Theo báo cáo hội nghị sơ kết công tác thông tin và truyền thông 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu lĩnh vực an toàn thông tin ước đạt 2.154 tỷ đồng, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2022 (1.885 tỷ đồng) và đạt 39,35% kế hoạch năm 2023 (5.474 tỷ đồng).
Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực an toàn thông tin là 161,43 tỷ đồng, tăng 13,8% so với 6 tháng đầu năm 2022 (141,9 tỷ đồng).
Trong đó, tỷ lệ doanh thu sản phẩm nội địa so với nước ngoài đạt 45%, giảm 19,2% so với 6 tháng đầu năm 2022. Từ đó, tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đạt 124,5 tỷ đồng, tăng 23,8% so với 6 tháng đầu năm 2022 (100,6 tỷ đồng).
Cho đến nay, tổng số doanh nghiệp được cấp phép đến nay là 106 doanh nghiệp (3 tập đoàn nhà nước, 69 công ty cổ phần và 34 công ty TNHH). Trong đó: 74 doanh nghiệp được cấp phép nhập khẩu sản phẩm; 29 doanh nghiệp được cấp phép sản xuất sản phẩm và 77 doanh nghiệp được cấp phép cung cấp dịch vụ.
Trong tổng số 106 doanh nghiệp thì 75 doanh nghiệp có trụ sở tại Hà Nội, 30 doanh nghiệp có trụ sở tại TP.HCM và 1 doanh nghiệp tại TP. Hải Phòng. Tổng số lao động của các doanh nghiệp đến nay là 3.601 người, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2022 (3.226 người).
Tổng số hệ thống thông tin trong cơ quan, tổ chức nhà nước là 3.094 hệ thống. Trong đó, 1.949 hệ thống đã được phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin, đạt 63%.
Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm 2023, Cục An toàn thông tin (trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 6.362 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam giảm 4,2% so với 6 tháng đầu năm 2022 (6.641 cuộc).
Đáng chú ý, số lượng địa chỉ IP Việt Nam nằm trong các mạng botnet là 512.712 địa chỉ, giảm 11,1% so với tháng 5/2023 (577.006 địa chỉ), giảm 27,3% so với cùng kỳ tháng 6/2022 (704.939 địa chỉ).
Thời gian qua, Cục An toàn thông tin đã chỉ đạo, điều phối ngăn chặn 1.530 trang web/blog vi phạm pháp luật (559 trang lừa đảo trực tuyến); bảo vệ hơn 2,7 triệu người dân không truy cập vào các website lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng.
Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết vẫn còn 37% hệ thống thông tin của các bộ, ngành và địa phương chưa phê duyệt hồ sơ đề xuất cấp độ theo quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng dẫn đến rủi ro pháp lý nếu xảy ra sự cố mất an toàn thông tin nghiêm trọng.
Mặc dù đơn vị chuyên trách về an toàn thông tin của các bộ, ngành, địa phương đã tham mưu, đôn đốc, hướng dẫn thường xuyên nhưng nhiều cơ quan, tổ chức được giao quản lý, vận hành hệ thống chưa chú trọng triển khai công tác bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ.
Song song đó, tỷ lệ người dân trưởng thành có chữ ký số hiện vẫn còn thấp, người dân chưa quen với việc thực hiện giao dịch điện tử có sử dụng chữ ký số.