September 19, 2021 | 18:32 GMT+7

Đón đọc Kinh tế Việt Nam bộ mới số 63-2021

Kinh tế Việt Nam - VnEconomy 

Mời quý độc giả đón đọc Kinh tế Việt Nam bộ mới số 63 phát hành ngày 20-9-2021 với nhiều chuyên mục hấp dẫn...

 Trong 30 năm hình thành và phát triển, các khu công nghiệp Việt Nam đã khẳng định vai trò vô cùng quan trọng trong việc thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm cũng như phát triển kinh tế đất nước.

Đến nay, nhiều mô hình khu công nghiệp mới đã xuất hiện. Bất động sản công nghiệp nói chung và các khu công nghiệp nói riêng luôn là điểm sáng trên thị trường bất động sản và thu hút mạnh mẽ sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 63-2021
Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 63-2021

Tuy nhiên, những tác động nặng nề của đại dịch covid-19 trong gần 2 năm qua đã làm đình trệ hoạt động của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, làm đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi lao động… Thực tế này đang đặt ra vấn đề cần nhìn nhận và đánh giá lại tính phù hợp và hiệu quả của các mô hình khu công nghiệp hiện nay. Từ đó, nhận diện rõ hơn những cơ hội, thách thức và xu hướng mới, để xây dựng được những giải pháp, cơ chế, chính sách phù hợp.

Trong số báo ra sáng mai, thứ Hai - ngày 20/9/2021, Tạp chí Kinh tế Việt Nam bộ mới số 63-2021 sẽ dành trọn chuyên mục Tiêu điểm cho câu chuyện "Khu công nghiệp đón xu hướng mới". Với sự tham gia của các chuyên gia, các nhà quản lý và các doang nghiệp, việc nhận diện được các xu hướng trong phát triển khu công nghiệp trước bối cảnh mới, đặc biệt phân tích tác động từ đại dịch Covid-19 đến các xu hướng phát triển, sẽ giúp cho việc đề xuất các giải pháp đúng và trúng hơn, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các khu công nghiệp. 

Các bài viết bao gồm:

- Khu công nghiệp cần hướng đi mới. Gần 400 khu công nghiệp được thành lập và đi vào hoạt động trong hơn 30 năm qua đã đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, phát triển khu công nghiệp tại Việt Nam thời gian qua chưa thực sự bền vững và chưa tạo sự cân bằng giữa kinh tế, xã hội và môi trường. (Vy Vy).

- Phát triển khu công nghiệp thích ứng với xu thế mới. Trong bối cảnh dòng vốn đầu tư toàn cầu có sự dịch chuyển sau đại dịch, cạnh tranh với các nước đang phát triển trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nói chung và vào các khu công nghiệp ngày càng gia tăng đã đặt ra những yêu cầu mới cho sự phát triển của khu công nghiệp trong tương lai. (TS. Phan Hữu Thắng, Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

- Khu công nghiệp cần nâng chuẩn. Nhu cầu thuê đất khu công nghiệp được dự báo tiếp tục tăng khi nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn. Tuy nhiên, để đón làn sóng này, các khu công nghiệp phải thích ứng với yêu cầu mới. (Ngân Hà).

- Bất động sản công nghiệp còn nhiều dư địa. Theo thống kê của Bộ Xây dựng cũng như nhiều đơn vị tư vấn, quản lý bất động sản, trong năm 2020 và cả năm 2021, tuy phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, thách thức bởi dịch bệnh Covid–19 nhưng lĩnh vực bất động sản công nghiệp vẫn là điểm sáng trên thị trường bất động sản Việt Nam. (Nam Huyền).

- Kiến tạo lại khu công nghiệp. Tại Diễn đàn “Chủ động thích ứng và phát triển bền vững”, phiên thảo luận “Nhận diện xu hướng mới trong phát triển khu công nghiệp” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy tổ chức, đại diện nhiều doanh nghiệp từ chủ đầu tư khu công nghiệp đến đơn vị thuê xưởng kho, doanh nghiệp FDI, lãnh đạo các địa phương, đại diện các bộ ngành liên quan, đã cùng bàn luận, phân tích và đưa ra kiến nghị, giải pháp để từ đó đề xuất lên Chính phủ, mục đích cuối cùng chính là nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các khu công nghiệp thời gian tới, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội hậu Covid-19. (Nhóm phóng viên thực hiện).

Cùng nhiều bài viết cho các chuyên mục khác:

- Cán bộ không thuộc bài. Vụ việc một lãnh đạo Kiên Giang lúng túng “như gà mắc tóc” trước câu hỏi của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong cuộc họp trực tuyến của Thủ tướng với 26 huyện, thành phố, thị xã và 317 xã, phường, thị trấn thuộc hai tỉnh Kiên Giang và Tiền Giang sáng 13/9/2021 là trường hợp điển hình của tình trạng cán bộ “không thuộc bài”. (Nguyễn Quốc Uy).

- Cần số hóa hoạt động doanh nghiệp sau đại dịch. Phỏng vấn bà Dorsati Mandani, Chuyên gia kinh tế cao cấp của WB ở Việt Nam, xung quanh câu chuyện tìm giải pháp hữu ích, tạo điểm khác biệt để doanh nghiệp bật dậy sau đại dịch. (Anh Nhi thực hiện).

- Ngân hàng Nhà nước “chơi đẹp” với tỷ giá như thế nào? VND là một trong số ít các loại tiền tệ trong khu vực đã tăng giá so với USD từ đầu năm đến nay. Diễn biến này cho thấy, thay vì sử dụng các công cụ “neo” VND, Ngân hàng Nhà nước đã tôn trọng sự điều tiết của thị trường. (Đào Vũ).

- “Bỏ quên” nhà ở cho người thu nhập thấp. Trong thời gian qua, thị trường nhà ở tại Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, nhiều loại hình nhà ở mới cũng đã xuất hiện, giá bán liên tục tăng cao. Tuy nhiên, phân khúc nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội thì ngày càng thiếu hụt. Từ đó làm hạn chế cơ hội tiếp cận nhà ở của đại bộ phận người dân đô thị có thu nhập thấp. (Phan Dương).

- Đơn hàng tăng, xuất khẩu thủy sản vẫn khó cán đích. Mục tiêu xuất khẩu 8,5 - 8,8 tỷ USD trong năm 2021 của ngành thủy sản có nguy cơ không đạt được, bởi theo khảo sát của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), đến nay, số lượng các đơn hàng xuất khẩu đã tăng 10 - 20% so với năm 2020 nhưng chỉ có khoảng 30 - 40% doanh nghiệp thủy sản đủ năng lực phục hồi sản xuất ngay sau giãn cách. (Chu Khôi).

- Phòng vệ chủ động để xuất khẩu bền vững. Với 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết và thực thi đã giúp kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ. Song để hướng tới mục tiêu xuất khẩu bền vững, đòi hỏi cơ quan quản lý cũng như cộng đồng doanh nghiệp phải theo sát diễn biến thị trường, coi trọng cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại. (Huyền Vy).

- Quy hoạch điện VIII: Vẫn “luyến tiếc” điện than. Dự thảo Quy hoạch điện VIII vừa được Bộ Công Thương gửi lấy ý kiến của các bộ, ngành và đơn vị liên quan sau khi đã rà soát, cập nhật lại. Đáng chú ý, trong dự thảo mới đến năm 2030 sẽ tăng thêm trên 3.000 MW điện than và giảm tới 8.170 MW nguồn điện tái tạo. Nhìn vào con số này, các chuyên gia, tổ chức, hiệp hội có chung nhận định rằng cơ cấu nguồn điện chưa hợp lý, thể hiện bước lùi. (Mạnh Đức).

- Rà soát quy định pháp luật về chuyển giao quyền đòi nợ. Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì quyền đòi nợ là một quyền về tài sản, do đó quyền đòi nợ có thể được giao dịch, mua bán, chuyển giao… như giao dịch với các loại tài sản thông thường khác. (Lâm Phong).

- Tắc lưu thông nội địa tạo sức ép lớn lên doanh nghiệp. Làn sóng Covid lần thứ tư đã khiến hàng loạt doanh nghiệp đầu ngành thuỷ sản, lúa gạo đứng trước nguy cơ bị “đánh bật” khỏi thị trường ngoại. Doanh nghiệp cũng e ngại ký kết các hợp đồng mới, vì lo ách tắc lưu thông nội địa cũng như sợ “kẹt” hàng qua các cửa khẩu khi Trung Quốc siết chặt thông quan. (Ánh Tuyết).

- Tìm cách giữ chân nhà đầu tư nước ngoài. Diễn biến phức tạp của dịch Covid cùng các biện pháp chống dịch đã khiến hoạt động đầu tư, hợp tác kinh doanh của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam gặp không ít thách thức, rủi ro. Nhiều doanh nghiệp không còn đủ kiên nhẫn đã chuyển sản xuất qua các nước khác. Bài toán đặt ra lúc này là làm sao để vừa giữ chân doanh nghiệp, vừa tránh đứt gãy chuỗi cung ứng? (Vũ Khuê).

- Start-up Việt “lội ngược dòng” gọi vốn triệu USD. Trong khi đại dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp phải đình trệ sản xuất thì vẫn có không ít doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (start-up) huy động được cả hàng triệu USD từ các quỹ đầu tư. Bí quyết “lội ngược dòng” và làm nên những điều tưởng như nghịch lý này đến từ chính các start-up giải các bài toán trong dài hạn. (Thu Hoàng).

- “Mỏ vàng” nghìn tỷ USD của Ấn Độ. Cách đây hai thập kỷ, Ấn Độ bắt đầu cuộc chuyển mình để trở thành một cường quốc công nghệ thông tin (IT) toàn cầu.  Giờ đây Ấn Độ - nền kinh tế lớn thứ ba châu Á - lại đang sẵn sàng cho một chân trời mới trong lĩnh vực công nghệ với sự ra đời của một thế hệ mới các công ty cung cấp phần mềm dạng dịch vụ (SaaS). (An Huy).

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate