March 05, 2024 | 09:51 GMT+7

Doanh số "chạm đáy", sedan hạng D có thể biến mất khỏi thị trường Việt?

Lê Vũ

Sedan hạng D không được đa số người dùng Việt chào đón khi doanh số các mẫu xe trong phân khúc này thường xuyên ở mức rất thấp trong 2 năm gần đây. Tuy nhiên, các chuyên gia lại cho rằng, chỉ có mẫu xe dừng bán chứ không có chuyện cả phân khúc xe biến bất khỏi thị trường. Doanh số không phải là tất cả!

Chỉ cần trụ vững đã là một thành công

Sedan vẫn là hình mẫu mơ ước của nhiều người dùng Việt. Ảnh: Motor1
Sedan vẫn là hình mẫu mơ ước của nhiều người dùng Việt. Ảnh: Motor1.

Trong tiềm thức mỗi người, khi nhắc đến ô tô, đa số mọi người đều hình dung một loại phương tiện có 4 bánh, hình dáng thon dài hai đầu, gầm thấp. Nó mặc nhiên là một chiếc sedan. Dù trải qua hơn 100 năm, sedan vẫn là dòng xe được giới kinh doanh, tài phiệt ưa chuộng, là biểu tượng không thể thay thế cho sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô thế giới. Ngày nay, sedan vẫn hiện hữu trong các phân khúc từ xe giá rẻ đến xe sang, xe siêu sang, xe đua và cả những mẫu xe độc, lạ vốn chỉ xuất hiện trong bảo tàng hay các phiên đấu giá.

Tại Việt Nam, từ những mẫu xe VIP như Toyota Crown vào những 50 của thế kỷ trước, sedan gần như chiếm vị trí độc tôn trong làng xe hơi. Từ việc chỉ phục vụ một bộ phận nhỏ chính khách và giới nhà giàu, các mẫu sedan ngày càng tiến gần hơn tới túi tiền của người dân tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM. Những mẫu xe đình đám có thể kể đến như Toyota Camry, Daewoo Matiz, Toyota Corolla Altis, Kia Morning, Hyundai Grand i10 và sau này là các mẫu sedan của Hyundai, Mazda, Mitsubishi cùng du nhập thị trường. Đa số các mẫu xe này đều có doanh thu rất tốt tại Việt Nam nhờ mức giá nằm ở khoảng giá rẻ, phổ thông cho đến tiệm cận cao cấp.

Tuy nhiên, sự “trỗi dậy” của dòng xe SUV, MPV, CUV đã khiến thị phần xe sedan ngày càng thu hẹp. Đặc biệt, phân khúc sedan hạng D (sedan bình dân cỡ trung) ngày càng rơi vào cảnh “ế ẩm”, thường xuyên nằm trong nhóm xe có doanh số thấp nhất thị trường. Tại Việt Nam, các mẫu sedan hạng D đang được chào bán gồm có Toyota Camry, Honda Accord, Madza 6, KIA K5. Nissan và Hyundai cũng từng có đại diện sedan hạng D là Teana và Sonata, nhưng sau đó đã dừng bán do không đạt hiệu quả kinh doanh.

Theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà Sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA), năm 2023, mẫu xe bán chạy nhất phân khúc sedan hạng D là Toyota Camry cũng chỉ đạt doanh số 2.429 xe (trung bình 200 xe mỗi tháng), Mazda 6 bán được 1.094 xe, thậm chí Honda Accord cả năm chỉ bán được 58 xe. Đến tháng 1/2024, doanh số Toyota Camry chỉ còn 103 xe (đã bao gồm Camry và Camry Hybrid), trong khi doanh số Mazda 6, KIA K5, Honda Accord đều dưới 50 xe. Điều này đã dấy lên câu hỏi, liệu rằng sắp tới sẽ có thêm mẫu xe nào rời khỏi thị trường Việt hay không?

Một số chuyên gia nhận định, hiện tại, đa số các hãng xe phổ biến tại Việt Nam vẫn duy trì một phiên bản sedan hạng D để giữ thị phần. Cho dù mẫu xe đó bán không chạy nhưng vẫn có giá trị gia tăng sự nhận diện thương hiệu trên thị trường. Nếu chỉ dùng doanh số làm thước đo thì không chỉ riêng sedan hạng D mà ngay cả các dòng xe sang và siêu sang cũng bị xếp vào hàng “ế ẩm”.

Việc giữ hay bỏ sedan hạng D ra khỏi danh mục xe tại Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của nhà sản xuất theo từng giai đoạn cụ thể. Để giảm lỗ, các hãng xe hoàn toàn có thể giới hạn số lượng xe nhập về Việt Nam để đảm bảo cân đối cung - cầu. Chỉ cần trụ vững tại thị trường, không trở thành gánh nặng cho hãng đã là một thành công.

Lùi một bước dài để chờ thời cơ?

Toyota Camry
Toyota Camry "tiên phong" trong chuyển đổi từ động cơ đốt trong sang Hybrid. Ảnh: Toyota.

Dòng xe sedan đang chịu áp lực cạnh tranh mạnh mẽ từ SUV và các đối thủ khác. Do đó, vài năm gần đây, các hãng ô tô liên tục cơ cấu lại danh mục xe và các thị trường mục tiêu. Cụ thể, dòng sedan hạng D được tập trung hướng đến thị trường Mỹ, châu Âu; còn tại thị trường Đông Nam Á sẽ tập trung phát triển các dòng SUV, CUV cỡ nhỏ, duy trì thị phần sedan hạng B, hạng C...

Ví dụ, Hyundai Sonata là mẫu sedan có doanh số xếp thứ 3 của hãng trên toàn cầu trong vòng 27 năm qua, với 9,17 triệu xe được bán ra. Dù vậy, từ năm 2014 đến nay, doanh số mẫu xe này đang giảm dần đều. Cuối năm 2022, Hyundai từng thông báo sẽ dừng sản xuất Sonata trên toàn cầu, nhưng sau đó lại thay đổi chiến lược. Mới đây, hãng xe Hàn Quốc này đã giới thiệu Sonata 2024 tại thị trường Bắc Mỹ với kỳ vọng làm đối trọng cạnh tranh với Toyota Camry. Khả năng Sonata quay trở lại Việt Nam vẫn còn bỏ ngỏ.

Trong khi đó, chiến lược của Toyota là “xanh hóa” Camry, trở thành một chiếc xe Full Hybrid và “lột xác” về thiết kế, được giới chuyên môn đánh giá khá cao. Xe Hybrid cũng là một hướng phát triển mới, khá phù hợp với thị trường Đông Nam Á, nơi mà hạ tầng trạm sạc còn thiếu thốn.

Nhưng tại Việt Nam, những thay đổi trên là chưa đủ do thiếu các yếu tố hỗ trợ. Trong đó, thị trường ô tô Việt đang có tiềm năng phát triển rất lớn, nhu cầu mua xe ngày càng tăng cao, nhưng giá xe ô tô vẫn cao so với mặt bằng thu nhập của người dân. Do đó, thời gian đầu, thị trường sẽ tập trung nhắm đến các mẫu xe giá rẻ, xe thế hệ mới có thiết kế thời trang, nhiều tính năng hiện đại, nghĩa là ưu tiên “ăn no”. Sau một vòng đời ô tô (trung bình từ 5-7 năm), nhiều người có xu hướng “lên đời” xe mới, nghĩa là “ăn ngon”. Đây là thời điểm những mẫu xe hạng C, hạng D và cao cấp sẽ bán chạy hơn nhờ giá trị thương hiệu, độ bền bỉ và đẳng cấp mà các nhà sản xuất mang lại.

Như vậy, có thể tin rằng, dư địa phát triển của dòng xe bình dân cỡ trung, trong đó có sedan hạng D tại Việt Nam là vẫn còn, nhưng chưa thực sự phù hợp với thời điểm hiện tại.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate