June 26, 2024 | 13:59 GMT+7

Dòng tiền đầu tư đang tháo rút khỏi Đông Nam Á, đổ mạnh vào thị trường Mỹ

Thu Minh -

Một lượng tiền lớn gần 54,4 tỷ USD được đổ thêm vào các quỹ ETF Mỹ, đặc biệt là quỹ đầu tư cổ phiếu Mỹ dẫn đầu dòng tiền với hơn 46 tỷ USD, lượng huy động ròng nhiều nhất kể từ đầu Q2/2024 đến nay.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Một thống kê được thực hiện bởi Chứng khoán Yuanta cho thấy dòng vốn trong khi đang có dấu hiệu rút khỏi Việt Nam và Đông Nam Á, ngược lại đã đổ mạnh vào thị trường Mỹ.

Theo đó, trong tuần qua, tuy chỉ giao dịch 4 ngày, phố Wall đã có một tuần giao dịch sôi đông và đóng cửa trong sắc xanh ở 2 chỉ số chính DowJones tăng 1,45% so với tuần trước, và S&P500 tăng 0,61%, trong khi đồ thị tuần của chỉ số Nasdaq đi ngang.

Cùng với xu hướng đó, một lượng tiền lớn gần 54,4 tỷ USD được đổ thêm vào các quỹ ETF Mỹ, đặc biệt là quỹ đầu tư cổ phiếu Mỹ dẫn đầu dòng tiền với hơn 46 tỷ USD, lượng huy động ròng nhiều nhất kể từ đầu Q2/2024 đến nay.

Trong khi đó, các quỹ ETF đầu tư vào các nhóm tài sản khác cũng lần lượt ghi nhận dòng tiền vào ròng, tuy nhiên lượng hút ròng có khuynh hướng giảm so với tuần trước. Cụ thể, các quỹ đầu tư trái phiếu Mỹ hút ròng 3,5 tỷ USD giảm 32% so với tuần trước, các quỹ đầu tư cổ phiếu nước ngoài hút ròng 4,1 tỷ USD giảm 19%, và các quỹ đầu tư trái phiếu nước ngoài hút ròng 451 triệu USD giảm 61%.

Tại thị trường hàng hóa, tuần qua các nhà đầu tư ETF Mỹ đã đảo chiều bơm ròng trở lại 200 triệu USD cho các quỹ này.

Dòng tiền đầu tư đang tháo rút khỏi Đông Nam Á, đổ mạnh vào thị trường Mỹ - Ảnh 1

Trước đó, dòng tiền đã quay trở lại thị trường Mỹ trong tháng 5 vào 42,3 tỷ USD nhờ lực đẩy từ các nhà đầu tư cá nhân và sự bùng nổ từ nhóm cổ phiếu nhỏ (meme stocks), bên cạnh nhóm Công nghệ. Tính trong 5 tháng đầu năm, các quỹ cổ phiếu thị trường phát triển ghi nhận vào ròng 127,1 tỷ USD.

Trong khi đó, theo các chuyên gia phân tích của SSI Research,  dòng tiền tới các quỹ cổ phiếu trong ngắn hạn tích cực hơn nhờ hiệu ứng về chính sách tiền tệ (một số NHTW lớn trên thế giới sẽ cắt giảm lãi suất) và động lực từ nhà đầu tư cá nhân.

Tuy nhiên, khảo sát từ BofA cho thấy mức độ thận trọng đáng kể từ các Quỹ đầu tư khi cân nhắc giải ngân vào thị trường Mỹ. Diễn biến dòng tiền trong quá khứ vào thị trường cổ phiếu Mỹ trước giai đoạn bầu cử cũng không quá tích cực (trừ năm 2004). Một điểm đáng lưu ý khác là khảo sát của BofA cho thấy tỷ trọng tiền mặt trong tháng 5 ở mức 4,0% - thấp hơn mức 4,2% trong tháng 4 và đang ở ngưỡng “rủi ro đảo chiều” (dưới 4%).

Tại châu Á, thị trường chứng khoán Đài Loan dẫn đầu thu hút dòng tiền của các nhà đầu tư ngoại với 2,6 tỷ USD, theo sau là Ấn Độ, 1,4 tỷ USD và thị trường chứng khoán Hàn Quốc 778 triệu USD. Ngược lại, thị trường chứng khoán Thái Lan dẫn đầu chiều rút ròng với 290,7 triệu USD bị rút ròng.

Dòng tiền vào các quỹ ETF đầu tư khu vực Đông Nam Á tiếp tục bị rút ròng thêm 4,9 triệu USD, mặc dù dòng tiền vào ròng ở hầu hết các thị trường trong khu vực, ngoại trừ Việt Nam bị rút ròng gần 27,1 triệu USD. Con số ghi nhận chủ yếu đến từ việc quỹ Fubon FTSE tiếp tục rút ròng thêm 10,9 triệu USD, mặc dù quỹ Ishares MSCI Frontier 100 ETF cũng ghi nhận rút ròng 15,2 triệu USD, tuy nhiên tỷ trọng đầu tư của quỹ này tại thị trường Việt Nam chỉ dưới 6%.

Tuần qua, khối ngoại tiếp tục bán ròng gần 4,9 nghìn tỷ đồng, tương đương với gần 192 triệu USD trên cả 3 sàn. Trong đó, cổ phiếu FPT bị bán ròng hơn 1,1 nghìn tỷ đồng, dẫn đầu chiều bán ròng. Ở chiều ngược lại, cổ phiếu MCH dẫn đầu chiều mua ròng với 201 tỷ đồng.

Dòng tiền đầu tư đang tháo rút khỏi Đông Nam Á, đổ mạnh vào thị trường Mỹ - Ảnh 2

Trong tháng 5 vừa qua, các ETF tiếp tục rút vốn tuy nhiên giá trị rút ròng đã giảm đáng kể so với hai tháng trước, ghi nhận ở mức -1,8 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 2,6% tổng tài sản quỹ.

Tính từ đầu năm, các ETF đã rút ròng tổng cộng 12,38 nghìn tỷ đồng, tương
đương -16,3% tổng tài sản các quỹ vào cuối năm 2023. Các quỹ chịu áp lực rút vốn mạnh nhất bao gồm DCVFM VN30 (-6,4 nghìn tỷ), SSIAM VNFIN Lead (-1,7 nghìn tỷ), DCVFM VN30 (-1,5 nghìn tỷ) và Fubon (-1,5 nghìn tỷ).

SSI duy trì quan điểm thận trọng về dòng vốn vào các Quỹ ETF của Việt Nam, tuy nhiên cường độ rút ròng sẽ hạn chế hơn so với giai đoạn Quý 2. Tín hiệu tích cực có thể sẽ bắt đầu xuất hiện khi môi trường vĩ mô (tỷ giá và lãi suất) hay biến động chính trị ổn định hơn. Đặc biệt, Việt Nam có thể được hưởng lợi khi xu hướng chốt lời và tìm kiếm cơ hội đầu tư khác xuất hiện ở thị trường Đài Loan.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate