 2021 lên 171,10 triệu USD năm 2022. Mặt hàng giày dép các loại, tăng 96,8% từ 113,46 triệu USD lên 223,35 triệu USD năm 2022.
Ngược lại mặt hàng có giá trị xuất khẩu giảm nhiều nhất là thức ăn gia súc và nguyên liệu, giảm 76,5% từ 98,18 triệu USD xuống còn 23,04 triệu USD. Than đá giảm 46,4% từ 14,31 triệu USD trong năm 2021 xuống còn 7,68 triệu USD trong năm 2022.
Xét về cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, điện thoại các loại và linh kiện chiếm tỉ trọng lớn nhất trong năm 2022 đạt gần 20% tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Ấn Độ tương đương 1,522 triệu USD. Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 1,034 triệu USD chiếm 13% tỷ trọng. Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 804 triệu USD chiếm 10,10% tổng giá trị xuất khẩu từ Việt Nam sang Ấn Độ.
Trong khi đó, tổng giá trị nhập khẩu từ Ấn Độ trong năm 2022 đạt 7,09 tỷ USD tăng 1,8% so với 6,96 tỷ USD cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu sắt thép các loại đạt giá trị cao nhất đạt 774,68 triệu USD tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu đã giảm mạnh so với năm 2021, giảm 44,6% so với 1,4 tỷ USD cùng kỳ năm trước.
Nhập khẩu máy móc thiết bị, công cụ, phụ tùng khác đứng thứ hai đạt 549,31 triệu USD, tăng 28,3% so với 428 triệu USD năm 2021. Nhập khẩu kim loại thường khác đạt 515 triệu USD tăng 26,3% so với 428 triệu USD trong năm 2021.
Xét về cơ cấu các mặt hàng nhập khẩu, mặt hàng chiếm tỷ lệ cao nhất trong năm 2022 là sắt thép các loại, chiếm 11% tổng kim ngạch nhập khẩu; tiếp theo ngành hàng máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác chiếm 7,75% tỷ trọng; tiếp đến mặt hàng kim loại thường chiếm 7,3%.
Với những con số trên, ông Bùi Trung Thướng, Tham tán, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ nhận định, thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ lần đầu đạt mức 15 tỷ USD trong năm 2022 đã đưa Ấn Độ trở thành đối tác thương mại đứng thứ 8 của Việt Nam. Tuy nhiên hai nước còn rất nhiều tiềm năng, dư địa để phát triển do thị trường rộng lớn, cơ cấu hàng hóa hai nước có sự bổ sung cho nhau.
NHỮNG LƯU Ý KHI XUẤT KHẨU VÀO THỊ TRƯỜNG ẤN ĐỘ
Dẫu vậy, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ thông tin, Chính phủ nước này vừa ban hành một số quy định mới với hàng hoá nhập khẩu, đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải hiểu và tuân thủ.
Cụ thể, Ấn Độ vừa ban hành Quy định mới về tính giá trị hải quan áp dụng từ ngày 11/02/2023 nhằm giải quyết vấn đề hàng nhập khẩu bị định giá thấp. Quy tắc này sẽ xác định danh sách hàng hóa có thể không được khai báo trung thực hoặc chính xác về giá trị, giá nhập khẩu và nhà nhập khẩu sẽ phải thực hiện các nghĩa vụ bổ sung về vấn đề này.
Theo đó, Ủy ban Trung ương về thuế gián thu và hải quan sẽ sàng lọc và đưa những mặt hàng có nghi ngờ về giá trị nhập khẩu để chuyển qua một hội đồng xem xét và thẩm định (định giá lại) giá trị.
Hội đồng sẽ yêu cầu các bên liên quan như nhà xuất khẩu, nhập khẩu, đại lý hải quan cung cấp các tài liệu liên quan đến giá trị lô hàng, hội đồng sẽ xem xét và kết luận về việc lô hàng đó có khai báo trung thực hay không, nếu không hội đồng có thể ấn định mức giá trị nhất định để áp thuế.
Ngoài ra, Cục Tiêu chuẩn Ấn Độ (BIS) đã công bố 03 tiêu chuẩn của Ấn Độ trong lĩnh vực điện tử.
Thứ nhất, tiêu chuẩn dành cho máy thu truyền hình kỹ thuật số có tích hợp bộ dò sóng vệ tinh.
Thứ hai, tiêu chuẩn Ấn Độ dành cho ổ cắm, phích cắm và cáp USB Type C. Tiêu chuẩn này cung cấp các yêu cầu đối với cổng, phích cắm và cáp USB Type-C để sử dụng trong các thiết bị điện tử khác nhau như điện thoại di động, máy tính xách tay, notebook...
Thứ ba, tiêu chuẩn cho hệ thống giám sát video sử dụng trong ứng dụng bảo mật, như các yêu cầu đối với thiết bị camera, giao diện, yêu cầu hệ thống và các thử nghiệm để xác định chất lượng hình ảnh của thiết bị camera và cũng chỉ định hướng dẫn về cách cài đặt hệ thống hiệu quả.
Cho rằng tiềm năng xuất khẩu sang Ấn Độ còn rất lớn, do đó để nâng cao hiệu quả hợp tác kinh doanh xuất nhập khẩu, đầu tư với doanh nghiệp Ấn Độ, khai thác hiệu quả hơn các cơ hội đang đặt ra tại thị trường Ấn Độ, tại “Hội thảo trực tuyến giới thiệu thị trường Ấn Độ” mới đây ông Nguyễn Phúc Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương cho rằng việc nghiên cứu, mở công ty, chi nhánh công ty, Văn phòng đại diện tại Ấn Độ là một trong những hướng đi cần được các doanh nghiệp tính đến trong giai đoạn hiện nay.
“Bộ Công Thương Việt Nam và Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ luôn sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm cơ hội hợp tác, giải đáp các mối quan tâm. Sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn phát sinh trong quá trình kinh doanh tại thị trường Ấn Độ”, ông Nam nhấn mạnh.