January 17, 2023 | 15:51 GMT+7

Doanh nghiệp xuất khẩu trước áp lực “thuế carbon”

Lưu Hà -

Vừa qua, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) thông báo sẽ thực hiện Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Theo đó, sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

EU cho hay, CBAM ban đầu sẽ áp dụng đối với các hàng hóa nhập khẩu có nguy cơ ô nhiễm cao như thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro. Đây là những lĩnh vực chiếm tới 94% lượng khí thải công nghiệp của EU. Các nhà nhập khẩu sẽ phải báo cáo lượng khí thải có trong hàng hóa nhập khẩu, nếu lượng khí thải này vượt quá tiêu chuẩn của EU, họ sẽ phải mua "chứng chỉ khí thải" theo mức giá carbon hiện nay tại EU. Dự kiến, 27 quốc gia thành viên EU sẽ bắt đầu thực hiện thí điểm CBAM từ tháng 10/2023.

LỰA CHỌN TỐI ƯU CHO DOANH NGHIỆP

Chính sách trên sẽ ảnh hưởng lớn tới quyết định từ các nhà mua hàng, đặc biệt là các nhãn hàng lớn và chuỗi kinh doanh quốc tế, khi họ đang tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng toàn cầu để bảo đảm các mục tiêu bền vững nghiêm ngặt. Tuy nhiên, những quốc gia xuất khẩu hàng hoá vào EU mà có những chính sách mạnh mẽ nhằm giảm thiểu khí thải carbon sẽ được miễn trừ thuế biên giới carbon. Do đó, để những lô hàng không phải “cõng thuế” thì xanh hóa quá trình sản xuất là lựa chọn tối ưu cho doanh nghiệp.

Chia sẻ về lợi ích của sản xuất xanh, bà Nguyễn Thị Liên, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phong Phú, cho rằng ngành dệt may thuộc nhóm sản phẩm bắt buộc phải tuân thủ các tiêu chuẩn xanh hóa hiện nay với 75 - 96 tiêu chí đánh giá. Hơn 10 năm trước, hàng loạt quy trình đã được doanh nghiệp thay đổi, từ việc quản lý chặt chẽ tiêu thụ năng lượng điện, nước, khí thải, nước thải, xây dựng kế hoạch giảm tiêu hao năng lượng, hóa chất từng tháng đến thay thế dần các thiết bị cũ, tạo môi trường làm việc cho người lao động tốt hơn. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn, nâng cao uy tín với đối tác, mà sản phẩm còn tăng tính cạnh tranh, có nhiều đơn hàng hơn, đặc biệt là những nhãn hàng cao cấp.

Hoạt động trong ngành vật liệu xây dựng, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Ngãi Cầu cho biết đã đầu tư 11 tỷ đồng lắp đặt hệ thống pin mặt trời và lấy nguồn năng lượng đó để hoạt động hàng ngày. "Việc lắp đặt pin mặt trời giúp chúng tôi được sử dụng nguồn năng lượng sạch, cùng với đó là giúp hạ nhiệt nhà máy khoảng 3 độ so với ngoài trời", ông Chu Hoàng Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Ngãi Cầu, cho biết. Lợi ích có thể thấy ngay là giảm thiểu được 800 tấn khí thải ra môi trường mỗi năm và công nhân cảm thấy dễ chịu hơn khi làm việc vì công xưởng trở nên mát hơn.

CBAM ban đầu sẽ áp dụng đối với các hàng hóa nhập khẩu có nguy cơ ô nhiễm cao như thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro.
CBAM ban đầu sẽ áp dụng đối với các hàng hóa nhập khẩu có nguy cơ ô nhiễm cao như thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro.

Đối với ngành thủy sản, ông Hồ Quốc Lực, Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta, cho biết thời gian qua, phong trào làm điện áp mái khá phổ biến ở các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản. Với tiêu chí tái chế và tuần hoàn, các doanh nghiệp cũng đang thực hiện khá tốt, điển hình là phụ phẩm cá tôm trở thành nguyên liệu để tiếp tục sản xuất ra các sản phẩm hữu ích, không để phụ phẩm gây tác hại môi trường mà còn tạo ra giá trị nâng cao hiệu quả hoạt động. Các doanh nghiệp cung ứng con giống, thức ăn, chế phẩm nuôi, các cơ sở nuôi đều phải có tiêu chí cụ thể để thực hiện và thống nhất trong cả chuỗi.

Trong cuộc đua sản xuất xanh cũng phải kể đến các doanh nghiệp FDI như Heineken Việt Nam với toàn bộ 6 nhà máy đã nấu bia bằng 100% năng lượng tái tạo; Unilever Việt Nam đạt mức sử dụng 48% năng lượng tái tạo, 100% khí thải từ nhà máy là carbon tích cực. Ngành công nghiệp điện tử dẫn đầu bởi Intel, Microsoft, Foxconn, Samsung, Sanyo, Sony, Fujitsu, Toshiba, Panasonic... cũng đều nỗ lực giảm phát thải carbon.

Sinh sau đẻ muộn nhưng “xanh hóa” nhanh nhất là lĩnh vực xe điện cũng đặt ra yêu cầu ngành công nghiệp bổ trợ phải đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường, sử dụng năng lượng tái tạo trong quá trình sản xuất phụ tùng... Có thể nói, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt về đơn hàng thì những doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất xanh, bền vững sẽ có lợi thế vượt trội để trở thành đối tác, nhà cung ứng vào các thị trường quan trọng...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 03 phát hành ngày 16-01-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Doanh nghiệp xuất khẩu trước áp lực “thuế carbon” - Ảnh 1
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate