Các nước Đông Nam Á nên thận trọng khi đàm phán với Trung Quốc trong các dự án thuộc kế hoạch mang tên "Vành đai và Con đường" của Bắc Kinh để tránh bị rơi vào "bẫy nợ" - 70% người tham gia một cuộc khảo sát chính sách khuyến cáo.
"Quan niêm thông thường cho rằng Trung Quốc nắm ảnh hưởng trong lĩnh vực kinh tế, còn Mỹ giữ ảnh hưởng trong vấn đề chính trị cần phải được xem xét lại dựa trên kết quả cuộc khảo sát này", hãng tin Reuters dẫn báo cáo kết quả khảo sát.
Đây là cuộc khảo sát được thực hiện bởi viện nghiên cứu ISEAS-Yusoft thuộc Chính phủ Singapore, với sự tham gia của 1.008 người từ 10 nước trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), gồm các thành viên chính phủ, tổ chức học thuật, doanh nghiệp, tổ chức dân sự xã hội và truyền thông.
Gần một nửa số người tham gia cuộc khảo sát nói rằng sáng kiến "Vành đai và Con đường" sẽ đưa ASEAN "lại gần hơn quỹ đạo của Trung Quốc". 1/3 nói kế hoạch này thiếu minh bạch và 16% dự báo kế hoạch sẽ thất bại.
Đại đa số người trả lời, chiếm 70%, nói rằng các chính phủ "nên thận trọng trong việc đàm phán các dự án thuộc ‘Vành đai và Con đường’ để tránh mắc phải những khoản nợ tài chính thiếu bền vững với Trung Quốc". Trong đó, quan điểm này được thể hiện rõ nhất ở Malaysia, Philippines và Thái Lan.
Đến nay, đã có một số chính phủ phương Tây cáo buộc Trung Quốc dùng "Vành đai và Con đường" để lôi kéo các quốc gia vào "bẫy nợ" - điều mà Bắc Kinh luôn phủ nhận.
73% người tham gia cuộc khảo sát cho rằng Trung Quốc có ảnh hưởng kinh tế lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á. Nước này cũng được cho là có ảnh hưởng chính trị và chiến lược trong khu vực nhiều hơn Mỹ.
Cứ 10 người tham gia cuộc khảo sát thì có 6 người nói ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ đã suy giảm so với cách đây 1 năm và 2/3 cho rằng ảnh hưởng của Mỹ ở Đông Nam Á đã giảm xuống.
Khoảng 1/3 nói họ ít tin hoặc không tin rằng Mỹ là một đối tác chiến lược của Đông Nam Á và là người mang lại an ninh cho khu vực.
Chưa đến 1/10 số người được khảo sát xem Trung Quốc là "một cường quốc nhân từ". Thay vào đó, gần một nửa nói Bắc Kinh "có ý định biến Đông Nam Á thành khu vực ảnh hưởng của mình".
Các tác giả thực hiện cuộc khảo sát nhận định "kết quả này là một hồi chuông cảnh tỉnh để Trung Quốc điều chỉnh lại hình ảnh tiêu cực của mình ở Đông Nam Á, cho dù Bắc Kinh đã liên tục khẳng định sự nổi lên nhân từ và hòa bình của Trung Quốc".