October 08, 2024 | 08:12 GMT+7

"Đòn bẩy" công nghệ số trong phát triển kinh tế tỉnh Thanh Hoá

Nguyễn Thuấn - Thiên Anh

Để thúc đẩy kinh tế số, Thanh Hóa cần đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, phát triển Khu công nghệ thông tin, tập trung phát triển ngành bán dẫn và điện tử, chuyển đổi số các khu công nghiệp, đẩy mạnh sản xuất sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu, giá trị cao gắn với du lịch, thúc đẩy kinh tế xanh...

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Ngày 7/10, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội thảo “Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và vai trò của công nghệ số trong phát triển kinh tế số tỉnh Thanh Hóa”. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia tại Thanh Hoá.

Những năm qua, Thanh Hóa đã đạt được những kết quả tích cực về chuyển đổi số: Năm 2022, Thanh Hóa đứng thứ 15/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về xếp hạng chuyển đổi số.

Trong đó, chính quyền số xếp thứ 16, kinh tế số xếp thứ 14, xã hội số xếp thứ 13 (kết quả năm 2023 chưa công bố). Đến thời điểm hiện tại, Thanh Hóa đã có 114 xã, phường, thị trấn được công nhận hoàn thành chuyển đổi số cấp xã...

Toàn cảnh buổi hội thảo.
Toàn cảnh buổi hội thảo.

Theo PGS.TS Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số - Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông, Thanh Hóa hiện đứng thứ 3 cả nước về dân số nhưng GDP xếp thứ 29/63 tỉnh, thành. Năm 2023, tốc độ tăng trưởng GDP của Thanh Hóa đạt 7,01%. Toàn tỉnh hiện có 615 doanh nghiệp công nghệ số, xếp thứ 32 cả nước và xếp thứ 5 vùng Bắc Trung Bộ.

Để thúc đẩy kinh tế số, Thanh Hóa cần đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử; phát triển Khu công nghệ thông tin; tập trung phát triển ngành bán dẫn và điện tử; chuyển đổi số các khu công nghiệp; đẩy mạnh sản xuất sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu, giá trị cao gắn với du lịch, thúc đẩy kinh tế xanh.

Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi hoạt động mua bán hàng hóa lên sàn thương mại điện tử: Đề xuất các doanh nghiệp Thanh Hóa tăng cường các hoạt động bán buôn (đặc biệt là nông sản) trên các nền tảng xuyên biên giới, nền tảng số (platform) cho hoạt động bán buôn (Viettel Post). Sản phẩm nông nghiệp phải truy xuất được nguồn gốc và phải gắn với du lịch. Sản xuất nông lâm nghiệp cần hướng tới kinh tế xanh.

Về xã hội số cần triển khai phổ biến kiến thức, nâng cao kỹ năng số và năng lực tiếp cận thông tin cho người dân nông thôn; phổ cập và đa dạng hoá các dịch vụ số tiện ích sử dụng chữ ký số; ứng dụng việc sử dụng chữ ký số trong dịch vụ công trực tuyến; ứng dụng việc sử dụng chữ ký số trong các hoạt động phục vụ người dân, doanh nghiệp như: học bạ điện tử, sổ sức khỏe điện tử, hợp đồng lao động điện tử...

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate