Đồng đôla Mỹ khởi động quý 4 trong xu thế tăng giá mạnh, nối tiếp đà tăng của thời gian gần đây, nhờ triển vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ lãi suất cao hơn lâu hơn. Trái lại, đồng yên Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất gần 1 năm, khiến các nhà giao dịch “nín thở” chờ một động thái can thiệp từ nhà chức trách Nhật.
Trong khi đó, Nhật Bản vẫn giữ lập trường chính sách tiền tệ siêu nới lỏng bằng cách công bố một đợt mua vào trái phiếu trong tuần này.
MỐC TỶ GIÁ CHỦ CHỐT BỊ ĐE DOẠ
Phiên giao dịch ngày 2/10, đồng yên có thời điểm trượt xuống mức 149,83 yên đổi 1 USD, mức thấp nhất hơn 11 tháng, rất gần mức chủ chốt 150 yên đổi 1 USD mà thị trường tài chính toàn cầu cho là Bộ Tài chính Nhật Bản sẽ hành động can thiệp vào thị trường tiền tệ để bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ tương tự như hồi năm 2022.
“Khả năng can thiệp có thể hạn chế bớt, nếu không đảo ngược một phần sự mất mát của tỷ giá đồng yên, nhất là khi tỷ giá đôla/yên đang tiến sát mốc 150 yên/đôla vì mốc này có thể dẫn tới hành động của Tokyo”, chiến lược gia trưởng Vishnu Varathan của Mizuho Bank nói với hãng tin Reuters.
Ngoài một động thái can thiệp trực tiếp vào thị trường tiền tệ bằng cách bán đôla Mỹ và mua vào đồng yên để bình ổn tỷ giá, Nhật Bản còn có thể cứu đồng nội tệ khỏi áp lực mất giá bằng cách phát tín hiệu sớm từ bỏ chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo. Chính việc nước này giữ lãi suất ngắn hạn ở mức âm và thực hiện kiểm soát đường cong lợi suất (YCC) để ghìm lãi suất dài hạn ở mức thấp là nguyên nhân đặt đồng yên vào thế yếu trước đồng USD - đồng tiền mà ngân hàng trung ương là Fed đã có 11 lần nâng lãi suất trong hơn 1 năm rưỡi qua để chống lạm phát.
“Tuy nhiên, ý định của Bộ Tài chính Nhật Bản là điều không rõ ràng. Và kể cả Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) cũng chưa chắc bị khuất phục bởi áp lực từ sự giảm giá của đồng yên tới mức chuyển sang một lập trường chính sách tiền tệ cứng rắn hơn để phải chấp nhận những tổn thất kinh tế kéo dài hơn”, ông Varathan nhận định.
Một bản tóm tắt ý kiến các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của BOJ tại cuộc họp tháng 9 vừa qua đã được công bố sáng 2/10, cho thấy giới chức BOJ thảo luận nhiều yếu tố khác nhau cần phải cân nhắc khi rút khỏi chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo.
“Họ lo ngại việc thắt chặt quá sớm và bóp nghẹt sự gia tăng cần thiết của lạm phát và cả tăng trưởng kinh tế. Dù sao, sự thận trọng của họ là dễ hiểu”, nhà kinh tế trưởng Jarrod Kerr của Kiwibank nhận định.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác dao động quanh ngưỡng 106,3 điểm, gần mức cao nhất 10 tháng thiết lập vào tuần trước. Trong quý 3 vừa qua, chỉ số này hơn 3%, đánh dấu quý tăng mạnh nhất trong vòng 1 năm trở lại đây, nhờ quan điểm cứng rắn của Fed.
“Tôi thà mua USD bây giờ chứ không mua euro, đồng bảng Anh hay các đồng tiền khác. Tôi cho là đồng USD vẫn còn được hỗ trợ thêm”, chuyên gia Kerr nói.
BOJ NÓI MỘT ĐẰNG, THỊ TRƯỜNG ĐỒN MỘT NẺO
Trong một diễn biến cho thấy Nhật Bản quyết tâm duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo, BOJ ngày 2/10 công bố kế hoạch mua vào thêm trái phiếu trong tuần này, sau một đợt mua không được báo trước vào hôm thứ Sáu vừa rồi.
Theo đó, BOJ sẽ mua trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 5-10 năm vào ngày thứ Tư tuần này, nhằm ghìm đà tăng của lợi suất trái phiếu trong bối cảnh đà bán tháo trái phiếu trên toàn cầu đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ các quốc gia tăng lên, trong đó trái phiếu chính phủ Nhật Bản đã tăng lên mức cao nhất trong 1 thập kỷ.
Phiên ngày 2/10, lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật kỳ hạn 10 năm đạt 0,775%, cao nhất kể từ năm 2013. Lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 20 năm và 30 năm cũng ở đỉnh cao tương tự, vì lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ không ngừng tăng lên.
Tuần trước, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm lập đỉnh mới của 17 năm do kỳ vọng Fed sẽ không sớm dịch chuyển khỏi chính sách tiền tệ thắt chặt. Ngoài ra, lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản còn tăng vì một lý do khác, đó là thị trường đặt cược rằng BOJ sẽ đến lúc phải điều chỉnh chính sách tiền tệ.
“Nhật Bản phải mua vào trái phiếu vì nhu cầu của nhà đầu tư đang thưa thớt cho dù lợi suất đã tăng lên tới mức này. Lợi suất của các trái phiếu Nhật Bản dài hạn và siêu dài hạn đang chịu áp lực tăng, chủ yếu do mối lo BOJ có thể điều chỉnh chính sách tiền tệ”, chiến lược gia trái phiếu Naoya Hasegawa của Okasan Securities nhận định với hãng tin Bloomberg.
Ông Hasegawa dự báo trong đợt mua tuần này, BOJ sẽ chi 675 tỷ yên, tương đương 4,5 tỷ USD để mua vào trái phiếu chính phủ Nhật kỳ hạn 5-10 năm, tương tự như quy mô của đợt mua vào gần đây nhất các trái phiếu kỳ hạn này.
Trong cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ hồi cuối tháng 7, BOJ đã điều chỉnh chính sách YCC để lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản có thể di chuyển linh hoạt hơn, tối đa có thể tăng lên mức 1%. Tuy nhiên, BOJ không muốn lợi suất tăng quá nhanh, và đã phải can thiệp vào thị trường trái phiếu 3 lần kể từ sau cuộc họp đó để hãm bớt đà tăng của lợi suất.
Như đã nói ở trên, một số chuyên gia cho rằng BOJ còn thận trọng với bất kỳ sự điều chỉnh chính sách tiền tệ nào. Ngoài ra, Thống đốc BOJ Kazuo Ueda cũng giữ nguyên quan điểm thận trọng về triển vọng lạm phát. Hôm thứ Bảy tuần trước, ông Ueda nói BOJ “vẫn còn một chặng đường dài phải đi” trước khi có thể dịch chuyển chính sách tiền tệ. Dù vậy, thị trường đang gia tăng đồn đoán rằng BOJ sẽ phải sớm rút khỏi chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo vì tăng trưởng và lạm phát ở Nhật Bản gần đây đã có những dấu hiệu vững lên.