Báo cáo đánh giá tình hình công tác quản lý nhà nước quý 2/2023 và nhiệm vụ công tác trọng tâm quý 3/2023 tại Hội nghị giao ban Quản lý Nhà nước quý 2/2023 ngày 12/6, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trong tháng 5 đầu năm 2023, kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn do suy thoái kinh tế ở nhiều nước chưa có dấu hiệu phục hồi, thị trường tiêu dùng công nghệ thông tin giảm sút, khả năng tăng trưởng thấp do tác động cộng hưởng của xung đột giữa Nga và Ucraina và ảnh hưởng của hậu đại dịch Covid-19.
Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam nói chung và sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin nói riêng, các đơn hàng xuất khẩu công nghệ thông tin của Việt Nam cũng sụt giảm.
Cụ thể, tổng doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt khoảng 52,2 tỷ USD (trên 1,22 triệu tỷ đồng), giảm 8% so với cùng kỳ năm 2022.
Nguyên nhân được Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ ra chủ yếu là do sự sụt giảm mạnh của doanh thu xuất khẩu phần cứng, điện tử vốn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin với mức sụt giảm mạnh nhất trong tháng 3 và 4 tương ứng là 22,8% và 22,4%.
Tổng doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt khoảng 52,2 tỷ USD (trên 1,22 triệu tỷ đồng), giảm khoảng 8% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu từ lĩnh vực công nghiệp phần cứng, điện tử trong 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt gần 1,14 triệu tỷ đồng (khoảng 48,7 tỷ USD), giảm 8,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Giá trị xuất khẩu sản phẩm phần cứng, điện tử ước đạt gần 43,9 tỷ USD, giảm 7,42% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm khoảng 30,8% giá trị xuất khẩu của cả nước. Trong đó, xuất khẩu 2 nhóm hàng hóa "máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện" và "điện thoại và linh kiện các loại" giữ vững đứng hàng đầu trong 12 nhóm hàng có giá trị xuất khẩu cao của cả nước.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 5 năm 2023, giá trị xuất khẩu máy tính và linh kiện ước đạt gần 20,3 tỷ USD, giảm 15% so với cùng kỳ và giá trị xuất khẩu điện thoại và linh kiện điện thoại ước đạt gần 21,4 tỷ USD, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2022.
Số lượng doanh nghiệp công nghệ số đăng ký thành lập vẫn tăng ổn định. Theo số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số doanh nghiệp công nghệ số đăng ký và đang hoạt động ước tính đến hết tháng 5/2023 ước đạt 71.500 doanh nghiệp, tăng 200 doanh nghiệp so với tháng 4/2023 với tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân ước đạt 0,72.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trong quý, Bộ đã nghiên cứu hoàn thiện Đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số; Xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 154/2013/NĐ-CP quy định về khu công nghệ thông tin tập trung; hoàn thiện nội dung Chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Khung Dự thảo đề cương Chiến lược phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2035 cũng được xây dựng, hoàn thiện. Cùng với đó xây dựng đề cương Đề án xây dựng vùng động lực công nghiệp công nghệ thông tin, thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm điện, điện tử, các sản phẩm Internet vạn vật (IoT), AI tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa- Vũng Tàu.