Tổng hợp các báo cáo cho thấy tổng vốn đầu tư mạo hiểm vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam năm 2021 đạt mức kỷ lục với hơn 1,4 tỷ USD. Con số này cao gấp 3 lần năm 2020 (451 triệu USD) và gấp 1,5 lần so với con số 874 triệu USD hồi năm 2019. Ngoài 4 kỳ lân công nghệ là các công ty khởi nghiệp được định giá trên 1 tỷ USD, số lượng các công ty được định giá vài trăm triệu USD cũng đang tăng trưởng mạnh mẽ.
Các lĩnh vực thanh toán, thương mại điện tử và trò chơi trực tuyến đang nhận được sự đầu tư nhiều nhất. Tổng số giao dịch các thương vụ trên 10 triệu USD đã vượt mức 1 tỷ USD, tăng hơn 250% so với năm trước. Tổng giá trị đầu tư vào ngành tài chính và thương mại điện tử vượt 650 triệu USD. Ngoài ra mảng y tế cũng thu hút dòng tiền đầu tư lớn…
HÀNG LOẠT THƯƠNG VỤ GỌI VỐN ĐƯỢC CÔNG BỐ
Từ đầu năm đến nay thị trường tiếp tục ghi nhận nhiều thương vụ rót vốn từ các quỹ đầu tư vào các start-up. Trong đó nổi bật nhất là thương vụ Binance với sự tham gia của nhiều tên tuổi lớn trong cộng đồng Blockchain đã rót 150 triệu USD vào Sky Mavis hồi tháng 4/2022.
Một thương vụ đầu tư khác cũng tương đối lớn là Quỹ đầu tư tư nhân châu Á Quadria Capital thông báo rót 90 triệu USD vào thương hiệu mẹ và bé Con Cưng hồi đầu năm nay.
Hoặc như OnPoint, công ty cung cấp các giải pháp hỗ trợ phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam vừa công bố huy động được 50 triệu USD từ SeaTown Private Capital Master Fund. Cùng trong lĩnh vực thương mại điện tử, hồi tháng 2, công ty thương mại điện tử xuyên biên giới OpenCommerce Group huy động 7 triệu USD trong vòng gọi vốn Series A được dẫn dắt bởi kỳ lân VNG cùng sự tham gia của quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures.
Bên cạnh đó, có một số thương vụ gọi vốn vài chục triệu USD cũng được công bố gần đây như Finhay huy động 25 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B được dẫn dắt bởi Openspace Ventures. Hồi tháng 5, start-up Entobel thông báo hoàn thành đợt gọi vốn 30 triệu USD từ quỹ Mekong Enterprise Fund IV và Dragon Capital. Hoặc như ngân hàng số Timo đã công bố huy động được 20 triệu USD trong vòng gọi vốn mới, dẫn đầu bởi Square Peg.
Ngoài lĩnh vực thương mại điện tử, tiền điện tử, công nghệ tài chính ngân hàng, một số start-up ở các lĩnh vực tiềm năng khác như y tế, sức khỏe cũng đã gọi vốn thành công từ đầu năm đến nay. Đơn cử như đầu tháng 3, Jio Health - start-up trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe hoàn tất vòng gọi vốn series B trị giá 20 triệu USD do quỹ đầu tư Heritas Capital dẫn đầu. POC Pharma- nền tảng SaaS trong lĩnh vực dược phẩm gọi được 10,3 triệu USD trong vòng Series A do quỹ Alven dẫn đầu…
CHU KỲ SUY THOÁI, DÒNG VỐN ĐẦU TƯ VÀO START-UP KHÓ KHĂN
Quan sát nguồn vốn đầu tư vào thị trường start-up Việt từ đầu năm đến nay, một số chuyên gia lĩnh vực khẳng định, thị trường vẫn có sự hưng phấn nhất định theo đà tích cực từ cuối năm 2021. Tuy nhiên, trong mảng đầu tư nói chung có độ trễ nhất định.
Trao đổi với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, bà Lê Hàn Tuệ Lâm, Giám đốc đại diện của Quỹ Nextrans (Hàn Quốc) tại Việt Nam, cho rằng những số liệu thương vụ đầu tư lớn từ 50-70 triệu USD được công bố ra thị trường quý 1, thậm chí cả quý 2 năm 2022 có thể đa phần đã là những con số của cuối năm 2021. Bà Lâm phân tích, những thương vụ lớn từ 5-10 triệu USD thông thường phải mất thời gian từ 6 tháng đến 1 năm mới hoàn thành nên thời điểm nhà đầu tư quyết định rót vốn đã diễn ra từ năm ngoái và đến nay mới xuống tiền.
Trong 6 tháng đầu năm, dòng vốn đổ vào có thể vẫn tương đương với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, trong 6 tháng cuối năm, thị trường sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.
Dự báo trong 1-2 năm tới sẽ chứng kiến sự sụt giảm nhất định của thị trường. So sánh 6 tháng đầu năm 2022 với cùng kỳ năm trước ở các thị trường lớn, dòng vốn đầu tư cho start-up đã giảm khá nhiều.
Theo bà Lâm, nguyên nhân là do hiện nay tình hình thị trường thế giới đã chứng kiến sự điều chỉnh đáng kể, đặc biệt là thị trường các cổ phiếu công nghệ của Mỹ đã giảm, trong đó có những cổ phiếu rất “hot” trong 2- 3 năm qua đã giảm đến 50- 70%, nên các thị trường khác cũng sẽ có diễn biến tương tự.
Vì vậy, dự báo trong 1-2 năm tới sẽ chứng kiến sự sụt giảm nhất định của thị trường. So sánh 6 tháng đầu năm 2022 với cùng kỳ năm trước ở các thị trường lớn, dòng vốn đầu tư cho start-up đã giảm khá nhiều.
Riêng những thị trường mới nổi như Việt Nam, độ trễ có thể sẽ lâu hơn. Với những diễn biến như trên, bà Lâm nhận định, trong năm 2022, dòng vốn đầu tư thực tế vào thị trường start-up có thể sẽ không cao.
Tổng mức đầu tư vào khởi nghiệp trong năm 2022 có thể sẽ suy giảm so với năm 2021. Đáng quan ngại là đà giảm sẽ tiếp tục diễn ra trong năm tiếp theo chứ không chỉ ở năm 2022. Do đó, “trong năm 2022, chỉ cần duy trì được mức vốn đầu tư vào khởi nghiệp như năm 2021 đã là một thành công của Việt Nam”, bà Lâm nói.
Một số chuyên gia cho rằng dòng tiền đầu tư vào start-up sẽ không dễ dàng nữa. Những thương vụ nhận đầu tư 100-200 triệu USD sẽ rất ít, không còn phổ biến như trước đây.
THỊ TRƯỜNG VẪN TIỀM NĂNG VÀ NHIỀU ROOM TĂNG TRƯỞNG
Mặc dù chịu tác động bởi những khó khăn chung, Việt Nam vẫn được đánh giá là một trong những thị trường tiềm năng trong khu vực, còn nhiều room tăng trưởng, vẫn sẽ hút được dòng tiền và sự quan tâm từ các nhà đầu tư với những start-up chất lượng tốt trong các lĩnh vực. Thậm chí, một số dự báo gần đây kỳ vọng vốn đầu tư khởi nghiệp Việt Nam năm 2022 có thể đạt xấp xỉ 2 tỷ USD.
Năm 2021, năm lĩnh vực khởi nghiệp hàng đầu thu hút được nguồn vốn lớn nhất là công nghệ tài chính, hay “fintech” (26,6%); thương mại điện tử (20,3%); công nghệ giáo dục, hoặc “edtech” (17,2%); công nghệ y tế, hay “healthtech” (7,8%); và phần mềm dịch vụ (6,3%).
Một số báo cáo gần đây đánh giá Việt Nam là “ngôi sao đang lên” của khu vực và sẽ trở thành quốc gia có hệ sinh thái khởi nghiệp lớn thứ 3 Đông Nam Á vào năm 2022 với thêm nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm trong khu vực cam kết rót vốn đầu tư giai đoạn đầu vào các công ty khởi nghiệp tại đây. Báo cáo Đổi mới sáng tạo và Đầu tư công nghệ Việt Nam do Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia và quỹ đầu tư Do Ventures công bố cách đây không lâu cũng cho biết Việt Nam đứng thứ 3 Đông Nam Á (sau Singapore và Indonesia) về cả số lượng đầu tư và giá trị vốn đầu tư vào khởi nghiệp.
Còn HSBC và KPMG cũng đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia có môi trường khởi nghiệp năng động bậc nhất châu Á, với số công ty khởi nghiệp tăng gấp đôi sau Covid-19. Báo cáo “Những người khổng lồ mới nổi ở châu Á- Thái Bình Dương 2022” của 2 đơn vị này vừa công bố hé lộ những kỳ lân tiềm năng và đánh giá tình hình khởi nghiệp của khu vực. Báo cáo cho biết thời điểm đại dịch Covid-19 xuất hiện, Việt Nam chỉ có 1.600 doanh nghiệp khởi nghiệp, nhưng con số này giờ đây đã tăng lên hơn 3.000, trong đó có 4 “kỳ lân” là VNG, VNPay, Sky Mavis và MoMo.
Tại Việt Nam, hai đơn vị này xếp hạng 10 “người khổng lồ mới nổi” gồm Propzy, Sipher, Sendo, Jio Health, Clevai, CoolMate, EveHR, Lozi, VUI, HomeBase.
Nhìn vào danh sách 10 start-up đang lên, có thể thấy sự hiện diện trải đều của các lĩnh vực công nghệ từ tiền điện tử, thương mại điện tử, đến y tế, giáo dục, fintech và bất động sản… Trong đó có một số startup vừa được các quỹ đầu tư rót vốn như Jio Health, VUI… Sự tiến triển của các công ty khởi nghiệp tại Việt Nam sẽ góp phần tạo ra các “Kỳ lân” công nghệ mới của châu Á-Thái Bình Dương.
Đánh giá về tiềm năng thị trường, ông Cris D. Trần, Giám đốc điều hành Quỹ khởi nghiệp quốc gia Việt Nam cho rằng, riêng startup ở lĩnh vực Blockchain, Việt Nam đang vượt trội hẳn so với những nước khác. Thị trường và start-up Việt Nam rất nhạy bén, bắt nhịp rất nhanh các xu hướng công nghệ mới tiềm năng, hấp dẫn như Blockchain với dòng tiền đổ vào rất lớn và nhanh hơn các lĩnh vực khác. Đây được coi là một lợi thế lớn với cả lĩnh vực start-up ở Việt Nam. Chuyên gia này dự báo xác suất các kỳ lân tiếp theo nằm trong ngành công nghệ Blockchain ở Việt Nam sẽ rất cao nếu các start-up vượt qua giai đoạn khó khăn này và trụ vững trên thị trường.