Tháng 1/2024, khi nhà máy dệt nơi Kurniadi Eka Mulyana đang làm việc Bandung, West Java, Indonesia, sa thải nhân viên, anh bắt đầu cảm thấy lo lắng. Mulyana, 26 tuổi, bắt đầu làm việc cho nhà máy này 2 năm trước, sau khi anh mất việc tại một nhà máy dệt khác. Tới tháng 3, tới lượt Mulyana bị sa thải.
CÂN NHẮC TĂNG RÀO CẢN THƯƠNG MẠI
Các quản lý nhà máy nói rằng doanh số của công ty sụt giảm mạnh kể từ khi TikTok Shop bắt đầu hoạt động tại Indonesia vào năm 2021. TikTok Shop là tiện ích thương mại điện tử của nền tảng mạng xã hội Trung Quốc TikTok, bán hàng giá rẻ từ Trung Quốc.
Từ đầu năm đến nay, ngành dệt may, da dày tại các tỉnh Banten, West Java và Central Java đã sa thải khoảng 49.000 công nhân do đơn hàng ít khiến nhiều nhà máy phải đóng cửa.
Trước tình hình này, vào tháng 6, Bộ trưởng Thương mại Indonesia Zulkifli Hasan cho biết Chính phủ đang cân nhắc áp thuế tối đa 200% với vải dệt nhập khẩu, cao gấp nhiều lần mức hiện tại. Ông nói rằng các loại thuế quan khác cũng đang được cân nhắc nhằm ứng phó với làn sóng hàng nhập khẩu giá rẻ từ đồ gốm sứ, quần áp, giày dép cho tới mỹ phẩm và đồ điện tử.
Không chỉ Indonesia, nhiều quốc gia Đông Nam Á khác cũng đang cân nhắc tăng rào cản thương mại với hàng giá rẻ Trung Quốc, đặc biệt là hàng hóa được bán qua các nền tảng thương mại điện tử.
Hồi tháng 1, Malaysia áp thuế doanh thu 10% với hàng nhập khẩu được mua trực tuyến với giá trị dưới 500 ringgit (108 USD). Những mặt hàng này trước đó được miễn thuế doanh thu và thuế nhập khẩu – các loại thuế thường chỉ áp dụng với những hàng hóa giá trị cao hơn.
Tháng trước, Thái Lan cũng có động thái tương tự khi mở rộng phạm vi các mặt hàng bị áp thuế VAT, theo đó áp dụng với cả những đơn hàng trực tuyến vận chuyển từ nước ngoài giá trị dưới 1.500 baht (42 USD).
Làn sóng hàng giá rẻ từ Trung Quốc – bắt nguồn từ tình trạng dư thừa công suất ở nước này – đã đặt nhiều chính phủ ở Đông Nam Á vào thế tiến thoái lưỡng nan. Trong khi các nhà bán lẻ và nhà sản xuất nội địa muốn được bảo vệ trước sự cạnh tranh không lành mạnh, các quan chức lại phải tìm cách thu hút doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào hoạt động sản xuất trong nước, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao.
Theo tờ Nikkei Asia, ngày càng khó để cân bằng các mục tiêu này trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng ảm đạm nên nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ Đông Nam Á giảm xuống. Điều này cũng khiến các công ty Trung Quốc đang dư thừa công suất tìm cách giải phóng hàng tồn kho với giá rẻ. Tất cả những điều này đang làm gia tăng sự mất cân bằng trong cán cân thương mại giữa Đông Nam Á và Trung Quốc, khiến ngày càng nhiều bên liên quan kêu gọi các chính phủ có hành động với hàng giá rẻ từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Theo tính toán của nhóm nhà kinh tế tại ngân hàng Goldman Sachs, năm ngoái, Đông Nam Á và các thị trường châu Á mới nổi khác chiếm khoảng 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc.
Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Thái Lan, sau Mỹ và cũng là thị trường nhập khẩu hàng đầu của nước này (chiếm khoảng 25% kim ngạch nhập khẩu). Thâm hụt thương mại của Thái Lan với Trung Quốc ngày càng gia tăng, từ mức 20 tỷ USD năm 2020 lên 36,6 tỷ USD năm ngoái. Trong khi đó, thâm hụt thương mại của Malaysia với Trung Quốc thậm chí tăng mạnh hơn, từ 3,1 tỷ USD năm 2020 lên 14,2 tỷ USD năm 2023.
TIẾN THOÁI LƯỠNG NAN
Theo các nhà phân tích, mất cân bằng thương mại gia tăng bắt nguồn một phần từ việc các công ty quốc tế và cả các công ty Trung Quốc dịch chuyển một phần dây chuyền sản xuất và lắp ráp từ Trung Quốc sang Đông Nam Á do căng thẳng thương mại giữa Bắc Knih và phương Tây, bên cạnh các yếu tố khác.
“Trung Quốc xem việc đầu tư tại các quốc gia khác như một chiến lược phòng ngừa rủi ro”, ông Charles Austin Jordan, nhà phân tích nghiên cứu cấp cao tại công ty nghiên cứu chính sách Mỹ Rhodium Group, nhận xét. “Sự dịch chuyển này khiến nhu cầu vật liệu thô từ Trung Quốc và hàng hóa trung gian từ Đông Nam Á giảm xuống, đồng thời làm gia tăng dòng chảy các mặt hàng này ở chiều ngược lại. Trong nhiều trường hợp, hàng hóa thành phẩm được xuất sang các thị trường phương Tây”.
Trên thực tế, trong quý đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Đông Nam Á sang Mỹ đã vượt kim ngạch xuất sang Trung Quốc 10 tỷ USD. Theo đó, Trung Quốc không còn là thị trường xuất khẩu hàng đầu của khu vực này.
Tuy nhiên, điều này khiến phía Mỹ phản ứng mạnh. Tháng trước, Washington tái áp đặt thuế quan lên tới 250% với tấm pin năng lượng mặt trời do doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất tại Campuchia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam xuất sang Mỹ.
"Rủi ro cho các nền kinh tế mới nổi là các chính phủ phương Tây có thể sẽ siết chặt kiểm soát chuỗi cung ứng theo hướng quyết liệt hơn”, ông Jordan dự báo.
Trước tình hình này, Bộ Ngoại thương Thái Lan đã áp đặt thuế quan 30,9% với thép cuộn nóng – vật liệu được dùng trong sản xuất ô tô, máy móc và xây dựng cầu đường. Thép là lĩnh vực bị thiệt hại lớn nhất do thép giá rẻ Trung Quốc. Năm ngoái, sản lượng thép của nước này giảm 497.000 tấn, tương đương 7%. Khoảng 1.300 nhà máy thép của Thái Lan đã phải đóng cửa trong năm ngoái. Trong 5 tháng đầu năm nay, thêm 500 nhá máy khác đóng cửa, khiến hơn 15.000 người mất việc – theo Bộ Việc làm Công nghiệp Thái Lan.
Theo tính toán của Trung tâm Tình báo Kinh tế thuộc Ngân hàng Thương mại Siam, với mỗi 100.000 tấn sản lượng thép giảm, GDP của nước này sẽ giảm 0,2%.
“Việc Trung Quốc tăng xuất khẩu hàng hóa dư thừa không chỉ ảnh hưởng tới doanh thu nội địa mà cả doanh thu trên thị trường quốc tế của các công ty Đông Nam Á”, ông Sonal Varma, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Á không tính Nhật Bản của ngân hàng Nomura, nhận xét. “Tuy nhiên, do lo ngại các biện pháp trả đũa của Bắc Kinh, các quan chức Đông Nam Á khẳng định rằng đang tăng thuế quan với hàng nhập khẩu nói chung chứ không riêng hàng Trung Quốc”.
Theo ông Chaovalit Pakpianthakolphol, chủ tịch ban xúc tiến xuất khẩu của doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan, hai kênh phân phối hàng Trung Quốc lớn nhất tại Thái Lan là Lazada và Shopee.
“Với hai kênh này, họ không cần phải đăng ký thành lập doanh nghiệp tại Thái Lan”, ông Pakpianthakolphol cho biết.
Còn theo ông Ristadi, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Quốc gia Indonesia, hàng Trung Quốc đang ngập tràn ở cả các kênh bán hàng truyền thống lẫn trực tuyến ở Indonesia.
Theo ông Aat Pisanwanich, một học giả về thương mại quốc tế từng làm việc tại trường Đại học của Phòng Thương mại Thái Lan (UTCC), người tiêu dùng Thái Lan giờ đây có thể mua một chiếc ốp lưng điện thoại bằng silicon có với giá chỉ 35 baht trên Lazada, trong khi mức giá rẻ nhất của một sản phẩm tương tự trong một trung tâm bách hóa thường là 400 baht. Do đó, mức thuế VAT 7% với những sản phẩm như thế này là không đáng kể với những người tiêu dùng ưu tiên tiết kiệm tiền.