September 18, 2015 | 08:10 GMT+7

Đối thủ “vùi dập” Donald Trump trong cuộc tranh luận thứ hai

An Huy

Các đối thủ cùng đảng của Donald Trump đã không còn “nhẫn nhịn” vị tỷ phú này trong cuộc tranh luận diễn ra tối 16/9

Một số biểu cảm khuôn mặt của Donald Trump khi nghe các đối thủ tranh luận trong buổi tối ngày 16/9 - Ảnh: CNN.<br>
Một số biểu cảm khuôn mặt của Donald Trump khi nghe các đối thủ tranh luận trong buổi tối ngày 16/9 - Ảnh: CNN.<br>
Trước cuộc tranh luận trực tiếp thứ hai của các ứng cử viên Đảng Cộng hòa trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016 diễn ra tối ngày 16/9 theo giờ Mỹ, nhiều người tin rằng tỷ phú Donald Trump sẽ bước vào một giai đoạn ít bốc đồng hơn và thực chất hơn để ganh đua giành ghế đại diện cho đảng này.

Tuy nhiên, hãng tin CNN cho biết, dự báo này đã không còn đúng với những gì mà “ông trùm” ngành bất động sản thể hiện trong cuộc tranh luận.

Giữa muôn trùng vây

Trump không còn gây được ấn tượng mạnh như trong cuộc tranh luận đầu tiên, mà đã bị các đối thủ cùng đảng “vùi dập không thương tiếc”.

Nửa đầu của cuộc tranh luận, Trump - người luôn tự hào về những kỹ năng giải trí của bản thân - đã không gây thất vọng. Ông đả kích Rand Paul, đấu khẩu nảy lửa với Carly Fiorina, và liên tục có những điệu bộ rất “kịch”, như đảo mắt, chu môi, và lắc lư đầu khi nghe các đối thủ phát biểu.

Tuy nhiên, cuộc tranh luận kéo dài 3 giờ đồng hồ ở Ronald Reagan Presidential Library, Simi Valley, California có vẻ như đã thử thách khả năng chịu đựng và mức độ sẵn sàng của Trump trong việc tham gia thảo luận chính sách thực chất.

Khi cuộc tranh luận bước sang thời điểm thực chất hơn, với các vấn đề như chính sách đối ngoại và xét xử tội phạm, “màn trình diễn” của Trump dần dà trở nên nhạt nhòa, và vị tỷ phú thậm chí chỉ còn là bức nền cho các đối thủ khác tranh luận.

Trái lại, các ứng cử viên như Marco Rubio, Chris Christie, và Carly Fiorian chiếm nhiều thời lượng phát sóng hơn và làm chủ cuộc tranh luận.

Trước đó, trong suốt nhiều tuần, tỷ phú Trum đã giữ vị trí trung tâm trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Những tuyên bố mạnh miệng của ông khiến các ứng cử viên khác trở nên mờ nhạt. Tuy vậy, đối thủ cùng đảng của Trump, những người chần chừ trong việc “tấn công” ông trong cuộc tranh luận đầu tiên, đã không còn “nhẫn nhịn” nữa trong cuộc tranh luận thứ hai này.

Trump đã rơi vào thế phòng thủ khi bị các đối thủ yêu cầu giải thích về những lời công kích mà ông nhằm vào họ trong thời gian gần đây. Và chính những lời công kích trước đó của Trump lại trở thành “gậy ông đập lưng ông” trong buổi tối ngày 16/9.

Ví dụ điển hình là khi bà Carly Fiorina nhắc lại việc Trump chế nhạo khuôn mặt bà trên tạp chí “Rolling Stone”. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn tạp chí này, Trump nói người Mỹ sẽ không bỏ phiếu cho một ứng cử viên có khuôn mặt như bà Fiorina.

Khi được người dẫn chương trình Jake Tapper của kênh CNN hỏi liệu bà có muốn đáp trả đánh giá đó của Trump không, Fiorina đáp: “Tôi nghĩ tất cả mọi phụ nữ ở đất nước này đều nghe rõ những gì ông Trump nói”.

“Bóng hồng” duy nhất trong số 16 ứng cử viên của Đảng Cộng hòa trong cuộc đua năm 2016 ngừng lời một lúc, và khoảng lặng này có “ý nghĩa chết người”.

Trump cười gượng: “Tôi nghĩ là bà ấy có một khuôn mặt đẹp, và tôi nghĩ bà ấy là một phụ nữ đẹp”.

Nhưng bà Fiorina không tỏ gì là vẻ vui mừng với lời “động viên” muộn mằn này của đối thủ.

Cựu Thống đốc bang Florida Jeb Bush, đối thủ chính của Trump trong cuộc đua giành ghế đại diện đảng trong cuộc bầu cử năm 2016, cũng ghi điểm trước vị “đại gia” địa ốc bằng cách đòi Trump xin lỗi về việc Trump từng cho rằng Bush yếu đuối trong vấn đề nhập cư vì vợ Bush là một người gốc Mexico.

“Đưa vợ tôi vào giữa một cuộc tranh luận chính trị là không phù hợp chút nào, và tôi hy vọng ông hãy đưa ra lời xin lỗi vì điều đó, Donald”, Bush nói với Trump.

Trump từ chối xin lỗi, nhưng khẳng định đã nghe “những điều tuyệt vời” về vợ của Bush, người mà ông gọi là một phụ nữ đáng mến.

“Tại sao ông không xin lỗi bà ấy ngay bây giờ?”, Bush chất vấn. Nhưng một lần nữa Trump không chịu cất lời xin lỗi.

“Tôi rất ấn tượng”

Cả Bush và Marco Rubio cùng giành điểm từ việc Trump gần đây cho rằng các ứng cử viên Tổng thống Mỹ phải nói tiếng Anh thay vì tiếng Tây Ban Nha. Trump từng nói Bush “nên nêu gương bằng cách nói tiếng Anh trên đất Mỹ”.

“Chúng ta phải có sự đồng hóa”, Trump nói trong cuộc tranh luận tối thứ Tư.

“Ồ, tôi đang nói tiếng Anh ở đây trong buổi tối hôm nay, và tôi vẫn sẽ nói tiếng Anh”, Bush đáp lời. Tuy nhiên, ông nói rằng nếu một sinh viên hỏi ông một câu hỏi bằng tiếng Tây Ban Nha, “tôi sẽ thể hiện sự tôn trọng và trả lời câu hỏi đó bằng tiếng Tây Ban Nha... Cho dù họ thực sự có thể nói tiếng Anh và họ tôn trọng những giá trị Mỹ”.

Ứng cử viên Rubio thì nhất trí rằng tất cả mọi người nên học nói tiếng Anh, nhưng ông cũng tranh thủ cuộc tranh cãi xung quanh tuyên bố về ngôn ngữ của Trump để mở đường vào một câu chuyện cá nhân đi vào lòng người.

“Tôi muốn kể cho các bạn nghe câu chuyện về một người không nói giỏi tiếng Anh. Đó là ông của tôi”, Rubio nói. Trong câu chuyện của mình, Rubio đã kể ông nội của ông từ Cuba sang Mỹ như thế nào trong thập niên 1960.

“Ông nội tôi đã khiến tôi có niềm tin rằng tôi được Chúa phù hộ để sống trong một xã hội có sự phan trộn của tất cả lịch sử nhân loại. Trong xã hội ấy, cho dù tôi chỉ là con của một người pha chế rượu ở quán bar và một nữ bồi bàn, tôi vẫn thể phấn đấu để có bất kỳ thứ gì, và đạt được bất kỳ mục tiêu nào mà tôi dám nỗ lực. Nhưng ông đã dạy tôi điều đó bằng tiếng Tây Ban Nha, bởi đó là ngôn ngữ mà ông cảm thấy thoải mái nhất khi nói”.

Đến cuối buổi tranh luận, Trump có vẻ như bị mất phương hướng, và đành lên tiếng khen ngợi các đối thủ sau nhiều tuần liên tục “phủ đầu” họ.

“Tôi rất ấn tượng với tất cả mọi người”, Trump nói với CNN.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate