Hà Lan hiện là thị trường huy động vốn từ cộng đồng lớn thứ ba trên thế giới, vì vậy, kết quả của nghiên cứu mới được thực hiện trên các nền tảng gây quỹ cộng đồng lớn nhất của quốc gia này có thể đại diện cho không gian huy động vốn lớn hơn cả thị trường Hà Lan.
Cụ thể, nghiên cứu này được thực hiện bởi bà Pomme Theunisse, Trợ lý giáo sư của Đại học Maastricht (Hà Lan) và ông Matteo Millone, chuyên gia tại APG Asset Management. Hai chuyên gia đã phân tích hơn 900 hồ sơ vay kinh doanh trên ba nền tảng huy động vốn lớn nhất Hà Lan và nhận thấy rằng các chiến dịch do phụ nữ thực hiện trên các nền tảng đạt được mục tiêu nhanh hơn 20% so với các chiến dịch do nam giới thực hiện.
Bà Pomme Theunisse chỉ ra trong nghiên cứu rằng: “Các ngân hàng thường phân biệt đối xử đối với các doanh nhân nữ. Tuy nhiên, với hình thức huy động vốn từ cộng đồng, phụ nữ không phải đối mặt với kiểu phân biệt đối xử này”.
Sự khác biệt này đến từ nhiều lý do. Một trong số đó là vì phụ nữ thường yêu cầu số tiền vay nhỏ hơn, vì vậy họ thường sẽ được tài trợ sớm hơn so với nhu cầu tài trợ có giá trị lớn hơn của các doanh nhân nam. Bên cạnh đó, học giả này cũng tin rằng có những động lực khác thúc đẩy quyền lực của phụ nữ.
Theo đó, bà Pomme Theunisse cho rằng dự án của phụ nữ thường có tốc độ gây quỹ nhanh hơn một phần là vì cộng đồng đang muốn chống lại những thành kiến về giới tính. Và khi những nhà đầu tư còn lại thấy hiệu ứng đầu tư của một dự án tốt, họ cũng sẽ dễ bị thuyết phục để đầu tư.
Ngoài ra, bà Pomme Theunisse còn cho rằng cách phụ nữ có thể thể hiện bản thân cũng đóng một vai trò quan trọng, thông thường nữ giới sẽ mang đến cảm giác đáng tin cậy và an toàn hơn so với các dự án kêu gọi đầu tư còn lại.
Vị học giả này tin rằng nghiên cứu sẽ giống như “liều thuốc an thần” cho những người phụ nữ khác đang muốn thực hiện những dự án kinh doanh của riêng mình: “Huy động vốn cộng đồng nói chung đang phát triển và điều này mang lại cơ hội cho các doanh nhân”.