Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần đầu tiên bổ sung nội dung, giải thích, làm rõ hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội được quy định tại Điều 43 dự thảo Luật.
Theo cơ quan soạn thảo, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ bao gồm 3 hành vi. Thứ nhất là người sử dụng lao động không đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau thời gian quy định tại khoản 1 Điều 34 của Luật này.
Hành vi trốn đóng thứ hai là người sử dụng lao động đã đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động nhưng đến thời hạn quy định tại khoản 6 Điều 40 của Luật này mà chưa đóng hoặc đóng chưa đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc phải đóng theo quy định.
Thứ ba là người sử dụng lao động đăng ký và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết, mặc dù trong các văn bản quy phạm pháp luật đã hướng dẫn chi tiết mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, nhưng ở một số doanh nghiệp vẫn tồn tại tình trạng tách thành nhiều khoản trợ cấp, bổ sung để không đóng bảo hiểm xã hội.
Theo đó mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vẫn còn khoảng cách nhất định so với tiền lương thực tế của người lao động. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng nhất định đến việc thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động, đặc biệt là mức hưởng lương hưu khi về già do mức hưởng được tính trên mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động.
Trong khi đó, trước đây hành vi trốn đóng bảo hiểm được quy định tại Điều 216 của Bộ luật Hình sự, là hành vi của người sử dụng lao động có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối, hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng, hoặc không đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Gian dối để không đóng, không đóng đầy đủ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 216 của Bộ luật Hình sự là trường hợp cố ý không kê khai, hoặc kê khai không đúng thực tế việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với cơ quan có thẩm quyền.
Không đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 216 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người sử dụng lao động không gửi hồ sơ đăng ký đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động, hoặc có gửi hồ sơ và đã xác định rõ, đầy đủ số người phải đóng, hoặc các khoản phải đóng, lập chứng từ, hồ sơ quyết toán lương cho người lao động, thu nhập doanh nghiệp, nhưng không đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho cơ quan bảo hiểm xã hội theo quy định.
Không đóng đầy đủ quy định tại khoản 1 Điều 216 của Bộ luật Hình sự là việc người sử dụng lao động đã xác định rõ, đầy đủ các khoản đóng bảo hiểm, lập chứng từ, hồ sơ quyết toán lương cho người lao động, thu nhập doanh nghiệp nhưng chỉ đóng một phần tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho cơ quan bảo hiểm xã hội theo quy định.
Như vậy, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng, với việc bổ sung, làm rõ các hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội sẽ giúp làm gia tăng tính tuân thủ trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, đảm bảo quyền lợi tốt hơn cho người lao động.
Bên cạnh việc quy định rõ các hành vi trốn đóng, dự thảo Luật cũng bổ sung các biện pháp xử lý trốn đóng bảo hiểm xã hội (Điều 44) như: Quy định nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền trốn đóng (tương tự như tiền chậm nộp thuế); cơ quan có thẩm quyền quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 6 tháng trở lên.
Các biện pháp khác là hoãn xuất cảnh đối với với trường hợp người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 12 tháng trở lên…