Diễn biến dịch bệnh tại Việt Nam không chỉ là mối lo của người dân trong nước, mà còn là vấn đề của nền kinh tế toàn cầu. Từ trước khi làn sóng Covid-19 thứ 4 tấn công Việt Nam, các doanh nghiệp quốc tế vốn đã phải vật lộn với giá cước vận tải cao ngất.
Giờ đây, họ còn phải ra sức bảo vệ công nhân tại các nhà máy ở Việt Nam cũng như phải gỡ rối cho chuỗi cung ứng, đặc biệt là khi một số cảng biển lớn hoặc hoạt động sản xuất ở các nhà máy khác tại châu Á bị đình trệ. Tình hình còn cấp bách hơn khi mùa mua sắm cuối năm sắp đến gần, doanh nghiệp phải nhanh chóng gia công đơn hàng cho kịp tiến độ.
NHỮNG THƯƠNG HIỆU LỚN KHÔNG CÒN HÀNG ĐỂ BÁN
Adidas đang gặp khó khăn do Việt Nam chiếm gần 30% sản lượng toàn cầu của họ. Tình trạng tương tự cũng xảy đến với Nike - một ví dụ điển hình khác cho thấy tầm quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. 88 trong tổng số 112 nhà máy của Nike tại Việt Nam đều nằm ở miền Đông Nam Bộ, chịu trách nhiệm sản xuất các sản phẩm sneakers đang rất đắt hàng mang nhãn hiệu Nike.
Theo hãng dịch vụ tài chính BTIG, các thương hiệu lớn của thế giới gồm Nike, Under Armour, Adidas và Deckers Outdoor là những nhà sản xuất quần áo và giày dép thể thao chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ tác động của dịch Covid-19 tại Việt Nam. Tính đến trước năm ngoái, Việt Nam chiếm 51% sản lượng giày của Nike và 30% sản lượng quần áo thể thao của các thương hiệu khác. Tuy nhiên, gần hai tháng qua, hoạt động sản xuất giày dép của Nike trong khu vực bị đóng băng.
Việc thực hiện giãn cách xã hội kéo dài theo chỉ thị 16 của Chính phủ tại các tỉnh phía nam đã khiến 80% các nhà máy sản xuất da giày tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Kiên Giang… là những nơi tập trung nhiều doanh nghiệp da giày lớn trong các khu công nghiệp, phải ngừng sản xuất do không đủ điều kiện thực hiện quy chế “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 điểm đến”. Tại các địa phương miền trung và miền Bắc, các doanh nghiệp da giày chỉ hoạt động với công suất 50 - 70 %, do giãn cách xã hội và thiếu lao động.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết các doanh nghiệp chiếm 62% tổng giá trị xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam đã phải tạm ngừng sản xuất trong tháng 8. Việc đóng cửa kéo dài này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đối với các thương hiệu lớn. Việt Nam là quốc gia cung ứng hàng đầu của Adidas vào năm 2020, chiếm 28% tổng sản lượng sản phẩm của thương hiệu; gần một nửa lượng hàng hóa nhập khẩu bằng đường biển của Hoa Kỳ của Nike trong quý 2 năm 2021 đến từ Việt Nam, khoảng 15% sản lượng toàn cầu của Puma cũng vậy…
Không rõ liệu cuộc khủng hoảng hiện tại có dẫn đến sự thiếu hụt giày thể thao trên toàn cầu hay không. Andy Halliwell, giám đốc cấp cao bộ phận bán lẻ của công ty tư vấn kỹ thuật số Publicis Sapient cho biết: “Điều này sẽ phụ thuộc vào năng lực của mỗi thương hiệu phát triển sâu rộng như thế nào và chuỗi cung ứng của họ tinh gọn ra sao”.
VẬN ĐỘNG VACCINE CHO VIỆT NAM
Bà Hoàng Ngọc Ánh, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trong nước đã ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong ngành dệt may và giày dép. Trong bối cảnh này, VITAS đã làm việc cùng hơn 60 CEO các nhãn hàng dệt may hàng đầu của Mỹ bàn về cách vận động vaccine và hỗ trợ y tế cho Việt Nam.
Theo hãng dịch vụ tài chính BTIG, các thương hiệu lớn của thế giới gồm Nike, Under Armour, Adidas và Deckers Outdoor là những nhà sản xuất quần áo và giày dép thể thao chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ tác động của dịch Covid-19 tại Việt Nam.
"Các nhãn hàng đều rất lo lắng về nguy cơ đơn hàng và chuỗi cung ứng bị đứt gãy trong các tháng cuối năm khi mà vaccine chưa về kịp, việc giãn cách gây ảnh hưởng trầm trọng tới việc quay trở lại sản xuất khi mà việc thực hiện "3 tại chỗ" là không khả thi đối với các doanh nghiệp sử dụng lượng lớn công nhân," bà Ánh cho hay.
Theo bà ánh, VITAS đã kiến nghị các nhãn hàng có các hành động đồng hành phối hợp cùng doanh nghiệp vượt qua đại dịch, linh hoạt liên kết với các doanh nghiệp tại khu vực miền Trung và miền Bắc để thực hiện đơn hàng trước mắt, chia sẻ các kinh nghiệm về tăng năng suất lao động trong các nhà máy trong bối cảnh phải cắt giảm lao động và thêm nữa phối hợp để cùng giải quyền vấn đề khủng hoảng container đang diễn ra trên toàn cầu.
Vào tháng 8, Hiệp hội May mặc và Da giày Hoa Kỳ (AAFA), một nhóm thương mại công nghiệp, đã thúc giục Tổng thống Biden đẩy nhanh việc cung cấp vaccine của Hoa Kỳ cho Việt Nam và các “quốc gia đối tác” khác. Để kịp nguồn hàng cho mùa mua sắm cuối năm, doanh nghiệp Mỹ nên tiếp tục kêu gọi chính quyền Tổng thống Biden hỗ trợ thêm vaccine Covid-19 cho Việt Nam. Bloomberg cho rằng, Việt Nam đang ở trên tuyến đầu của cuộc chiến bảo vệ chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hãng dịch vụ tài chính BTIG dự đoán hoạt động sản xuất của các nhà máy Việt Nam sẽ quay trở lại mức 50% năng lực vào cuối năm nay và 100% trong năm 2022. Còn theo Cục Công nghiệp - Bộ Công thương, những khó khăn, lo ngại của cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay đến từ cả phía cung và cầu.
Về phía cung, khó khăn lớn nhất về phía cung hiện nay của các doanh nghiệp là việc không bảo đảm được quá trình lưu thông, vận chuyển hàng hóa thông suốt phục vụ sản xuất do các quy định về phòng dịch không thống nhất giữa nhiều địa phương. Đặc trưng của ngành công nghiệp là tính kết nối sản xuất theo chuỗi không phân biệt địa giới hành chính, do đó, các khó khăn về lưu thông, vận chuyển hàng hóa sẽ dẫn đến nguy cơ làm đứt gãy chuỗi cung ứng – trong đó đặc biệt là chuỗi cung ứng lao động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đầu vào sản xuất của doanh nghiệp.
Do đó, một số quy định về phòng chống dịch bệnh cần phải được điều chỉnh, sửa đổi để đảm bảo mục tiêu vừa duy trì sản xuất cho doanh nghiệp, vừa bảo đảm sức khỏe, an toàn tính mạng cho người lao động và cộng đồng.
Về phía cầu, các doanh nghiệp có thể có thêm các đơn hàng xuất khẩu mới trong lĩnh vực điện tử, dệt may và da – giày. “Tuy nhiên, nếu không sớm có các giải pháp giúp doanh nghiệp khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước, sớm quay trở lại sản xuất ngay bây giờ, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nguy cơ khách hàng quốc tế sẽ dừng, huỷ đơn hàng để chuyển sang nước khác. Nếu vậy, đến khi dịch được kiểm soát, doanh nghiệp khó có thể nối lại các mối quan hệ kinh doanh đã mất,” Cục Công nghiệp lưu ý.