Theo UBND tỉnh Đồng Nai, năm 2024 tỉnh sẽ bổ sung khoảng 4.900 tỷ đồng cho các công trình, dự án trọng điểm đầu tư từ nguồn vốn ngân sách. Cộng với nguồn vốn khoảng 1.000 tỷ đồng đã được bố trí trước đó thì trong năm nay các công trình, dự án trọng điểm đã được bố trí nguồn vốn gần 6.000 tỷ đồng, tăng khoảng 25% so với năm 2023.
Trên địa bàn Đồng Nai hiện có 29 dự án trọng điểm, trong đó có 22 dự án dùng vốn ngân sách, số còn lại sử dụng vốn ngoài ngân sách. Hầu hết dự án trọng điểm của Đồng Nai thuộc lĩnh vực hạ tầng giao thông. Trong đó, nhiều công trình lớn như: Dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; dự án đường ven sông Đồng Nai; dự án đường trục trung tâm thành phố Biên Hòa.
Tính đến cuối tháng 1/2024, các đơn vị đã giải ngân được hơn 3.300 tỷ đồng trên tổng số vốn hơn 4.500 tỷ đồng bố trí cho các dự án, công trình trọng điểm, đạt hơn 74% kế hoạch.
So với thời điểm tháng 11/2023, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đã tăng gần 47%, tuy nhiên vẫn thấp hơn tỷ lệ giải ngân trung bình của tỉnh (tỷ lệ giải ngân trung bình của tỉnh đạt gần 82%).
Mặt khác, việc triển khai các dự án trọng điểm tại Đồng Nai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, chậm tiến độ. Nguyên nhân chủ yếu do ách tắc trong giải phóng mặt bằng, thiếu đất tái định cư. Điều này khiến giải ngân vốn đầu tư công cho dự án trọng điểm không đạt mục tiêu đề ra.
Để đẩy nhanh tiến độ dự án trọng điểm, đặc biệt là cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai đã thành lập Tổ công tác, giao trách nhiệm từng Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách theo dõi, đôn đốc các công trình.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã yêu cầu các đơn vị xác định việc triển khai dự án trọng điểm và giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Người đứng đầu các đơn vị cần theo dõi, đôn đốc giải ngân tại dự án theo tuần, tháng, quý, năm; thực hiện nghiêm quy định pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản.
Đồng thời, cơ quan chuyên môn làm công tác thẩm định phải nỗ lực rút ngắn tối đa thời gian thẩm định hồ sơ; đề cao kỷ luật, kỷ cương đầu tư công; xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, cản trở tiến độ giao, giải ngân vốn; kiên quyết không để xảy ra tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong đầu tư công…
Ngoài ra, các địa phương, đơn vị phải tập trung thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu tái định cư và chuyên nghiệp hóa đội ngũ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.
Song song đó, UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu các Ban Quản lý dự án của tỉnh phải xây dựng lại đường găng tiến độ của từng dự án, gắn với tiến độ công tác giải phóng mặt bằng của các địa phương; tập trung nguồn lực xây dựng khu tái định cư sẵn sàng di dời dân khi thực hiện dự án; quản lý chặt chẽ đất đai, xây dựng nhằm tạo thuận lợi trong quá trình bồi thường, hỗ trợ.
Trước đó, vào đầu tháng 1/2024 UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 9 dự án. Trong đó, có 8 dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng số vốn gần 500 triệu USD và 1 dự án doanh nghiệp trong nước vốn đầu tư hơn 870 tỷ đồng.