Đồng USD tiếp tục giảm giá trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (11/8), sau khi giảm hơn 1% trong phiên ngày thứ trước đó, do số liệu thống kê cho thấy lạm phát tháng 7 của Mỹ không “nóng” như dự báo. Những con số này khiến giới đầu tư và chuyên gia phân tích cắt giảm mức dự báo về đợt tăng lãi suất tháng 9 của Fed, từ đó đặt ra sức ép giảm giá đối với đồng bạc xanh.
Trước khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 vào hôm thứ Tư và báo cáo chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) vào hôm thứ Năm, thị trường đã nghiêng về khả năng Fed nâng lãi suất với bước nhảy 0,75 điểm phần trăm lần thứ ba liên tiếp trong cuộc họp tháng 9. Thậm chí, nhiều chuyên gia cho rằng Fed có thể tăng lãi suất với bước nhảy tròn 1 điểm phần trăm nếu lạm phát cao hơn dự báo.
Tuy nhiên, những số liệu mới được công bố cho thấy lạm phát ở nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể đã hoặc đang qua đỉnh.
Sau hai báo cáo lạm phát nói trên, thị trường điều chỉnh dự báo, nghiêng về khả năng Fed nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 9, thay vì mức nâng 0,75 điểm phần trăm.
PPI tháng 7 của Mỹ giảm 0,5% so với tháng 6, thay vì tăng 0,2% như dự báo mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trong cuộc khảo sát trước đó của Dow Jones. So với cùng kỳ năm trước, PPI tăng 9,8%, mức tăng thấp nhất kể từ tháng 10/2021 và giảm mạnh so với mức tăng 11,3% ghi nhận trong tháng 6 và mức tăng kỷ lục 11,7% ghi nhận trong tháng 3.
CPI tháng 7 tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức dự báo tăng 8,7% của các chuyên gia được Dow Jones khảo sát, và thấp hơn nhiều so với mức tăng mạnh nhất hơn 40 năm là 9,1% ghi nhận trong tháng 6. Nếu so với tháng 6, CPI đi ngang, thay vì tăng 0,2% như dự báo.
Các số liệu lạm phát mới nhất “mang lại hy vọng rằng lạm phát đã qua đỉnh và Fed sẽ giảm bớt bước nhảy lãi suất để đưa lạm phát về tầm kiểm soát”, một báo cáo của ngân hàng Commerzbank nhận định.
Sau hai báo cáo lạm phát nói trên, thị trường điều chỉnh dự báo, nghiêng về khả năng Fed nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 9, thay vì mức nâng 0,75 điểm phần trăm.
Theo hãng tin Reuters, các nhà hợp đồng lãi suất tương lai ở Mỹ đang phản ánh khả năng 58% Fed nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tới và khả năng 42% cho mức tăng 0,75 điểm phần trăm.
Trong phiên ngày thứ Năm, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác có lúc giảm 0,6%. Cuối phiên, chỉ số thu hẹp mức giảm còn hơn 0,1%, về mức 105,1 điểm. Trong phiên ngày thứ Tư, Dollar Index mất hơn 1% điểm số.
Hồi trung tuần tháng 7, chỉ số này lập đỉnh 20 năm ở mức gần 109,3 điểm. Theo dữ liệu từ MarketWatch, trong vòng 1 tháng qua, chỉ số đã giảm hơn 2,6%.
“Chúng ta có thể đã chứng kiến mức đỉnh của đồng USD, nhưng tôi cảm thấy nên thận trọng với việc cho rằng đồng USD sẽ giảm giá thêm nhiều từ mức hiện tại”, chiến lược gia Vassili Serberiakov của ngân hàng UBS nhận định.
Tỷ giá USD có thể đã được nâng đỡ sau khi hai quan chức Fed hôm thứ Tư lên tiếng kiềm chế những kỳ vọng vào một sự dịch chuyển sang mềm mỏng trong chính sách của ngân hàng trung ương này. Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago Charles Evans nói rằng lạm phát vẫn cao “không thể chấp nhận được” và Fed cần tiếp tục tăng lãi suất. Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis Neel Kashkari nói số liệu lạm phát mới nhất là tin tốt nhưng Fed “còn rất, rất xa đến chỗ có thể tuyên bố chiến thắng” và cần tăng lãi suất cao hơn nhiều.
Một báo cáo của MUFG đưa ra quan điểm tương tự như đánh giá của chiến lược gia Serveriakov, cho rằng thống kê mới nhất về lạm phát “rõ ràng làm giảm khả năng về bước nhảy lãi suất từ 0,75 điểm phần trăm trở lên, và theo đó làm giảm nhu cầu USD. Nhưng chúng tôi không cho rằng những số liệu này sẽ khiến USD bị bán tháo nhiều từ thời điểm này”.