Cuộc dịch chuyển sang năng lượng xanh của châu Âu đang rơi vào một tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Tấm pin năng lượng mặt trời giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc tràn ngập thị trường khu vực đã đẩy tốc độ lắp đặt lên mức kỷ lục, nhưng đồng thời cũng khiến các nhà sản xuất châu Âu điêu đứng.
Theo hãng tin Reuters, các chính phủ châu Âu và ngành điện mặt trời của khu vực này đang bất đồng sâu sắc về cách thức phản ứng với thực trạng trên.
ÁP THUẾ QUAN HAY KHÔNG ÁP?
Châu Âu vừa trải qua một năm 2023 với những bước tiến dài về năng lượng xanh. Các nước trong Liên minh châu Âu (EU) lắp đặt mức công suất điện mặt trời lớn chưa từng thấy, tăng 40% so với năm 2022. Phần lớn số tấm pin và linh kiện được lắp đặt là hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, trong một số trường hợp tỷ lệ lên tới 95% - theo dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).
Tuy nhiên, sự bùng nổ xanh này không mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất tấm pin mặt trời của châu Âu - những công ty với số lượng ít ỏi và đang chìm trong khủng hoảng do không cạnh tranh được với hàng nhập khẩu giá rẻ và vật lộn với tình trạng dư thừa nguồn cung. Các tuyên bố dừng sản xuất liên tục được đưa ra, và ngành sản xuất tấm pin mặt trời châu Âu đã cảnh báo rằng một nửa công suất có thể “bốc hơi” trong vòng chỉ vài tuần nếu chính phủ không can thiệp.
Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách đang xoay sở để tìm cách phản ứng, nhưng thiếu sự nhất quán về việc cần phải làm gì.
Trong một tuyên bố gửi Uỷ ban châu Âu (EC) vào tháng 11 năm ngoái, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức Robert Habeck bày tỏ lo ngại rằng EU có thể sắp áp hạn chế đối với tấm pin mặt trời nhập khẩu từ Trung Quốc. “Tôi được biết rằng Uỷ ban có thể đang có ý định áp các biện pháp phòng hộ nhằm vào mô-đun quang phổ nhập khẩu từ Trung Quốc. Tôi có những mối lo ngại rất lớn về việc này”, bức thư có đoạn viết.
Ông Habeck cảnh báo rằng việc hạn chế nhập khẩu tấm pin mặt trời từ Trung Quốc có thể bóp nghẹt sự phát triển mạnh mẽ của năng lượng xanh và khiến 90% thị trường tấm pin mặt trời ở châu Âu trở nên đắt đỏ hơn. Ông cũng cho rằng điều này sẽ đặt ra nguy cơ phá sản đối với các công ty EU đã lắp đặt tấm pin mặt trời sử dụng linh kiện nhập khẩu.
Kế hoạch hỗ trợ ngành điện mặt trời của Chính phủ Đức đã gặp trở ngại do cuộc khủng hoảng ngân sách. Trong khi đó, Tây Ban Nha vẫn để ngỏ khả năng áp thuế quan lên vật liệu tấm pin mặt trời. Hà Lan muốn đưa tấm pin mặt trời nhập khẩu vào danh sách chịu thuế carbon của EU - một quan chức tiết lộ với Reuters. Và tuần trước, Italy tuyên bố đầu tư 90 triệu euro, tương đương 97 triệu USD, vào một nhà máy sản xuất tấm quang phổ ở vùng Sicily.
"CUỘC CHIẾN GIÁ CẢ" KHÔNG CÂN SỨC
Trong một bài phát biểu vào hôm thứ Hai tuần này về các vấn đề của ngành năng lượng mặt trời châu Âu, cao uỷ dịch vụ tài chính EU Mairead McGuinness không đưa ra biện pháp hỗ trợ mới nào. Thay vào đó, bà đề cập đến các biện pháp hỗ trợ đã được công bố từ trước, bao gồm một dự luật sắp hoàn thiện nhằm đẩy nhanh việc cấp phép cho các nhà sản xuất EU và trao cho các sản phẩm sản xuất tại EU, chẳng hạn tấm pin, một lợi thế trong các cuộc đấu thầu về công nghệ năng lượng sạch trong tương lai.
Về các biện pháp hạn chế thương mại, bà McGuinness tỏ quan điểm thận trọng.
“Xét tới việc chúng ta còn phụ thuộc ở một mức độ rất lớn vào hàng nhập khẩu để đạt mục tiêu triển khai điện mặt trời trong EU, bất kỳ biện pháp nào cũng cần phải được cân nhắc trên cơ sở các mục tiêu mà chúng ta đã đặt ra về dịch chuyển năng lượng”, bà McGuinness nói.
Bản thân lĩnh vực năng lượng xanh của EU cũng thiếu nhất quán về giải pháp.
Các nhà sản xuất tấm pin mặt trời trong khu vực đã hối thúc chính phủ vào cuộc để mua lượng hàng tồn kho nhằm giảm bớt tình trạng dư thừa nguồn cung. Họ nói rằng nếu việc này không được triển khai một cách nhanh chóng, các chính phủ nên tính đến việc dựng hàng rào thương mại.
Trong khi đó, ngành năng lượng xanh nói chung phản đối việc áp hạn chế nhập khẩu.
“Chúng ta không thể giảm ngay được sự phụ thuộc vào Trung Quốc, vì nếu thế chúng ta không thể xây dựng được các dự án”, CEO Miguel Stilwell d’Andrade của công ty tiện ích Bồ Đào Nha EDP nói với Reuters. Ông nhấn mạnh rằng giá tấm pin mặt trời đã tăng ở Mỹ - quốc gia đã áp thuế quan lên tấm pin mặt trời nhập khẩu từ Trung Quốc.
“Điều này gây hiệu ứng lạm phát…giá tấm pin ở Mỹ đang cao gấp hơn 2 lần ở châu Âu”, ông d’Andrade phát biểu.
Và ngay cả các nhà sản xuất châu Âu cũng nói rằng hy vọng về một ngành công nghiệp điện mặt trời có năng lực cạnh tranh cao của khu vực là rất mong manh.
Theo ông Gunter Erfurt, CEO của công ty sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời Thuỵ Sỹ Meyer Burger, châu Âu đang ở trong một “cuộc chiến giá cả” với Trung Quốc. Meyer Burger đang có kế hoạch đóng cửa một nhà máy sản xuất mô-đun quang phổ liên tục thua lỗ ở Đức vì không có sự hỗ trợ của EU.
Một số nhà sản xuất Trung Quốc hiện nay có thể bán tấm pin mặt trời dưới cả giá thành, châu Âu rõ ràng khó có thể cạnh tranh được. “Ngành công nghiệp điện mặt trời ở Trung Quốc đã hưởng chính sách trợ giá chiến lược với số tiền hàng trăm tỷ USD trong nhiều năm qua”, ông Erfurt nói với Reuters.