Ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết các doanh nghiệp toàn cầu thiệt hại khoảng 5% doanh thu mỗi năm vì lừa đảo. Giá trị trung bình một vụ lừa đảo là 1,7 triệu USD.
“SÂN CHƠI” RỘNG, RỦI RO LỚN
Theo khảo sát của PwC, năm 2018 tỷ lệ doanh nghiệp cho biết họ là nạn nhân của lừa đảo và tội phạm kinh tế là 49%, năm 2020 là 47% và năm 2022 là 46%. Về phân loại lừa đảo, có 43% từ bên ngoài, 31% từ nội bộ, 26% thông đồng giữa bên trong và bên ngoài.
Về phía các doanh nghiệp Việt Nam, 52% doanh nghiệp tham gia khảo sát của PwC cho biết đã từng là nạn nhân của lừa đảo và tội phạm kinh tế. Con số này cao hơn mức 46% chung của khu vực châu Á-Thái Bình Dương và mức 49% của toàn cầu. Đối tượng lừa đảo các doanh nghiệp Việt Nam là từ khách hàng (36%), nhà cung cấp (21%) và các bên trung gian, đại lý (14%).
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban pháp chế VCCI, nhận định khi Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn, các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn với nhiều đối tác hơn, “sân chơi” rộng hơn, luật chơi khác nhau thì nguy cơ tranh chấp, lừa đảo cũng lớn hơn và phức tạp hơn. Các vụ lừa đảo và tranh chấp mà doanh nghiệp thường phải đối mặt là do không có điều kiện kiểm tra kỹ lưỡng về đối tác, lựa chọn phương thức thanh toán chưa phù hợp, có thể từ những gài cắm đầy tính toán từ đối tác trong hợp đồng mà doanh nghiệp Việt Nam vốn chưa có nhiều kinh nghiệm.
Đồng tình, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, cũng thừa nhận Việt Nam khi vào “sân chơi” mở rộng đồng nghĩa với rủi ro sẽ nhiều hơn. Mặc dù Bộ Công Thương và VCCI đã nhiều lần thông tin về rủi ro trong hoạt động xuất nhập khẩu nhưng vẫn có những sự việc đã xảy ra. Vụ việc 76 containers hạt điều của 5 doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Italia hồi tháng 3/2022 là một ví dụ điển hình.
Đặc biệt, theo ông Hải, với một đất nước có nhiều ngành hàng xuất khẩu hàng đầu thế giới như Việt Nam nhưng đa phần lại là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, rất thiếu kinh nghiệm về tranh chấp thương mại quốc tế. Hơn nữa, doanh nghiệp Việt đã quá tin tưởng vào người môi giới. Hiện nay các hợp đồng do người môi giới soạn thảo rất đơn giản, thiếu nhiều điều khoản quan trọng nhưng doanh nghiệp vẫn chấp nhận. Đáng e ngại hơn, doanh nghiệp cũng đã bỏ qua khâu kiểm tra đối tác trong khi đây là một yêu cầu bắt buộc khi giao dịch với đối tác mới. Vì thế, doanh nghiệp không nhận biết được những dấu hiệu rủi ro.
Chẳng hạn, Italia là thị trường mua hạt điều rất ít, nay có hợp đồng lớn đột ngột, giao dịch trong thời gian ngắn nhưng doanh nghiệp lại không nhận thấy đó là điều bất thường. Một dấu hiệu rủi ro khác là có nhiều chủ thể tham gia giao dịch (hàng đưa đến Italia nhưng thanh toán qua ngân hàng ở Thổ Nhĩ Kỳ).
Một sơ hở lớn trong vụ việc vừa qua, theo ông Hải, là doanh nghiệp cung cấp cho người mua mã DHL (dịch vụ vận chuyển và chuyển phát nhanh quốc tế) gửi chứng từ đến ngân hàng. Với mã này, kẻ gian có thể theo dõi hành trình và can thiệp, đánh tráo, đánh cắp chứng từ ở một khâu nào đó.
TẠI SAO BỊ LỪA?
Không phải chỉ vụ 76 containers hạt điều bị lừa ở Italia mà hiện nay xuất hiện ngày càng nhiều vụ lừa đảo với các hình thức mới. Theo ông Đặng Khánh Linh, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế, Bộ Ngoại giao, tình trạng lừa đảo qua mạng ngày càng phổ biến và diễn ra tại các thị trường lớn, có uy tín, mức độ rủi ro thấp như Mỹ, châu Âu (Hà Lan, Italia, Na Uy...) thay vì tập trung ở các thị trường khu vực châu Phi như trước đây.
Các đối tượng lừa đảo đã lợi dụng khoảng cách địa lý xa xôi, đại dịch Covid-19 để lừa giao dịch qua Internet. Đặc biệt, lợi dụng thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, trong khi doanh nghiệp có nhu cầu đẩy mạnh xuất nhập khẩu nên có xu hướng chấp nhận rủi ro cao hơn trong giao dịch.
Ông Linh chỉ ra 4 hình thức lừa đảo, gian lận thương mại phổ biến, gồm: thành lập công ty “ma”; nêu các khó khăn, viện dẫn nhiều lý do để không thực hiện hợp đồng, không thanh toán, không chuyển hàng như đã thỏa thuận; giả mạo giấy tờ, đại diện ngân hàng để lấy chứng từ gốc, chiếm đoạt hàng hoá mà không thanh toán; lừa đảo môi giới các dự án vay ưu đãi, viện trợ, thông báo trúng đấu thầu.
Các vụ lừa đảo, gian lận thương mại thường có 4 đặc điểm chung: đàm phán giá cả diễn ra nhanh chóng; đối tác chỉ liên lạc qua Internet, tin nhắn, dùng email miễn phí, không sử dụng email chính thức của doanh nghiệp, không muốn gặp trực tiếp hoặc trực tuyến; cung cấp tài khoản thanh toán ở nước thứ ba, tại ngân hàng nhỏ, tên chủ tài khoản không phải công ty đứng tên hợp đồng, giấy phép kinh doanh sắp hết hạn... Đề nghị thanh toán bằng các hình thức có rủi ro cao, đề nghị chuyển trước một phần hoặc toàn bộ chứng từ với lý do để xin giấy phép nhập khẩu.
Nhưng hơn hết, ông Linh cho rằng sự chủ quan của doanh nghiệp mới là nguyên nhân chính. Do quá tin tưởng đối tác hoặc bên môi giới, thấy một - hai giao dịch thành công nên lơ là các hợp đồng sau. Doanh nghiệp chấp nhận dành nhiều điều kiện ưu đãi cho đối tác, nhất là về hình thức thanh toán để xuất khẩu.
VAI TRÒ CỦA CÁC CƠ QUAN ĐẠI DIỆN Ở NƯỚC NGOÀI
Để hạn chế các rủi ro này, ông Linh khuyến nghị, doanh nghiệp cần tìm kiếm đối tác qua các kênh uy tín, qua giới thiệu của bộ, ngành, các cơ quan đại diện và thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, các cơ quan xúc tiến thương mại, các hiệp hội doanh nghiệp... Nếu tìm đối tác qua mạng Internet, doanh nghiệp nên sử dụng các trang mạng chính thức của hiệp hội, ngành nghề các nước.
Đồng thời, kiểm tra, xác minh kỹ và toàn diện thông tin đối tác như đề nghị cung cấp các giấy tờ cơ bản để kiểm chứng mức độ uy tín, tình hình tài chính, khả năng tín dụng của đối tác. Tối ưu nhất là thuê các công ty tư vấn, luật sư uy tín tại nước sở tại hoặc đề nghị cơ quan đại diện, Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài xác minh trước khi đàm phán, ký hợp đồng lớn. Trường hợp giao dịch qua môi giới, không nên dựa hoàn toàn vào môi giới (như vụ việc 100 container hạt điều) mà cần yêu cầu được liên hệ trực tiếp với người mua.
Nghiên cứu kỹ hợp đồng và khi giao dịch cần lưu ý nắm chắc các nguyên tắc, thông lệ thương mại quốc tế, vai trò, trách nhiệm của các bên trong hợp đồng. Nhất là cần áp dụng phương thức, điều kiện thanh toán phổ biến và an toàn như L/C không hủy ngang có xác nhận tại các ngân hàng quốc tế uy tín để được ngân hàng bảo lãnh; hạn chế cho phép trả chậm.
Trong hợp đồng nên có điều khoản quy định rõ cơ quan giải quyết khi xảy ra tranh chấp (nên đề nghị sử dụng trọng tài quốc tế hoặc tòa án Việt Nam là nơi giải quyết tranh chấp để tránh bất lợi về thủ tục, ngôn ngữ) và các thời điểm về chuyển chứng từ gốc, chuyển quyền sở hữu lô hàng, hiệu lực hợp đồng. Không thay đổi điều khoản hợp đồng sau khi đã ký kết và đã chuyển hàng. Chủ động thuê tàu vận chuyển hàng và xuất khẩu theo hình thức điều kiện CNF hoặc CIF để có quyền kiểm soát tốt hơn chứng từ gốc.
Ông Linh nhấn mạnh, các bộ ngành cần tăng cường thông tin, cảnh báo cho doanh nghiệp về các tổ chức, đối tượng có dấu hiệu lừa đảo, có hiện tượng làm ăn phi pháp, các hình thức lừa đảo mới, các hành vi lừa đảo tại các địa bàn được đánh giá là an toàn trong giao dịch. “Bộ Công Thương chỉ đạo thêm các tham tán thương mại ở các nước củng cố mạng lưới quan hệ với chính quyền, các cơ quan quản lý về an ninh kinh tế, các tổ chức, công ty luật uy tín ở sở tại để nâng cao hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong xử lý các vụ việc lừa đảo và tranh chấp. Tăng cường giới thiệu các hiệp hội doanh nghiệp, luật sư Việt Nam ở nước ngoài để mở rộng mạng lưới hỗ trợ thông tin, tư vấn cho doanh nghiệp”, ông Linh đề nghị, đồng thời lưu ý, công tác vận động chính trị - đối ngoại, đặc biệt là vận động cấp cao là hết sức quan trọng và cần thiết.
Về phía các doanh nghiệp, ông Trần Thanh Hải cho rằng cần bố trí đội ngũ làm công tác ngoại thương và phát triển thị trường có năng lực, kỹ năng và nghiệp vụ tốt về thương mại quốc tế, pháp lý, ngoại ngữ để việc giao dịch, đàm phán, ký kết hợp đồng được chặt chẽ, hạn chế tối đa các rủi ro, tránh thiệt hại cho doanh nghiệp.