UBND tỉnh Đồng Nai đã có buổi làm việc với các sở, ngành, địa phương để nghe đơn vị tư vấn báo cáo tiến độ thực hiện lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (ngày 6/9/2023).
Trước đó, vào tháng 7/2023, đơn vị tư vấn bàn giao sản phẩm giai đoạn 2 - báo cáo giữa kỳ quy hoạch tỉnh, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản gửi 20 bộ, ngành trung ương và 8 địa phương giáp ranh với tỉnh để xin ý kiến đóng góp vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, đến nay tỉnh đã nhận được ý kiến đóng góp của 18/20 bộ, ngành trung ương và 3 tỉnh giáp ranh. Cùng với đó, đã có 21 sở, ngành và các địa phương trong tỉnh có văn bản góp ý vào đồ án quy hoạch tỉnh. Hiện nay, còn 12 sở, ngành và 5 địa phương chưa có văn bản góp ý cho đồ án.
“Đơn vị tư vấn đã hoàn thành 4/9 bước cần phải thực hiện. Qua tổng hợp ý kiến góp ý của các cơ quan liên quan, đơn vị tư vấn tiếp tục đề nghị các ngành chức năng, các địa phương cho ý kiến về các nội dung thực trạng dân số, quỹ đất phát triển các khu công nghiệp”, UBND tỉnh Đồng Nai nhận định.
Ông Võ Tấn Đức, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho rằng với 5 bước cần phải hoàn thành từ nay cho đến cuối năm, khối lượng công việc còn lại rất lớn trong khi quỹ thời gian lại rất gấp. Do đó, đơn vị tư vấn cần phải bám sát, phối hợp chặt chẽ với Sở Kế hoạch Đầu tư để đẩy nhanh tiến độ. Sở Kế hoạch Đầu tư phải tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, xác nhận trách nhiệm của các đơn vị và các địa phương. Đồng thời, liên hệ với các tỉnh giáp ranh còn lại để hoàn thành việc xin ý kiến góp ý vào đồ án quy hoạch.
Theo kế hoạch dự kiến, đơn vị tư vấn hoàn thiện hồ sơ đồ án quy hoạch để trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban chấp Đảng bộ tỉnh cho ý kiến trong tháng 9/2023. Sau đó, UBND tỉnh sẽ gửi Hội đồng thẩm định Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin ý kiến của các bộ, ngành trung ương trước khi trình hội đồng thẩm định Trung ương xem xét, thẩm định.
Trong tháng 12/2023, đồ án quy hoạch tỉnh sẽ được trình HĐND tỉnh xem xét thông qua trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo liên danh đơn vị tư vấn, các huyện của Đồng Nai đang đề xuất thêm 12 khu công nghiệp với quy mô hơn 4.000 ha, tăng tổng diện tích các khu công nghiệp đề xuất đến năm 2030 lên hơn 22.500 ha. Để cân đối, liên danh đơn vị tư vấn đề xuất tỉnh có thể lựa chọn phân kỳ một phần quy mô của 2 khu công nghiệp lớn là Xuân Quế - Sông Nhạn và Bàu Cạn - Tân Hiệp vào giai đoạn sau năm 2030. Như vậy, sau khi phân kỳ, tổng diện tích khu công nghiệp phát triển trước năm 2030 vẫn sẽ ở mức hơn 18.500 ha, phù hợp với diện tích quy hoạch đã được phê duyệt.
Liên danh đơn vị tư vấn cũng đề xuất 04 đột phá chiến lược trong quy hoạch tỉnh Đồng Nai, gồm: xây dựng thành phố sân bay lấy Sân bay Long Thành làm trọng tâm; xây dựng các tổ hợp giáo dục, đào tạo cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; thiết lập quần thể đô thị, dịch vụ giải trí ven sông, ven núi, ven hồ và xây dựng nền công nghiệp hỗ trợ hiện đại.
Định hướng phát triển các đô thị sẽ được hình thành dọc trên các tuyến hành lang kinh tế mới theo quy hoạch. Cụ thể, hành lang kinh tế Đông - Tây (hành lang cao tốc TP.HCM - Dầu Giây - Phan Thiết); hành lang Bắc - Nam (hành lang cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu); hành lang phía Tây Nam (hành lang cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây); hành lang phía Đông Bắc (hành lang cao tốc Dầu Giây - Liên Khương); hành lang sông Đồng Nai.
Ông Hồ Văn Hà, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai, cho rằng việc phát triển các đô thị dọc các tuyến cao tốc cần xem xét lại. Cần phải có cách nhìn khác trong quy hoạch phát triển đô thị theo hướng phát triển các cụm đô thị vừa phù hợp xu thế, vừa dễ thu hút đầu tư, tránh tình trạng phải đầu tư dàn trải.
Theo Sở Xây dựng Đồng Nai, hiện địa bàn tỉnh đã hình thành 11 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại I (TP.Biên Hòa), 1 đô thị loại III (TP.Long Khánh), 2 đô thị loại IV (Long Thành, Trảng Bom) và 7 đô thị loại V (Định Quán, Tân Phú, Dầu Giây, Gia Ray, Long Giao, Vĩnh An và Hiệp Phước).