Báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng cho thấy còn rất nhiều rào cản để đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” đạt được mục tiêu như đã đề ra. Trong đó, phải kể đến sự chưa quyết tâm “vào cuộc” của các địa phương và những vướng mắc về nguồn vốn cũng như thủ tục pháp lý.
GÓI 120 NGÀN TỶ ĐỒNG GIẢI NGÂN CHƯA ĐƯỢC 1%
Theo Bộ Xây dựng, đến nay nhiều địa phương chưa thực hiện tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo; chưa quyết tâm, chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao tại Đề án; chưa ban hành kế hoạch triển khai Đề án để đảm bảo hoàn thành mục tiêu đề ra. Nhiều tỉnh, thành phố lớn tập trung nhiều khu công nghiệp có tỷ lệ thực hiện nhà ở xã hội còn thấp so với mục tiêu của Đề án như: Hà Nội, TP.HCM, Đã Nẵng, Cần Thơ, Long An...
Nhiều địa phương chưa kịp thời điều chỉnh chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở xã hội của địa phương để phù hợp với mục tiêu của Đề án; chưa xác định rõ nhu cầu về đất đầu tư xây dựng nhà ở xã hội làm cơ sở quy hoạch bố trí đủ quỹ đất phát triển nhà ở xã hội. Nhiều quỹ đất nhà ở xã hội chưa được triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng.
Bên cạnh đó, một số địa phương có nhiều dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư trong giai đoạn vừa qua nhưng các các cấp chính quyền địa phương chưa quan tâm, tạo điều kiện trong việc lựa chọn chủ đầu tư dự án để triển khai đầu tư xây dựng. Đồng thời, còn hiện tượng sợ sai, sợ trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ.
Về nguồn vốn, Bộ Xây dựng cho biết với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, có ít ngân hàng tham gia cho vay hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội. Hiện nay, ngoài 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước (BIDV, Vietinbank, Agribank, Vietcombank) thì mới chỉ có thêm ngân hàng Tiên Phong (TPbank) và VPBank có văn bản đăng ký tham gia chương trình với số tiền đăng ký của mỗi ngân hàng là 5.000 tỷ đồng.
Đến nay, các ngân hàng thương mại mới giải ngân 1.144 tỷ đồng, bao gồm: 1.133 tỷ đồng cho chủ đầu tư tại 11 dự án; 11 tỷ đồng cho người mua nhà tại 4 dự án. Trong đó Agribank đã giải ngân 531 tỷ đồng, Vietinbank giải ngân 306 tỷ đồng, BIDV giải ngân 134 tỷ đồng, Vietcombank đã giải ngân 2 tỷ đồng, Tiên Phong bank 170 tỷ đồng.
Như vậy, số tiền được giải ngân chưa tới 1%, rất chậm so với mong muốn và nhu cầu thực tế. Nguyên nhân của thực trạng này chủ yếu là do số lượng dự án nhà ở xã hội còn hạn chế. Mới có 30/63 Ủy ban Nhân dân tỉnh gửi văn bản hoặc công bố trên cổng thông tin điện tử về danh mục dự án tham gia chương trình với 72 dự án.
Hơn nữa, việc tiếp cận các nguồn vốn vay vẫn chưa thuận lợi. Mức lãi suất cho vay ưu đãi đầu tư xây dựng cũng như để thuê, mua nhà ở xã hội hiện còn cao (đối với chủ đầu tư, mức lãi suất 8%/năm, khách hàng mua nhà ở xã hội 7,5%/năm) nên khách mua nhà ở xã hội cũng ngại vay.
THỦ TỤC NHIỀU VÀ PHỨC TẠP
Bên cạnh vướng mắc về nguồn vốn, các dự án nhà ở xã hội còn gặp khó khăn về quỹ đất khi cả nước mới quy hoạch được 36,34% quỹ đất nhà ở xã hội so với nhu cầu. Đặc biệt, số lượng thủ tục nhà ở xã hội hiện nay đang nhiều và phức tạp hơn so với dự án nhà ở thương mại.
Trong bối cảnh khó khăn này, Viglacera vẫn chủ động nỗ lực tạo lập nên nguồn quỹ nhà ở công nhân với khoảng 8.000 căn hộ đã được đầu tư xây dựng hoàn thiện, nằm trong khu nhà ở công nhân tại các khu công nghiệp. Với mức giá 8-10 triệu đồng/m2, diện tích từ 26m2 đến 69m2, giá bán một căn hộ đang trong khoảng từ 225 triệu đồng đến khoảng 600 triệu đồng, rất phù hợp với khả năng chi trả của người thu nhập thấp và công nhân lao động trong các khu công nghiệp.
“Có được mức giá đó là nhờ Viglacera kết hợp tối ưu hóa các giải pháp thiết kế, đi đôi với chủ động nguồn vật liệu xây dựng tự sản xuất được. Tuy nhiên, đến nay, chúng tôi đang gặp một số khó khăn trong việc kinh doanh những căn hộ này do các quy định hạn chế về đối tượng cũng như điều kiện mua, thuê mua...”, ông Trần Ngọc Anh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Viglacera, chia sẻ.
Đây cũng là lo ngại chung của nhiều doanh nghiệp lớn đang nỗ lực hưởng ứng đề án phát triển 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội của Chính phủ. Bản thân Viglacera vẫn tiếp tục triển khai gần 10.000 căn nhà ở xã hội ở 4 địa phương: Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hà Nam và Phú Thọ; Vingroup cũng tuyên bố đã khởi công 4 dự án, bổ sung 10.000 căn nhà ở xã hội tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Tập đoàn Hoàng Quân thì cho hay trong năm nay sẽ hoàn thành 3.000 căn tại Tây Ninh, Bình Thuận và Trà Vinh…
Các doanh nghiệp cho rằng khi nhiều công ty, tập đoàn lớn tham gia, nguồn cung nhà ở xã hội sẽ được cải thiện, không chỉ gia tăng cơ hội tiếp cận nhà ở cho người thu nhập thấp và công nhân lao động, mà còn giúp kéo giảm giá nhà ở, thúc đẩy giao dịch trên thị trường. Từ đó, thu hút thêm sự quan tâm của các doanh nghiệp khác, tạo nên sức mạnh cộng hưởng, bám đích mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội mà Quốc hội, Chính phủ đã đề ra. Bởi vậy, hơn bao giờ hết, sự nới lỏng các điều kiện để thuê và mua nhà ở xã hội chính là một trong những cách thức quan trọng tháo gỡ “nút thắt” cho phân khúc này.
Bàn về những “nút thắt” kể trên, chủ trì cuộc họp “Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, thực hiện đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc phát triển nhà ở xã hội là chính sách rất nhân văn của Đảng, Nhà nước, có ý nghĩa quan trọng, góp phần cụ thể hóa, thể chế hóa chủ trương của Đảng về an sinh xã hội...
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 22-2024, phát hành ngày 27/5/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam