May 17, 2022 | 06:00 GMT+7

Những cơ hội mới cho ngành du lịch từ Metaverse

Tường Bách -

Những người thuộc thế hệ Z và Millennials là những công dân nòng cốt của thế giới kỹ thuật số. Cách họ sử dụng và những gì họ mong đợi từ công nghệ sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các dịch vụ du lịch được cung cấp...

Dù thực tế ảo không thể thay thế trải nghiệm thật nhưng nếu biết khai thác hợp lý, nó vẫn mang lại cơ hội lớn cho ngành du lịch. Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã trở thành chất xúc tác cho trào lưu cuồng Metaverse (vũ trụ ảo). Bên cạnh ngành công nghiệp trò chơi điện tử, ngành dịch vụ du lịch cũng đã tham gia vào vũ trụ Metaverse với kỳ vọng sẽ mở ra “chương mới” của internet di động và định hình lại toàn bộ ngành du lịch.

NHỮNG Ý TƯỞNG CỦA TƯƠNG LAI

Ở góc độ trải nghiệm người dùng, Metaverse là sự kết hợp của “Thực tế ảo hoàn toàn nhập vai” (Fully-immersive Virtual Reality – FiVR) với “Môi trường cộng tác ảo” (Collaborative Virtual Environments – CVE). FiVR với kính VR cách ly người dùng hoàn toàn với thế giới thực bằng cách cung cấp nội dung tổng hợp hoặc 360 độ, tạo điều kiện cho họ đắm chìm hoàn toàn vào hình ảnh, kích thích các giác quan một cách rất thực. Còn trong CVE, mọi người hầu như có thể tương tác với nhau thông qua hình đại diện, giúp bổ sung khả năng giao tiếp xã hội mà FiVR không có.

FiVR hiện đã và đang được triển khai trong du lịch cho mục đích lập kế hoạch, quản lý, tiếp thị, giới thiệu thông tin, bảo tồn di sản... Chẳng hạn như các chuyến tham quan khách sạn ảo, chuyến bay ảo, thắng cảnh ảo, bảo tàng ảo, giao diện đặt phòng ảo… Trong tương lai, khi phối hợp với CVE tạo thành một Metaverse du lịch hoàn thiện thì chúng ta có thể đi du lịch ảo đến bất cứ một điểm đến nào trên thế giới, thậm chí có thể tương tác ảo với tất cả mọi người ở đó. Phương pháp phân phối đa kênh tích hợp (Onmi-channel) trong du lịch hoàn toàn có thể thực hiện khi cho phép người dùng trải nghiệm thử điểm đến trước khi đến thật.

Do đó, các địa điểm số đang phát triển ra ngoài phạm vi trò chơi điện tử, tạo nên kỷ nguyên tiếp theo của giao lưu xã hội. Ra mắt vào tháng 6/2021, Công ty du lịch Thụy Điển Lights over Lapland giới thiệu các tour du lịch ảo, mời bất kỳ ai có các thiết bị VR đến trải nghiệm cực quang phương Bắc, khách sạn băng và những con đường mòn trượt tuyết.

Tại New York, tổ chức văn hóa và nghệ thuật High Line The Shed đã tạo ra The Looking Glass, một triển lãm AR gồm các tác phẩm điêu khắc ảo nằm dọc theo High Line. Còn Beyond, một công ty du lịch sang trọng của Nam Phi thì cung cấp các buổi phát trực tiếp thăm các đồng cỏ safari cùng kiểm lâm địa phương…

Trong tương lai, chúng ta có thể đi du lịch ảo đến bất cứ một điểm đến nào trên thế giới, thậm chí có thể tương tác ảo với tất cả mọi người ở đó.
Trong tương lai, chúng ta có thể đi du lịch ảo đến bất cứ một điểm đến nào trên thế giới, thậm chí có thể tương tác ảo với tất cả mọi người ở đó.

Còn hơn thế nữa, Philippe Brown, người sáng lập Công ty du lịch sang trọng Brown & Hudson, đặt nhiều hy vọng vào những khả năng mà du lịch ảo mang lại. “Có thể một ngày nào đó trong tương lai, người ta sẽ không hỏi khách hàng về ngày đi và ngày về, mà là thời đại họ muốn đến, chẳng hạn như London vào những năm 1970 hoặc Ai Cập cổ đại”.

Công ty này cũng hình dung chuyến du lịch ngắn như một kiểu thư giãn sau bữa tối hoặc trong thời gian nghỉ trưa. “Ví dụ một công ty có thể mua một căn phòng giả lập để đánh thức tất cả các giác quan của nhân viên công sở: mùi biển, cát dưới chân bạn, sức nóng của mặt trời… Bạn có thể tạo ra một vũ trụ cho phép mọi người ở trong đó và thư giãn trong một khung cảnh được xác lập trước”.

“Sự hội tụ của các công nghệ khác nhau vào thế giới ảo có thể tạo ra một giải pháp thay thế nghiêm túc và thú vị cho ngành du lịch, mở ra cánh cửa cho những trải nghiệm du lịch ít tốn kém hơn, dễ tiếp cận hơn và giàu sự tưởng tượng hơn”, ông Brown nói. Nhiều bảo tàng, di tích lịch sử, tòa nhà cổ thậm chí có thể hồi sinh nhờ việc thu hút du khách trên vũ trụ ảo. Các chuyên gia cho rằng một người thường chỉ tới mỗi bảo tàng một lần, nhưng họ có thể ghé thăm nó nhiều lần trên Metaverse. Bởi vì lý do này nên việc phát triển du lịch trên vũ trụ ảo đang là xu hướng hợp thời.

NHIỀU QUỐC GIA ĐANG TÌM CƠ HỘI

Công nghệ vũ trụ ảo được kỳ vọng sẽ mở ra tiềm năng mới cho ngành du lịch đang tìm đường hồi phục sau dịch Covid-19. Nhiều nước đã nhanh chóng nắm bắt công nghệ này để phục vụ xu hướng du lịch thời kết nối, nhất là khi Công ty Facebook (nay là Meta) đưa vũ trụ ảo đến gần hơn với hiện thực.

 
Đến năm 2025, khoảng 100 tỷ USD giá trị sẽ được tạo ra trong ngành du lịch xuất phát từ những công ty truyền thống sẽ chuyển sang tay những đơn vị ứng dụng công nghệ kỹ thuật số mới với các mô hình kinh doanh sáng tạo hơn.

Mới đây nhất, ngành du lịch Thái Lan triển khai công nghệ Metaverse để tăng tốc phục hồi ngành công nghiệp không khói. Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) cho biết đang bàn thảo thêm về các dự án, trong đó có chương trình Thailand Holideals cho phép du khách sử dụng token kỹ thuật số để mua sản phẩm và dịch vụ, hay dự án "Thành phố Metaverse Phuket" tập trung vào du lịch và chăm sóc sức khỏe. TAT cũng dự kiến trình làng nền tảng vũ trụ ảo Amazing Thailand để phục vụ cho kỷ nguyên Web 3.0. "Các công cụ tiếp thị kỹ thuật số sẽ thúc đẩy du lịch tiến tới các xu hướng mới và tiếp cận phân khúc mới", ông Nithee Seeprae, đại diện TAT cho biết.

Hồi tháng 11/2021, chính quyền thành phố Seoul cũng cho biết sẽ triển khai một dự án có tên gọi "Metaverse Seoul" từ cuối năm 2022 và kéo dài trong 5 năm. Dự án trị giá 3,9 tỷ won (3,3 triệu USD) được xem là tầm nhìn về Seoul như một "thành phố cảm xúc trong tương lai". Trong đó, các điểm du lịch chính ở thủ đô Seoul, chẳng hạn như Quảng trường Gwanghwamun, Cung điện Deoksu và Chợ Namdaemun, sẽ được giới thiệu trên "Đặc khu du lịch ảo", trong khi địa điểm lịch sử không còn tồn tại như Cổng Donuimun cũng sẽ được tái hiện sinh động. Bắt đầu từ năm 2023, các lễ hội tiêu biểu như "Lễ hội Đèn lồng Seoul," cũng sẽ được tổ chức trên "Metaverse Seoul" để mọi người trên khắp thế giới đều có thể được chiêm ngưỡng.

Chính quyền thành phố Seoul cũng cho biết sẽ triển khai một dự án có tên gọi "Metaverse Seoul" từ cuối năm 2022.
Chính quyền thành phố Seoul cũng cho biết sẽ triển khai một dự án có tên gọi "Metaverse Seoul" từ cuối năm 2022.

Tháng 3/2022, tỉnh Quảng Nam của Việt Nam cũng đã ra mắt “Hội An Metaverse”. Theo đó, các di tích, điểm tham quan, làng nghề truyền thống ở Hội An được số hóa bằng hình ảnh 3D, xây dựng không gian 360 Space, và được thuyết minh theo giọng nói địa phương của hướng dẫn viên bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo. Hội An cũng sẽ dùng Metaverse để chuyển đổi số toàn diện ngành du lịch, bao gồm kết nối website VRTour vào hệ thống Metaverse và đưa hệ thống bán hàng, bán vé tham quan qua hình thức thương mại điện tử của Bizverse.

Không chỉ mang tính nhất thời, vũ trụ số được dự báo sẽ trở thành làn sóng chủ đạo trong tương lai, đòi hỏi các tổ chức và quốc gia tìm cách tận dụng. Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ước tính: đến năm 2025, khoảng 100 tỷ USD giá trị sẽ được tạo ra trong ngành du lịch xuất phát từ những công ty truyền thống sẽ chuyển sang tay những đơn vị ứng dụng công nghệ kỹ thuật số mới với các mô hình kinh doanh sáng tạo hơn. Việc chuyển đổi kỹ thuật số cũng được dự báo sẽ tạo ra lợi ích trị giá 700 tỷ USD cho khách hàng và xã hội, thông qua việc giảm tác động môi trường, cải thiện an toàn và bảo mật, đồng thời tiết kiệm chi phí và thời gian cho người tiêu dùng.

Ông Garth Simmons, Giám đốc phụ trách thị trường Đông Nam Á, Nhật Bản và Hàn Quốc của Tập đoàn khách sạn Accor nhận định: "Sự xuất hiện của Metaverse và vẫn còn một chặng đường dài phía trước, có thể tốt hoặc xấu cho ngành du lịch. Nhưng nó chắc chắn đại diện cho một sự phát triển của những gì xung quanh chúng ta và đang trở thành một phần bổ sung cho cuộc sống".

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate