June 29, 2023 | 07:21 GMT+7

Đón đầu xu hướng tiêu dùng xanh: Doanh nghiệp cần chủ động đáp ứng nhu cầu của thị trường

Vũ Khuê -

Người tiêu dùng hiện nay rất quan tâm đến những sản phẩm có tính bền vững và thân thiện với môi trường, do vậy nhà sản xuất cần nắm bắt cơ hội, thích ứng với sự thay đổi tiêu dùng này...

Tiêu dùng xanh là xu hướng tất yếu.
Tiêu dùng xanh là xu hướng tất yếu.

Tại diễn đàn "Khuynh hướng tiêu dùng Việt Nam 2023: Xu hướng và thị trường bán lẻ" ngày 28/6, bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc nghiên cứu hành vi khách hàng của NielsenIQ Việt Nam nhận định, người tiêu dùng ngày càng coi trọng yếu tố bền vững khi mua sắm.

TIÊU DÙNG XANH THỊNH HÀNH

Khảo sát năm 2023 của NielsenIQ cho thấy, 49% người tiêu dùng mang túi riêng, sử dụng túi tái chế; 47% chỉ mua đồ cần thiết, tránh lãng phí; 45% người tiêu dùng có ý thức phân loại rác tái chế và tiết kiệm điện.

Nghiên cứu cũng chỉ rõ, sự kỳ vọng của người tiêu dùng với doanh nghiệp về những sáng kiến và hành động thiết thực nhằm cải thiện môi trường. Theo đó, 38% người tiêu dùng đánh giá sáng kiến và hành động thiết thực của doanh nghiệp nhằm cải thiện môi trường là cực kỳ quan trọng. Chỉ có 3% người tiêu dùng cho rằng điều này không quan trọng.

Khảo sát về xu hướng tiêu dùng xanh từ góc nhìn của người tiêu dùng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh của Intage Việt Nam cũng cho thấy, tiêu dùng xanh đang trở thành vấn đề tất yếu.

95% người tiêu dùng đã có ý thức về bảo vệ môi trường. Họ nhận thức được sự cần thiết của các hoạt động bảo vệ môi trường và tư duy rằng mỗi người đều có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường sống xung quanh. Thay đổi hành vi, thói quen hàng ngày để có các tác động tích cực và bảo vệ môi trường.

Nhận thức này được chuyển thành hành động, khi có tới 59% người tiêu dùng lựa chọn ăn rau xanh, ngũ cốc thường xuyên hơn; 44% tái sử dụng quần áo cũ thay vì mua mới không cần thiết; 61% tắt các thiết bị điện trong nhà khi không sử dụng; 39% hạn chế dùng thực phẩm đóng gói, công nghiệp; 73% sử dụng thực phẩm được sản xuất hữu cơ và thuần tự nhiên; 44% hạn chế sử dụng túi nhựa, thay thế bằng túi canvas…

Bà Trịnh Nguyễn Ngọc Linh, Quản lý cấp cao Dự án Intage Việt Nam, cho rằng người tiêu dùng ngày nay quan tâm và tin tưởng các sản phẩm bền vững sẽ giúp tiết kiệm chi phí về mặt lâu dài dù chi phí ban đầu cao.

Sức khỏe, an toàn của bản thân và gia đình là yếu tố quan trọng nhất với họ khi lựa chọn sản phẩm. Do đó, người tiêu dùng có xu hướng chọn các sản phẩm hữu cơ và tự nhiên để tránh tiếp xúc với hóa chất và độc tố. Nữ giới thể hiện mối quan tâm và nhận thức rõ nét hơn về tiêu dùng xanh.

Đặc biệt, gần 90% người tiêu dùng ủng hộ những công ty kinh doanh đạo đức và có trách nhiệm xã hội. 43% người tiêu dùng có ấn tượng tốt về nhãn hàng, doanh nghiệp thân thiện với môi trường.

Nhiều doanh nghiệp đã thay đổi bao bì sản phẩm để thích ứng.
Nhiều doanh nghiệp đã thay đổi bao bì sản phẩm để thích ứng.

Mặc dù có nhiều khó khăn, người tiêu dùng vẫn thể hiện sự ủng hộ xu hướng và sẵn sàng chuyển đổi thành hành động cụ thể, như: Chi trả nhiều hơn cho thương hiệu, mua hàng thường xuyên hơn, nhấn like & follow nhãn hàng trên các trang mạng xã hội…

CẦN MỘT CHIẾN LƯỢC SẢN XUẤT XANH

Doanh nghiệp muốn phát triển bền vững trong xu thế này, bà Đặng Thuý Hà khuyến nghị, cần phải chủ động chứng minh các hành động và kết quả phát triển bền vững.

“Không chỉ chờ đợi sự giám sát mức độ tuân thủ pháp luật của các cơ quan quản lý về môi trường, doanh nghiệp cần chịu trách nghiệm với tuyên bố xanh của mình và chủ động đưa ra bằng chứng hoạt động”, bà Hà nói.

Các doanh nghiệp sản xuất cần thực hiện hoạt động đánh giá từ chuyên gia nội bộ hoặc bên thứ ba về kế hoạch hành động giảm phát thải và hiệu quả thực thi. Đồng thời, thay thế, giảm thiểu nhựa trong bao bì. Đầu tư, cam kết sử dụng năng lượng bền vững, thân thiện với môi trường.

Mặt khác, đầu tư, phát triển công nghệ thu thập dữ liệu về mức độ phát thải. Ứng dụng công nghệ cảm biến, AI, tự động hóa để cải thiện chuỗi cung ứng nhằm giảm lãng phí nước, năng lượng và nguyên liệu.

Với các doanh nghiệp bán lẻ, đại diện NielsenIQ cho rằng cần có ứng dụng cho phép khách hàng theo dõi tác động của giỏ hàng họ mua lên môi trường. Các nhà bán lẻ nên cung cấp nhiều sản phẩm chay, hữu cơ và các sản phẩm địa phương. Dãn nhãn carbon trên sản phẩm và sử dụng xe điện để vận chuyển hàng hóa...

Để xu hướng sử dụng, tiêu dùng nông sản sạch phát triển bền vững, hướng tới một cộng đồng khỏe mạnh, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại Nông nghiệp cho rằng các cơ quan quản lý cần giám sát chặt chẽ chất lượng sản phẩm.Có các biện pháp nghiêm khắc đối với tình trạng làm hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, từ đó tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Đồng thời thực hiện các giải pháp, chính sách nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực quản lý chất lượng sản phẩm nông lâm thủy sản và an toàn thực phẩm. Thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Hỗ trợ phát triển thương hiệu nông sản sạch.

Bên cạnh đó, nâng cao năng lực đối với đơn vị sản xuất nông sản, tăng cường nghiên cứu, dự báo nhu cầu thị trường và cơ hội để điều chỉnh sản xuất theo hướng phù hợp đáp ứng các tiêu chuẩn kĩ thuật và xu hướng, nhu cầu khách hàng.

Nâng cao năng lực sản xuất đáp ứng thị trường: Tham gia đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức kỹ năng tổ chức sản xuất và chuyển đổi tư duy sản xuất sản phẩm xanh, sạch, thân thiện môi trường; đổi mới về khoa học công nghệ chế biến, bảo quản; áp dụng các tiêu chuẩn kĩ thuật, quy trình sản xuất đạt chuẩn.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate