Quá trình xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng thực sự tạo nên bước đột phá kể từ khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu kéo dài trong 5 năm, kể từ tháng 8/2017 đến tháng 8/2022.
Theo đó, với quyền năng pháp lý được mở rộng hơn so với so với các quy định hiện hành về xử lý nợ xấu, Nghị quyết 42 đã giúp hệ thống tổ chức tín dụng xử lý được khối lượng nợ xấu rất lớn.
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước tại kỳ họp Quốc hội vừa qua cho biết, lũy kế từ 15/8/2017 đến 31/12/2021, toàn hệ thống tổ chức tín dụng xử lý được 380,2 nghìn tỷ đồng, bằng 47,9% số nợ xấu theo Nghị quyết 42 tại thời điểm 15/8/2017 và số nợ xấu theo Nghị quyết số 42 phát sinh mới trong thời gian Nghị quyết số 42 có hiệu lực.
Trong 380,2 nghìn tỷ đồng nợ xấu đã xử lý thì: (i) xử lý nợ xấu nội bảng là 196,9 nghìn tỷ đồng (chiếm 51,79%); (ii) xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán là 100,8 nghìn tỷ đồng (chiếm 26,51%); (iii) xử lý các khoản nợ đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 82,5 nghìn tỷ đồng (chiếm 21,70%).
Đặc biệt, trong 380,2 nghìn tỷ nói trên, số nợ xấu được xử lý do khách hàng tự trả lên tới 148 nghìn tỷ đồng, chiếm 38,93%, cao hơn mức 22,8% trung bình năm của giai đoạn 2012 – 2017 do khách hàng tự trả/tổng nợ xấu nội bảng đã xử lý.
Tuy nhiên, do nghị quyết mang tính thí điểm, thời hạn chỉ kéo dài đến 15/8/2022 nên đã tạo ra khoảng trống pháp lý về xử lý nợ xấu sau thời hiệu nói trên. Do đó, Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ đã nhiều lần báo cáo đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc kéo dài thời hạn thí điểm của Nghị quyết 42.
Tại Nghị quyết kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã chính thức cho phép kéo dài hiệu lực của Nghị quyết 42 đến 31/12/2023. Cùng đó giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm; rà soát sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng và trình Quốc hội xem xét xem xét chậm nhất tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023). Trong thời gian thực hiện kéo dài Nghị quyết 42, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ban ngành xử lý khó khăn, vướng mắc đã nêu trong báo cáo số 174/BC-CP ngày 11/5/2022.
Trên tinh thần như vậy, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy đã phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cùng các đơn vị VAMC, Agribank tổ chức buổi đối thoại chuyên đề: "Hoàn thiện pháp lý về nợ xấu sau khi Nghị quyết 42 kết thúc thí điểm".
Các vấn đề chính sẽ được thảo luận gồm:
- Nhìn lại toàn cảnh bức tranh xử lý nợ xấu, bao gồm cả tính vượt trội khi áp dụng Nghị quyết 42 và 6 nhóm bất cập được nêu trong Báo cáo 174 của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp vừa qua.
- Quyền xử lý nợ xấu và bảo vệ quyền chủ nợ của các tổ chức tín dụng trong quá trình hoàn thiện khung khổ pháp lý và giải quyết các bất cập về thực thi trong quá trình thực hiện Nghị quyết 42.
- Làm gì để tuân thủ lộ trình tại Nghị quyết kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã đề ra, qua đó bảo đảm kịp tiến độ tiếp nối tính pháp lý khi Nghị quyết 42 chấm dứt hiệu lực gia hạn vào 31/12/2023.
Khách mời của đối thoại bao gồm:
- Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội khóa XV;
- Bà Vũ Ngọc Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Ngân hàng Nhà nước;
- Ông Đỗ Giang Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty Quản lý tài sản (VAMC);
- Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam;
- Ông Vũ Việt Hưng, Phó trưởng Ban Pháp chế Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank);
- Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia
- Nhà báo Nguyễn Hoài, Trưởng Ban Tài chính - Ngân hàng, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, điều hành tọa đàm.