November 28, 2022 | 10:07 GMT+7

Đơn hàng “ship” đồ ăn nghẽn mạng vì World Cup

Băng Hảo -

Từ các nước vùng Vịnh Ba Tư cho đến các nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và thậm chí cả tại Anh và các nước châu Âu, khán giả đang có xu hướng xem bóng đá tại nhà thay vì tụ tập tại các hàng quán như trước kia vì lo sợ lây nhiễm Covid-19…

Ảnh: Qatar Living
Ảnh: Qatar Living

Các gia đình hoặc từng nhóm nhỏ bạn bè sẽ ngồi trên sô pha trong phòng khách nhà mình và theo dõi các trận đấu qua màn ảnh nhỏ, nhưng đương nhiên không thể thiếu một vài món nhậu và đồ uống để thêm hứng khởi. Trang tin Arabian Business dẫn báo cáo nghiên cứu thị trường mới nhất của Redseer, cho biết World Cup 2022 được dự đoán sẽ mang lại lợi nhuận khoảng 6 tỷ USD cho ngành dịch vụ thực phẩm tại GCC. GCC (Gulf Cooperation Council) là Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh bao gồm Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Bahrain, Kuwait, Oman và Qatar.

Theo báo cáo, các cơ sở kinh doanh ăn uống trong khu vực chứng kiến lượng đơn đặt hàng tăng vọt, cả trực tuyến lẫn ngoại tuyến và lên mức đỉnh điểm vào khoảng thời gian trước khi các trận đấu diễn ra. “Trong lịch sử, các kỳ World Cup thường thúc đẩy lượng mua thực phẩm và đồ uống đáng kể. Tuy nhiên, mùa World Cup Qatar 2022 sẽ chứng kiến một bước nhảy vọt trong xu hướng này, giá trị và tần suất đơn đặt hàng sẽ tăng mạnh do sự nhiệt tình chi tiêu của người hâm mộ”, Sandeep Ganediwalla, đối tác quản lý của Công ty tư vấn RedSeer Strategy Consultants, có trụ sở tại Dubai, nói.

Người phát ngôn của Kitopi, công ty lớn nhất khu vực trong phân khúc mô hình cloud kitchen (bếp trên mây), bày tỏ họ cũng nhận thấy tác động tích cực với các cửa hàng thực phẩm. Cũng theo vị đại diện trên, Dubai được nhận định hưởng lợi nhiều nhất vì đây là điểm dừng chân phổ biến khi du khách đến Qatar theo dõi World Cup. Trong khi đó, các đơn hàng giao đồ ăn ở Qatar được dự báo tăng 80% vào những ngày diễn ra giải đấu. 

Các cơ sở kinh doanh ăn uống trong khu vực chứng kiến lượng đơn đặt hàng tăng vọt, cả trực tuyến lẫn ngoại tuyến.
Các cơ sở kinh doanh ăn uống trong khu vực chứng kiến lượng đơn đặt hàng tăng vọt, cả trực tuyến lẫn ngoại tuyến.

Với lượng đơn đặt hàng tăng đột biến, các nhà hàng ở nước chủ nhà có cơ hội xây dựng và duy trì cơ sở khách hàng trong một thị trường cạnh tranh cao. Ông Ganediwalla cho biết, trong khi các công ty bản địa như Deliveroo, Talabat và Carriage vẫn chiếm tới 75% đơn đặt hàng, thì các nhà hàng tên tuổi như McDonald’s cũng đang nỗ lực đến gần hơn với người tiêu dùng bằng các ứng dụng của riêng mình, hoặc cung cấp dịch vụ đặt hàng qua WhatsApp.

Trên ứng dụng đặt đồ ăn talabat của Qatar, đơn hàng ship tới các làng cổ động viên nhiều nhất là machboos – một món ăn truyền thống của Qatar. Đó là cơm và gà nướng, nhưng cơm ở đây được tẩm ướp nhiều hương liệu, ăn thơm nồng mùi vị Ả Rập. 

Từ thương hiệu Behrouz Biryani, Oven Story pizza, Mandarin Oak, Messy Burgers đến Fricken' Fried Chicken đều đang mang tới cho khách hàng các chương trình ưu đãi. Nghiên cứu từ RedSeer nhận định hành vi của người tiêu dùng có thể thay đổi trong giai đoạn này. Doanh số bán hàng được thúc đẩy vào các khung giờ cao điểm, nhu cầu đặt số lượng lớn, các chương trình giảm giá khuyến mại theo chủ đề World Cup cùng nhiều dịch vụ thực đơn tùy chỉnh. Ông Sandeep Ganediwalla đánh giá đây là thời điểm thích hợp cho ngành bán lẻ nâng cao dịch vụ, kênh thương mại và trải nghiệm khách hàng.

Không chỉ tại các nước vùng Vịnh, tờ Global Times của Trung Quốc ghi nhận các nền tảng giao đồ ăn ở Trung Quốc cũng đang nhận được lượng đơn đặt đồ ăn tăng mạnh kể từ khi World Cup 2022 khai mạc vào hôm 20/11. Hôm 24/11, nhà bán lẻ thực phẩm tươi Hema tiết lộ lượng đơn đặt lẩu nấu sẵn để mang về nhà tăng 40% và đơn đặt cho lẩu sơ chế tăng 100% trong tuần qua. Dữ liệu từ Meituan, nền tảng giao đồ ăn lớn nhất Trung Quốc, cho thấy vào ngày mở màn World Cup, lượng đơn đặt mua bia, nước ngọt, đồ ăn nhanh, trái cây tăng 31% so với ngày trước đó.

Với lượng đơn đặt hàng tăng đột biến, các nhà hàng ở nước chủ nhà có cơ hội xây dựng và duy trì cơ sở khách hàng trong một thị trường cạnh tranh cao.
Với lượng đơn đặt hàng tăng đột biến, các nhà hàng ở nước chủ nhà có cơ hội xây dựng và duy trì cơ sở khách hàng trong một thị trường cạnh tranh cao.

Còn tại Hàn Quốc, tờ Korean Times ghi nhận, hai nền tảng giao đồ ăn hàng đầu là Baedal Minjok (Baemin) và Coupang Eats đã không thể đáp ứng kịp đơn hàng đặt đồ ăn tăng vọt trong những ngày qua. Lượng đơn dồn dập đã khiến ứng dụng Baemin bị nghẽn. Nhiều khách hàng phàn nàn họ đã đặt món gà chiên qua ứng dụng khoảng một giờ trước khi diễn ra trận so tài giữa đội tuyển Hàn Quốc và Uruguay hôm 24/11 nhưng không thành công vì ứng dụng bị tê liệt trong nhiều giờ. Sau đó, Baemin ra thông báo yêu cầu khách hàn đặt đồ ăn trực tiếp với các nhà hàng vì máy chủ bị lỗi.

Tại xứ củ sâm, gà rán vốn là một trong những món ăn được yêu thích vào ban đêm và càng trở nên được ưa chuộng trong các mùa thể thao. Theo các thương hiệu gà rán lớn, trận đấu đầu tiên của tuyển Hàn Quốc đã góp phần khiến doanh thu bán hàng tăng 140 - 200% so với tháng trước. BHC, một trong những thương hiệu gà rán lớn nhất Hàn Quốc, cho biết doanh số bán hàng tăng 200% so với ngày 24/10, tăng 130% so với 17/11 - thứ 5 tuần trước.

Đồng thời, theo các nhà phân tích của Ngân hàng Citigroup, một cuộc khảo sát gần đây của Bloomberg Intelligence với 650 người Anh đã phát hiện hơn 3/4 trong số họ có kế hoạch xem các trận so tài World Cup tại nhà. Trong nhóm này, khoảng 57% cho biết họ sẽ dùng đồ ăn đặt giao từ các nền tảng trong khi xem các trận thi đấu.

Do đó, World Cup có thể thúc đẩy các đơn đặt hàng giao đồ ăn, đặc biệt là đối với Just Eat và Deliveroo, vốn có mức độ tiếp xúc lớn với thị trường châu Âu. Đây là một tin đáng mừng vì các nhà phân tích Phố Wall đã cảnh báo một quí khó khăn cho cả hai công ty này, với lượng đơn đặt hàng của họ được dự đoán giảm do người tiêu dùng hạn chế chi tiêu để ứng phó với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate