Hơn mục đích giảm cân, ăn thô (raw food diet) hay ăn thực phẩm toàn phần (whole food) còn là chế độ ăn uống tối đa hóa giá trị thực phẩm, mang lại những ảnh hưởng tích cực cho sức khỏe và môi trường. Tuy nhiên, trước khi quyết định áp dụng một chế độ ăn uống nào đó, bạn cần hiểu thật rõ về bản chất của nó và nhìn nhận theo nhiều góc độ.
Khoảng 5 năm trở lại đây, “clean eating - ăn thô và sạch” có một hashtag riêng trên Instagram, một chủ đề nóng trên Twitter và nhiều danh mục blog thực phẩm, sách dạy nấu ăn và tạp chí. Người dùng Instagram thúc đẩy xu hướng ăn sạch, biến việc ăn sạch trở thành một phần của văn hóa chính thống. Mặc dù, Instagram có khả năng phá hỏng chế độ ăn kiêng nếu mọi người chỉ nhìn thấy những món ăn trông đẹp mắt trong ảnh và bắt đầu ăn theo cách mà Instagram gợi ý mà không có những nghiên cứu khoa học độc lập.
Mặc dù cách tiếp cận chế độ ăn uống này có vẻ khác nhau giữa người này với người khác, nhưng tựu chung xu hướng ăn thực phẩm nguyên thô luôn cảnh báo chống lại các lựa chọn thực phẩm đã qua chế biến và bổ sung đường/muối. Một số chế độ ăn sạch thậm chí tránh ăn các loại thực phẩm như sữa và đường tự nhiên, thực phẩm toàn phần mà chủ yếu là thực vật hầu hết chưa qua chế biến và chưa tinh chế, hoặc chế biến và tinh chế càng ít càng tốt.
Chế độ dinh dưỡng với các loại thực phẩm chưa qua xử lý, xay xát, còn nguyên hạt, lớp vỏ, xơ được gọi là ăn thô. Ví dụ gạo sau khi đã xay xát, sản xuất thành các dạng như bún, mỳ, phở,... sẽ không được gọi là thực phẩm thô. Thay vào đó, chúng phải được giữ nguyên cám. Tương tự, ngô, khoai khi được chế biến ở thể ban đầu được gọi là thực phẩm thô. Tuy nhiên, sau khi bị xay thành bột, người sử dụng không còn là ăn thô. Bánh mỳ trắng cũng không được xếp vào nhóm thực phẩm thô, thay vào đó là bánh mỳ đen, làm từ bột mỳ nguyên cám.
Theo Healthline, thực phẩm thô đa phần chỉ các sản phẩm tinh bột từ thực vật chứa phần chất xơ không được cơ thể con người tiêu hóa sau khi ăn (Roughage). Kết quả nghiên cứu được đăng tải trên trang thông tin y khoa PubMed, Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) cho biết trong hầu hết thực phẩm thô thường bao gồm cả 2 loại chất xơ là hòa tan và không hòa tan. Khi vào trong cơ thể, chất xơ hòa tan sẽ hấp thu nước để trở thành dạng gel, từ đó cho phép vi khuẩn đường ruột phân hủy chúng dễ dàng. Ngược lại, chất xơ không hòa tan có cấu trúc cứng hơn và không hấp thu nước, từ đó đào thải ra khỏi cơ thể.
Một số nghiên cứu cho thấy hạt chia, yến mạch chứa nhiều chất xơ hòa tan. Trong khi đó, các loại trái cây và rau củ chủ yếu gồm chất xơ không hòa tan. Đây cũng là yếu tố quan trọng nhất khiến thực phẩm thô mang tới nhiều lợi ích cho cơ thể con người. Theo tờ Healthline, phần chất xơ quan trọng này có ở gần như tất cả thực phẩm từ thực vật như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau, đậu, hạt,... Một số loại thực phẩm còn chứa lượng chất xơ cao nổi bật như hạt chia, đậu đen, đậu xanh, quả lê, quả bơ, yến mạch, táo, diêm mạch, hạnh nhân, ngô,...
Theo một nghiên cứu tại Mỹ năm 2017, chỉ khoảng 5% người trưởng thành đảm bảo đủ lượng chất xơ cần thiết trong ngày. Việc ăn không đủ chất xơ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Chúng liên quan trực tiếp đến một số vấn đề về tiêu hóa như táo bón, rối loạn tiêu hóa, sự phát triển bất thường của vi khuẩn gây hại trong ruột, nguy cơ béo phì, ung thư ruột kết và ung thư vú.
Nhiều nghiên cứu khác cũng cho thấy, lượng chất chống oxy hóa trong ngũ cốc thô khá lớn và hiệu quả hơn ở rau củ quả nhiều lần. Chất xơ trong hạt hiệu quả cho việc tiêu mỡ và cải thiện tim mạch hơn so với chất xơ rau quả. Do đó, những người ăn ngũ cốc thô cho thấy họ cải thiện đáng kể lượng CRP (một yếu tố biểu thị tình trạng viêm ở thành mạch máu) trong máu. Chính chất xơ, chất khoáng và những chất chống oxy hóa của hạt toàn phần đóng vai trò then chốt trong việc ngăn chặn béo phì, phòng chống loãng xương, xơ vữa động mạch và tăng cường hệ miễn dịch, kể cả phòng chống ung thư.
Có một thực tế là những người ăn kiêng thích tìm kiếm hỗ trợ trực tuyến và tìm kiếm thông qua phương tiện truyền thông xã hội. Bởi lẽ ăn kiêng dễ dàng khiến chúng ta rơi vào cảm giác cô lập, không có gì ngạc nhiên khi nhiều người ăn kiêng lên mạng xã hội để tìm kiếm động lực. Đặc biệt, khi những người ăn kiêng thành công đăng những bức ảnh trước và sau của cơ thể mới được “tạo hình lại” bằng chế độ ăn kiêng, ăn thô, clean eating… truyền rất nhiều cảm hứng.
Tuy nhiên, nếu bạn đang nghĩ về việc thử một chế độ ăn theo xu hướng nguyên thô này, hãy làm theo hướng dẫn của chuyên gia dinh dưỡng thay vì chỉ theo dõi tài khoản của những người ăn sạch trên Instagram hay Facebook. Nhiều người trong số họ thiếu đào tạo chính thức về thực hành ăn uống lành mạnh và vô tình có thể thúc giục mọi người làm những việc có hại cho sức khỏe. Chẳng hạn, chế độ ăn thô có thể không gây hại về ngắn hạn nhưng nếu áp dụng trong dài hạn, cơ thể sẽ gặp phải các vấn đề về dinh dưỡng và sức khỏe.
Ngoài ra, chúng ta cũng sẽ phải đối mặt với nguy cơ tiếp xúc với các loại bệnh do thực phẩm không hoặc ít chế biến không đảm bảo chất lượng gây ra. Do đó những đối tượng như: phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người già, người có hệ miễn dịch yếu và người mắc các bệnh mạn tính như thận hay sỏi mật không nên ăn theo chế độ này.
Cũng bởi vì sự thiếu hụt các dưỡng chất quan trọng, các chuyên gia cũng khuyến cáo về việc sử dụng các thực phẩm chức năng để bổ sung cho cơ thể. Tuy nhiên, tốt hơn hết chúng ta nên tham khảo lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe khi quyết định theo đuổi chế độ ăn uống này.