October 10, 2024 | 07:42 GMT+7

Kiến nghị tăng tổng mức đầu tư dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu thêm 5.400 tỷ đồng

Thiên Ân -

Sau hơn một năm triển khai, dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1 đã được các địa phương kiến nghị điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư thêm 5.400 tỷ đồng, nâng tổng mức đầu tư của dự án lên 23.200 tỷ đồng...

Thi công dự án thành phần 3 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Ảnh: Phạm Tùng.
Thi công dự án thành phần 3 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Ảnh: Phạm Tùng.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, vừa có báo cáo gửi Quốc hội về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 59/2022/QH15 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1.

Theo báo cáo của Bộ trưởng Thắng, chi phí giải phóng mặt bằng tăng so với dự kiến ban đầu, cùng với đề xuất bổ sung thêm nút giao trên tuyến, đã khiến tổng mức đầu tư dự án này dự kiến tăng thêm khoảng 5.400 tỷ đồng.

Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 có tổng chiều dài 53,7 km, đi qua hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu, quy mô từ 4 - 6 làn xe, được chia làm 3 dự án thành phần; trong đó, dự án thành phần 1 do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai làm cơ quan chủ quản, dự án thành phần 2 do Bộ Giao thông vận tải làm cơ quan chủ quản và dự án thành phần 3 do Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm cơ quan chủ quản. Tổng mức đầu tư hơn 17,8 ngàn tỷ đồng.

Sau hơn một năm thi công, các dự án thành phần 1 và 2, ghi nhận sản lượng thi công chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ, mặt bằng bàn giao còn hạn chế. Riêng dự án thành phần 3, mặt bằng đã được bàn giao toàn bộ, nguồn vật liệu đất đắp bảo đảm, các nhà thầu đã triển khai thi công đồng loạt trên toàn dự án, tiến độ thi công đáp ứng yêu cầu.

Bộ Giao thông vận tải cho biết, theo báo cáo của các địa phương, chi phí giải phóng mặt bằng được tính toán tại thời điểm hiện nay của các dự án thành phần dự kiến tăng hơn 3.200 tỷ đồng so với chi phí giải phóng mặt bằng tại tổng mức đầu tư theo Nghị quyết 59. Cụ thể, dự án thành phần 1 tăng 120 tỷ đồng; dự án thành phần 2 tăng 1.272 tỷ đồng và dự án thành phần 3 tăng khoảng 1.875 tỷ đồng. Việc tăng chi phí giải phóng mặt bằng dẫn đến tổng mức đầu tư dự án tăng vượt sơ bộ tổng mức đầu tư được Quốc hội thông qua, phải điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.

Ngoài việc tăng chi phí do đền bù, giải phóng mặt bằng, vừa qua, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có đề xuất đầu tư bổ sung nút giao Mỹ Xuân – Ngãi Giao, giao cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu với tuyến đường tỉnh 991 (ĐT.991) nhằm nâng cao năng lực vận tải, kết nối khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải với sân bay quốc tế Long Thành đang xây dựng. Kinh phí bổ sung cho xây dựng nút giao dự tính khoảng 1.581 tỷ đồng.

Tổng mức đầu tư công trình sau đề xuất tăng vốn là 4.848 tỷ đồng, cùng một số hạng mục liên quan khác được cập nhật, nâng mức tăng thêm gần 5.400 tỷ đồng và nâng tổng mức đầu tư toàn dự án từ 17.800 tỷ đồng lên 23.200 tỷ đồng.

Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho biết cơ quan này đang tổ chức thẩm định nội bộ hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án và hoàn thiện trình cấp có thẩm quyền theo quy định. Đồng thời, Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội quan tâm và xem xét thông qua điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án để bảo đảm nguồn vốn cho dự án triển khai đáp ứng tiến độ.

Hai dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu có hướng tuyến chạy song song với quốc lộ 51. Trong ảnh: Quốc lộ 51 nối Biên Hòa (Đồng Nai) với Bà Rịa - Vũng Tàu.
Hai dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu có hướng tuyến chạy song song với quốc lộ 51. Trong ảnh: Quốc lộ 51 nối Biên Hòa (Đồng Nai) với Bà Rịa - Vũng Tàu.

Khó khăn lớn nhất của dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu hiện nay là chưa hoàn thành bàn giao mặt bằng các dự án thành phần trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Tính đến hết tháng 9/2024, diện tích mặt bằng được bàn giao chỉ hơn 58 ha, đạt khoảng 38% tổng diện tích mặt bằng cho dự án thành phần 1. Nhà thầu chủ yếu thi công tại một số công trình cầu, sản xuất các cấu kiện công trình. Dự án thành phần 2 do Bộ Giao thông vận tải làm chủ quản, mặt bằng được bàn giao không liên tục, diện tích bàn giao đến nay chỉ đạt khoảng 102 ha, đạt trên 58% tổng diện tích cần thu hồi. Các nhà thầu mới triển khai thi công tại một số hạng mục công trình như cầu, hầm chui, cống thoát nước và một vài vị trí nền đường...

Về vật liệu san lấp phục vụ thi công dự án, tính toán trước đó của Bộ Giao thông vận tải cho biết, tổng khối lượng đá cần cho dự án khoảng 1,89 triệu m3; tổng khối lượng cát khoảng 0,87 triệu m3; tổng khối lượng đất đắp khoảng 6,4 triệu m3. Hồ sơ khảo sát mỏ vật liệu của tư vấn, trữ lượng, nguồn cung cấp vật liệu hiện nay đủ cho nhu cầu các dự án thành phần; trong đó, đá các loại gồm 14 mỏ thương mại và một vị trí quy hoạch, tổng trữ lượng khoảng 140 triệu m3.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate