May 27, 2025 | 10:52 GMT+7

Đòn bẩy quan trọng cho đổi mới sáng tạo

Anh Nhi -

Sau 6 năm kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), mới đây, Nghị định số 97/2025/NĐ-CP (Nghị định 97) đã được ban hành, quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù dành cho NIC. Đây được xem là một đòn bẩy quan trọng để NIC phát huy tối đa năng lực, hiệu quả hoạt động...

Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC - Bộ Tài chính).
Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC - Bộ Tài chính).

Xoay quanh vấn đề này, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC về vấn đề này.

Thưa ông, Nghị định 97 vừa được ban hành có ý nghĩa như thế nào đối với hoạt động của NIC trong thời gian tới?

Có thể nói, Nghị định 97 là một bước ngoặt rất quan trọng, đánh dấu sự chuyển mình lớn về mặt thể chế cũng như các hoạt động của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC). Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 97, tập thể NIC rất vui mừng và cảm thấy đây là một nguồn động viên to lớn từ Chính phủ và lãnh đạo các cấp.

Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, NIC luôn nhận được sự ủng hộ, quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các Bộ ngành. Nghị định 97 mang đến những bước đột phá mới so với quy định trước đây, thể hiện qua một số điểm nổi bật.

Thứ nhất, Nghị định 97 tạo ra một hành lang pháp lý để NIC có thể thực hiện các dịch vụ liên quan đến xây dựng và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, và phát triển nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo. Đây là cơ sở pháp lý rất kịp thời để chúng tôi thực hiện đầy đủ sứ mệnh của mình.

Thứ hai, Nghị định 97 mở ra cơ sở pháp lý để NIC huy động các nguồn lực từ trong nước và quốc tế, chủ yếu từ khu vực tư nhân, để thực hiện các hoạt động hỗ trợ đổi mới sáng tạo. Điều này hiện thực hóa chủ trương coi khu vực kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế.

Thứ ba, Nghị định 97 cũng đưa ra một số cơ chế, chính sách khuyến khích đối với các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo khi hoạt động tại NIC, như cơ chế về giấy phép lao động, tín dụng ưu đãi.

Để thu hút đầu tư cho đổi mới sáng tạo, theo ông, Việt Nam đã hội tụ đủ các điều kiện để sẵn sàng đón nhận, hợp tác với các tập đoàn, doanh nghiệp và nhà đầu tư hàng đầu trên thế giới hay chưa?

Trong quá trình triển khai Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam đã từng bước xây dựng được những nền tảng vững chắc để thu hút nguồn vốn tư nhân cho đổi mới sáng tạo. Tôi cho rằng Việt Nam đã có những điều kiện hết sức thuận lợi.

Thứ nhất, chúng ta có một hệ thống chính trị ổn định. Lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ban, ngành đều rất ủng hộ và quán triệt chủ trương thúc đẩy toàn diện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Đây là cơ sở chính trị quan trọng để hình thành khung thể chế cho hoạt động này.

Thứ hai, Việt Nam đang dần hoàn thiện hệ thống pháp luật cho hoạt động đổi mới sáng tạo. Từ Nghị định 94/2020/NĐ-CP quy định về cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Nghị định 97 liên quan đến NIC mới đây, đến việc chuẩn bị ban hành Luật Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, tất cả đều hướng tới việc luật hóa các cơ chế, chính sách theo hướng mở, thông thoáng hơn. Hoạt động đổi mới sáng tạo vốn rất linh hoạt, cần thay đổi kịp thời, do đó hệ thống pháp luật phải có độ mở nhất định để tạo điều kiện cho các nguồn vốn đầu tư vào công nghệ mới, công nghệ tiên tiến.

Thứ ba, chúng ta có một đội ngũ nguồn nhân lực trẻ, dồi dào và có nhiều tiềm năng. Với dân số 100 triệu người đang ở thời kỳ dân số vàng, lực lượng lao động Việt Nam rất có năng khiếu và ham thích các lĩnh vực STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học). Đây là lợi thế cạnh tranh lớn.

Ngoài ra, cơ chế hoạt động của NIC cũng tạo ra một hạt nhân để thúc đẩy nguồn vốn đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, cùng với các khu công nghệ cao và các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo khác.

Nghị quyết số 57-NQ/TW (Nghị quyết 57) và Nghị quyết số 68-NQ/TW (Nghị quyết 68) của Bộ Chính trị đã thể hiện rõ quyết tâm của Đảng, Chính phủ trong việc tạo điều kiện tối đa cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế tư nhân. Vậy, với vai trò là cầu nối với cộng đồng doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và nhà đầu tư, trong thời gian tới, NIC sẽ có những chương trình và kế hoạch cụ thể nào để thực hiện tốt nhiệm vụ mới của mình, thưa ông?

Nghị quyết 57 và Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị đã thể hiện rõ nét nhất các chủ trương, định hướng lớn của Đảng. NIC xác định trách nhiệm của mình trong việc tiếp tục thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và phát triển các ngành công nghệ chiến lược. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm.

Đó là tiếp tục nâng cao nhận thức và năng lực của cộng đồng về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Chúng tôi đã và sẽ triển khai sâu rộng hơn các chương trình phối hợp với các đối tác lớn như Google (phát triển nền tảng số), Samsung (đào tạo về công nghệ 4.0), và gần đây là Intel với chương trình "AI for All" (AI cho mọi người) để phổ cập kiến thức trí tuệ nhân tạo một cách dễ hiểu.

NIC cũng sẽ đóng vai trò đầu mối trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là điều phối triển khai Quyết định 1017/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 với, mục tiêu đến năm 2030 có 50.000 kỹ sư. Chúng tôi đang hợp tác với nhiều đối tác công nghệ hàng đầu thế giới như Cadence, Synopsys, Meta, Nvidia… để triển khai đào tạo, cung cấp phần mềm thiết kế vi mạch, và phát triển nhân lực cho AI.

NIC cũng sẽ tiếp tục phát triển Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam (Vietnam Innovation Network), kết nối các trí thức, chuyên gia công nghệ người Việt trên toàn thế giới để tham gia vào phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao trong nước.

Chúng tôi cũng sẽ tập trung phát triển hệ thống các trung tâm khởi nghiệp sáng tạo tại các trường đại học. Hiện đã có gần 80 trường đại học tham gia, nhằm xây dựng một mạng lưới thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo ngay từ sinh viên.

Ngoài ra, NIC cũng tiếp tục thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam thông qua việc nâng cao chất lượng, số lượng và vai trò của hệ sinh thái trong việc thúc đẩy các ngành công nghiệp chiến lược. Chúng tôi sẽ tổ chức các sự kiện lớn như Triển lãm Quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam (Vietnam International Innovation Expo - VIIE), các diễn đàn về đầu tư, và đặc biệt là Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam (Vietnam Innovation Day) dự kiến kéo dài 3-5 ngày vào tháng 10 hàng năm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Các diễn đàn quốc tế về AI, đầu tư cho đổi mới sáng tạo cũng sẽ tiếp tục được tổ chức, kèm theo các báo cáo chuyên sâu để cung cấp thông tin cho cộng đồng.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate