Hai tuyến 25B và 25C có vai trò huyết mạch, kết nối các khu vực như Cát Lái, Nhơn Trạch và quốc lộ 51 với sân bay Long Thành; đồng thời hỗ trợ giao thông hướng về Bà Rịa - Vũng Tàu giúp chia sẻ áp lực cho các tuyến cao tốc và đường tỉnh khác.
Theo quy hoạch xây dựng sân bay Long Thành, hai tuyến giao thông kết nối với sân bay gồm T1 và T2 sẽ là những trục chính kết nối với các tuyến đường cao tốc, vành đai, quốc lộ để phục vụ vận chuyển hành khách, hàng hóa. Các hạng mục xây dựng hai tuyến giao thông T1 và T2 thuộc gói thầu 6.12 thuộc dự án thành phần 3 của dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1, do Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư, đã được khởi công xây dựng vào tháng 7/2023.
Đến nay sau hơn một năm triển khai, giá trị khối lượng thi công đã đạt trên 1.300 tỷ đồng, tương đương với hơn 55% tổng giá trị hợp đồng đã ký kết. Dự kiến, các hạng mục của tuyến T1 và T2 sẽ hoàn thành trong năm 2025 phục vụ khai thác sân bay Long Thành.
Hiện nay, hai dự án nâng cấp đường tỉnh 25B và nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 25C đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai giao Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Nai (Ban quản lý dự án) làm chủ đầu tư, đang triển khai mời thầu và dự kiến khởi công vào cuối năm 2024. Cả hai tuyến này đều giao cắt với Vành đai 3 TP.HCM nên thuận lợi cho việc lưu thông đến sân bay Long Thành.
Trong đó, đường tỉnh 25B có chiều dài hơn 9,2 km đi qua khu vực các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, có tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng; dự án nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 25C sẽ xây dựng mới tuyến đường dài hơn 2 km với tổng mức đầu tư hơn 647 tỷ đồng. Các thủ tục liên quan của dự án 25C đang được Ban quản lý dự án phối hợp với địa phương đẩy nhanh.
Ngoài hai tuyến do ACV đầu tư này, các dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến kết nối khác cũng đang trong quá trình xây dựng; trong đó, các tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, Bến Lức – Long Thành, đường Vành đai 3 TP.HCM có niên độ hoàn thành tương ứng với thời gian sân bay Long Thành giai đoạn 1 đưa vào khai thác (năm 2026). Về phương tiện vận chuyển, mới đây Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với Sở Giao thông vận tải TP.HCM bổ sung 5 tuyến xe buýt từ TP.HCM đi sân bay Long Thành nhằm tăng cường khả năng vận chuyển hành khách công cộng đi và đến sân bay.
Trước đó, tại cuộc họp của lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải với lãnh đạo các địa phương dự án đường Vành đai 4 TP.HCM vào trung tuần tháng 10/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị bổ sung nút giao đường tỉnh 769E. Cụ thể, khoảng cách giữa nút giao đường tỉnh 769E với nút giao đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây là 3,1 km; theo tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc thì khoảng cách này là không bảo đảm.
Tuy nhiên, vì đây là tuyến trục chính vào sân bay Long Thành, nhu cầu kết nối giao thông rất lớn, nên khi hình thành nút giao sẽ tạo điều kiện thuận lợi, rút ngắn thời gian cho các phương tiện khu vực Miền Trung, Tây Nguyên kết nối đến sân bay.
Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, dự án xây dựng tuyến đường tỉnh 769E trùng với hướng tuyến của quốc lộ 20 nối Đồng Nai đi Lâm Đồng, được Bộ Giao thông vận tải giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai làm cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm đầu tư. Đến nay, tỉnh cũng đã hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, sẽ trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua vào kỳ họp cuối năm nay, dự kiến khởi công vào năm 2025.
Như vậy, khi dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 đi vào khai thác, các tuyến giao thông kết nối sẽ giúp giải đáp bài toán giao thông thông suốt đi và đến cảng hàng không gồm T1 và T2, ĐT 25B và ĐT 25C, đường Vành đai 3 TP.HCM, cao tốc Bến Lức – Long Thành, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu,... kỳ vọng tạo bứt phá phát triển hạ tầng cho Đồng Nai và vùng Đông Nam Bộ.