Du lịch Mỹ xếp vị trí thứ 2, tiếp theo là Tây Ban Nha, Pháp và Đức. Trước đó, Nhật Bản xếp hạng thứ 4 theo tiêu chí đánh giá của năm 2019 và vị trí số 2 năm 2021. Lần đầu tiên đứng đầu trong danh sách điểm đến được yêu thích là tin vui đối với ngành du lịch Nhật Bản khi đất nước này dần mở cửa lại biên giới sau 2 năm đại dịch.
Ngày 26/5, Thủ tướng Fumio Kishida, cho biết khách du lịch quốc tế có thể đến Nhật Bản từ ngày 10/6 khi tham gia các tour du lịch trọn gói và có hướng dẫn viên. Nước này sẽ cấp visa du lịch cho công dân đến từ 98 quốc gia vùng xanh. Theo đó, du khách chỉ cần có giấy xét nghiệm PCR âm tính trước khi khởi hành, không cần giấy chứng nhận tiêm chủng, xét nghiệm tại sân bay, cách ly hay các biện pháp phòng ngừa khác.
Báo Japan Times dẫn lời một giáo sư ở Đại học Kansai (Nhật Bản) cho biết do vắng khách nước ngoài, trong năm 2020 Nhật đã mất gần 85 tỉ USD (10.960 tỉ yen). Số thiệt hại đến năm 2022 ước tính khoảng 170 tỉ USD (22.000 tỉ yen).
Trong các hạng mục khác của bảng xếp hạng WEF, Nhật Bản xếp thứ 4 về cơ sở hạ tầng giao thông hàng không và tài nguyên văn hóa, thứ 6 về cơ sở hạ tầng mặt đất và cảng, thứ 12 về tài nguyên thiên nhiên. Ở mục khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu, đất nước Mặt trời mọc xếp vị trí khiêm tốn thứ 107/117. Ngoài Nhật Bản, Mỹ và các nước phương Tây chiếm 6 vị trí đầu bảng, sau đó là các nước châu Á - Thái Bình Dương với Australia thứ 7 và Singapore thứ 9, trên tổng số 117 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Theo WEF, châu Á sở hữu mức độ cân bằng tuyệt vời về tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa. Diện mạo Nhật Bản ngày nay có vẻ vô cùng hiện đại, nhưng tại khắp nơi trên đất nước mặt trời mọc này, du khách sẽ thấy được sự kết hợp truyền thống cổ xưa với cuộc sống hiện đại như thể đó là điều tự nhiên. Nhìn về quá khứ và tương lai, du khách dường như bị choáng ngợp trước sự cổ kính của kiến trúc, của nền văn hóa truyền thống… và cả sự sáng tạo của con người thời nay.
Trong cả bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, Nhật Bản đều có đủ sự thú vị, giúp du khách trải nghiệm thời tiết, cảnh quan với niềm hân hoan, phấn chấn. Mùa xuân và mùa thu mang lại thời tiết tuyệt vời cho việc tham quan và sự thay đổi của thiên nhiên: mùa hoa nở, mùa cây thay lá. Mùa hè, mọi người tụ tập để xem những màn bắn pháo hoa khổng lồ thắp sáng bầu trời đêm và tham gia các hội chợ đường phố sôi động. Mùa đông, ngắm nhìn ánh sáng của đèn lễ hội và núi Phú Sĩ phủ đầy tuyết, thưởng thức món ramen và rượu sake nóng hổi...
Song theo WEF, các vấn đề bền vững về môi trường là mối đe dọa vị trí của các quốc gia châu Á trong bảng xếp hạng. Trong bối cảnh "ngành công nghiệp không khói" đang dần phục hồi sau đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột tại Ukraine, cần rút ra bài học từ các cuộc khủng hoảng thời gian gần đây, đồng thời thực hiện các bước để tăng tính toàn diện, bền vững và khả năng phục hồi lâu dài trong lĩnh vực du lịch và lữ hành khi ngành này phải đối mặt với những thách thức và rủi ro gia tăng. Theo báo cáo, nếu đảm bảo được các yếu tố này, lĩnh vực du lịch có thể duy trì vai trò là động lực thúc đẩy kết nối toàn cầu, hòa bình và tiến bộ kinh tế - xã hội.
Hiện Chính phủ Nhật Bản dựa vào tình hình dịch Covid-19 của các quốc gia trên thế giới để phân loại thành ba nhóm: vùng xanh (blue list), vàng (yellow list) và đỏ (red list) để quyết định thủ tục nhập cảnh. Hiện Việt Nam thuộc vùng vàng. Ông Yoshida, Trưởng đại diện Cơ quan Xúc tiến Du lịch Nhật Bản (JNTO), cho biết "việc mở cửa du lịch với khách Việt cần thêm chút thời gian". Người Việt vẫn có thể sang Nhật theo những diện khác như công tác, du học...
Nhật Bản đóng cửa biên giới vì Covid-19 từ tháng 4/2020. Trang CNA cho biết Chính phủ Nhật đang thay đổi chính sách mở cửa biên giới khi có thể cho phép đón du khách đi tour trọn gói đến nước này từ 36 quốc gia, vùng lãnh thổ đã kiểm soát dịch ổn định. Việc Nhật Bản bắt đầu đón khách du lịch sau 2 năm là một bước tiến lớn hướng tới việc mở cửa trở lại thị trường du lịch toàn diện trong thời gian tới. Chính phủ Nhật Bản cũng vừa quyết định tăng giới hạn trần số người nhập cảnh và nới lỏng các biện pháp cách ly. Từ ngày 1/6, Nhật Bản nâng số người nhập cảnh lên 20.000 người/ngày.