October 25, 2021 | 10:07 GMT+7

Doanh số bán các tác phẩm nghệ thuật có NFT đạt 3,5 tỷ USD

Hoàng An -

Doanh số bán các tác phẩm nghệ thuật có NFT trong 3 quý đầu năm nay đã đạt 3,5 tỷ đô la, theo báo cáo thương mại nghệ thuật trực tuyến của Hiscox năm 2021 với sự hợp tác của ArtTactic vừa được công bố...

Một trong những tranh có NFT của Bored Ape Yacht Club vừa được bán với giá gần 1 triệu bảng Anh
Một trong những tranh có NFT của Bored Ape Yacht Club vừa được bán với giá gần 1 triệu bảng Anh

Mặc dù dường như đã chững lại vào tháng 4 nhưng thị trường nghệ thuật có NFT lại tăng vọt vào tháng 8 vừa qua với doanh số ước đạt 1,8 tỷ USD. Trong tháng 9, thị trường tiếp tục ghi nhận sự biến động khá mạnh khi doanh số bán các tác phẩm nghệ thuật có NFT giảm khoảng 69%. 

NFT viết tắt của Non-Fungible Token. Về cơ bản, đây là một chứng chỉ xác thực kỹ thuật số không thể sao chép. Việc sở hữu NFT được ví như việc mua một món hàng sưu tầm có một không hai. Nhà đầu tư mua NFT gắn với một sản phẩm nào đó nhằm biến mình trở thành người sở hữu duy nhất, hoặc kỳ vọng sản phẩm tăng giá và bán kiếm lời. 

Báo cáo của Hiscox và ArtTactic cũng hé lộ sự thay đổi rõ rệt trong trọng tâm mua hàng. Theo đó, trong đợt bùng nổ NFT đầu tiên vào đầu năm nay, người mua có xu hướng tập trung vào các tác phẩm của các nghệ sĩ đơn lẻ.

Một trong các thương vụ mua bán liên quan đến NFT đình đám nhất thuộc về một bức ảnh được tạo nên từ các bức tranh của họa sĩ Beeple có tên Everdays: The First 5000 days diễn ra hồi tháng 3.

Đây vốn là một file ảnh .jpeg, dễ tải trên Internet. Tuy nhiên nó đã được mua lại với giá hơn 69 triệu đô la (tương đương với khoảng hơn 1.500 tỷ đồng) sau khi có NFT.

Nhưng giờ đây, các tác phẩm được tạo ra bởi các tập thể như Crypto Punks hay Bored Apes Yacht Club lại nhận được sự chú ý lớn hơn, theo báo cáo.

“Mặc dù bản thân tác phẩm nghệ thuật có thể bị các nhà phê bình coi là tầm thường. Tuy nhiên, sự kết hợp của tính độc đáo, quyền sở hữu và cách kể chuyện hấp dẫn đang thúc đẩy doanh số bán hàng cũng như đầu cơ giữa một thế hệ nhà sưu tập truyền thống và nhà đầu tư mới. Sự kết hợp giữa NFT và nghệ thuật giúp tạo ra điều này”, báo cáo cho biết.

Các nhà đấu giá truyền thống lớn  như Christie’s, Sotheby’s và Phillips cũng đã nhanh chóng áp dụng NFT và thu được lợi ích to lớn. 4 trong số 10 thương vụ mua lại các tác phẩm nghệ thuật có NFT đình đám nhất được thực hiện thông qua các nhà đấu giá truyền thống này. Theo các nhà quan sát, thực tế chỉ ra rằng ngay cả trong các lĩnh vực áp dụng công nghệ tiên tiến nhất, niềm tin và sự tín nhiệm cho các tên tuổi truyền thống vẫn được đánh giá cao.

Các nền tảng nghệ thuật trực tuyến cũng đang tăng lên đáng kể. Theo báo cáo, 14% các đơn vị tham gia khảo sát cho biết họ đã cung cấp NFT thông qua trang web của mình. 38% số người được hỏi khác dự định sẽ trang bị NFT trong tương lai gần. 

Để bắt kịp xu hướng, các phòng trưng bày NFT vật lý, dành riêng cho nghệ thuật tiền điện tử cũng nhanh chóng mọc lên. Tuy nhiên, hiện chưa rõ liệu sẽ có ngày càng nhiều các phòng trưng bày NFT vật lý hơn được mở mới hay NFT và thế giới nghệ thuật truyền thống sẽ dần dần hợp nhất.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate