May 19, 2022 | 14:04 GMT+7

Doanh nghiệp xuất khẩu điều Việt Nam “đói” thông tin về thị trường EU

Vũ Khuê -

EU là thị trường xuất khẩu hạt điều lớn thứ hai của Việt Nam, tuy nhiên việc thiếu thông tin thị trường, năng lực hạn chế trong chế biến sâu… trong khi nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chất lượng cao của khu vực này ngày một lớn là thách thức với ngành điều...

EU là thị trường xuất khẩu hạt điều lớn thứ hai của Việt Nam.
EU là thị trường xuất khẩu hạt điều lớn thứ hai của Việt Nam.

Bà Nguyễn Thu Thuỷ, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), cho biết EU là thị trường xuất khẩu hạt điều lớn thứ hai của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 23% tổng lượng và 22% tổng giá trị toàn ngành năm 2021.

CƠ HỘI KHI THUẾ NHẬP KHẨU VÀO EU VỀ 0%

Theo ước tính, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang EU năm 2021 đạt 130 nghìn tấn, tăng 16,5% về lượng so với cùng kỳ năm ngoái. Tăng trưởng xuất khẩu hạt điều sang EU đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng chung của toàn ngành.

Tại khu vực EU, hạt điều Việt Nam được xuất khẩu sang nhiều nước khu vực Tây Âu như: Đức Hà Lan, Pháp Bỉ, đặc biệt khai thác tốt thị trường Hà Lan và Đức. Đây là nước có đầu mối nhập khẩu điều quan trọng từ Việt Nam để tái xuất.

Đối với khu vực Đông Âu, hạt điều Việt Nam có mặt tại nhiều nước như Nga, Ba Lan, Rumani, Ukraine…

 

Trước khi hiệp định EVFTA có hiệu lực, mức thuế quan của điều vào EU khoảng 7-12%. Chính vì vậy, việc EVFTA đi vào thực thi đã mang lại nhiều kỳ vọng to lớn cho ngành điều.

Ông Đặng Hoàng Giang, Tổng thư ký Hiệp hội điều Việt Nam cũng cho rằng, khu vực EU có vai trò quan trọng với ngành điều Việt Nam kể cả trong giai đoạn Covid. Chỉ tính riêng 27 nước thuộc EU (bao gồm Anh) đã đóng góp gần 24% thị phần toàn ngành điều xuất khẩu của Việt Nam năm 2021.

Tổng kim ngạch xuất khẩu điều sang EU năm 2021 đạt trên 867 triệu USD trong tổng số 3,75 tỷ USD của toàn ngành. Kết quả xuất khẩu năm 2021 đã giúp Việt Nam vượt qua Ấn Độ trở thành nước xuất khẩu hạt điều hàng đầu thế giới trong 15 năm liên tục kể từ 2006.

Hà Lan là thị trường trong EU nhập khẩu hạt điều lớn nhất của Việt Nam, thị phần xấp xỉ gần 60%. Đức đứng thứ 2 với 47% thị phần. Anh chiếm 40,6%, Pháp 48%, Tây Ban Nha 37,5%.

“Như vậy, đến nay Việt Nam chiếm trên 80% thị phần xuất khẩu của ngành điều thế giới. Đây cũng là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nông sản Việt Nam với kim ngạch xếp trên mặt hàng rau quả, lúa gạo, hồ tiêu… trong nhiều năm qua”, ông Giang nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, xuất khẩu điều vào EU đang có nhiều lợi thế. Trước hết, bà Thuỷ cho rằng, người tiêu dùng EU chú trọng đến sản phẩm có lợi cho sức khoẻ, sản phẩm có protein thay thế (gốc thực vật), tính bền vững và giảm thiểu chất thải… do vậy điều là sản phẩm phù hợp.

Bên cạnh đó, thuế suất cho nhập khẩu điều từ Việt Nam vào EU giảm về 0% ngay sau khi hiệp định EVFTA có hiệu lực từ 1/8/2020. Trước khi hiệp định này có hiệu lực, mức thuế quan của điều vào EU từ mức 7-12%. Chính vì vậy, việc EVFTA đi vào thực thi đã mang lại nhiều kỳ vọng to lớn cho ngành điều.

Thuận lợi nữa theo ông Giang, EU là thị trường tiêu thụ lớn, ổn định, nhu cầu tiêu dùng và khả năng chi trả cao. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực ngành điều Việt Nam dày dạn kinh nghiệm trong chế biến điều nhân, công nghệ, thiết bị chế biến hiện đại, năng lực khoảng 500 ngàn tấn nhân mỗi năm…

Ngoài ra, một trong điểm mạnh là khả năng đáp ứng yêu cầu về sản phẩm, đòi hỏi về chất lượng của thị trường nước ngoài như organic, đang được đáp ứng tốt.

TRÁNH MẤT THỊ PHẦN KHI MẢI TẬP TRUNG VÀO BÁN SỈ

Mặc dù vậy, do xung đột Nga – Ukraine nên xuất khẩu của hạt điều Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng do căng thẳng thương mại, địa chính trị leo thang, giá cước vận tải tăng cao… tạo khó khăn cho hoạt động xuất khẩu.

Cộng với đó, năng lực của ngành còn nhiều hạn chế với những sản phẩm chế biến sâu, đặc biệt là điều rang tẩm gia vị theo thị hiếu của người tiêu dùng châu Âu. Các nước châu Âu đòi hỏi ngày càng khắt khe, cao về chất lượng an toàn thực phẩm…

 

Để đạt tiêu chuẩn hữu cơ, hạt điều phải được trồng và sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ của EU. Các cơ sở trồng trọt và chế biến phải được đánh giá bởi cơ quan chứng nhận được cấp phép của châu Âu như chương trình chứng nhận bền vững Faitrade và Rainforest.

Doanh nghiệp điều của Việt Nam còn hạn chế trong marketing, nắm bắt thị hiếu, xu hướng tiêu dùng của khách hàng đặc biệt nhóm khách hàng rang, chiên và những sản phẩm bán ở các siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Chúng ta còn yếu trong quảng bá thương hiệu, truyền thông, thương mại điện tử.

Thiếu thông tin về bạn hàng đối tác cũng như xu hướng của thị trường châu Âu. Dù thời gian qua có sự hỗ trợ lớn từ Bộ Công Thương, các cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài nhưng các doanh nghiệp điều Việt Nam vẫn còn “đói” thông tin thị trường bạn hàng, đối tác. Mặt khác, sự chủ động cuả hiệp hội, doanh nghiệp vẫn chưa cao…

Đặc biệt, ông Giang cho rằng, diện tích trồng trọt, canh tác điều còn ít, khó mở rộng, chưa đáp ứng được nguồn nguyên liệu tại chỗ. Bởi vậy, mỗi năm chúng ta vẫn phải nhập số lượng lớn nguyên liệu điều thô từ nước ngoài.

Vùng trồng điều hữu cơ còn ít, trong khi thị trường điều hữu cơ, organic chưa đáp ứng được nhu cầu gia tăng của EU và Anh quốc. Ngành điều có trên 3.000 cơ sở chế biến nhưng số lượng các nhà máy đáp ứng tiêu chuẩn cao của thị trường EU còn thấp…

Vì vậy, theo ông Giang, ngành điều rất cần sự hỗ trợ thông tin, dự báo thị trường, xu hướng tiêu dùng của thị trường châu Âu từ các cơ quan đại diện nước ngoài hơn nữa. Hỗ trợ giao thương với ngành điều các nước.

Ông Vũ Anh Sơn, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Pháp cho rằng, sản phẩm hữu cơ đang rất thịnh hành ở châu Âu nói chung. Để đạt tiêu chuẩn hữu cơ, hạt điều phải được trồng và sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ của EU. Các cơ sở trồng trọt và chế biến phải được đánh giá bởi cơ quan chứng nhận được cấp phép của châu Âu như chương trình chứng nhận bền vững Faitrade và Rainforest.

90% hạt điều ở châu Âu là đồ ăn nhẹ, rang muối còn 10% dùng làm nguyên liệu chế biến. Chúng ta đang có cơ hội để xuất khẩu đến phân khúc cuối cùng tại châu Âu thông qua các kênh phân phối cuối, đơn vị bán lẻ, đơn vị dịch vụ thực phẩm, ngành chế biến thực phẩm… song đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải hoàn thiện hơn rất nhiều đó là năng lực marketing, chất lượng sản phẩm…

Doanh nghiệp cần nhanh chóng đầu tư về chất lượng để phân phối được sản phẩm tới tận tay người tiêu dùng khi đó giá trị gia tăng mới cao, tránh mất thị phần khi mải tập trung vào phân khúc bán sỉ, mà không biết sản phẩm của mình đến đâu, đi về đâu…

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate