Nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã đạt gần 31,4 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2024, với FDI giải ngân ước tính khoảng 21,7 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023. Điều này đã giúp Việt Nam ghi tên vào top 15 quốc gia đang phát triển thu hút nhiều FDI nhất thế giới.
Trong đó, Bắc Ninh là tỉnh thành dẫn đầu cả nước với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 5,04 tỷ USD, chiếm 16% tổng vốn đầu tư cả nước, tăng hơn ba lần so với cùng kỳ năm 2023. Quảng Ninh xếp thứ hai với 2,29 tỷ USD vốn đăng ký, tiếp theo là Thành phố Hồ Chí Minh với 2,28 tỷ USD, theo sau là Hải Phòng, Hà Nội và Bình Dương.
Nguồn vốn FDI trong năm 2024 phần lớn tập trung vào các ngành có giá trị cao như điện tử, chất bán dẫn và công nghệ xanh. Các chuyên gia dự đoán xu hướng này có khả năng sẽ tiếp tục trong năm nay.
Một số sự kiện hợp tác công nghệ đáng chú ý trong năm 2024 có thể kể đến như thỏa thuận thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Việt Nam và Trung tâm Dữ liệu Trí tuệ nhân tạo (AI) giữa Chính phủ và nhà sản xuất chip hàng đầu của Mỹ, NVIDIA tại Việt Nam. Đây là cột mốc quan trọng đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm nghiên cứu và phát triển AI hàng đầu châu Á và thứ ba trên toàn cầu, sau Hoa Kỳ và Đài Loan.
Tháng 8 năm ngoái, Công ty cổ phần Signetics đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn CNCTech để việc triển khai Dự án Nhà máy bán dẫn tại tỉnh Vĩnh Phúc. Dự án này dự kiến có quy mô diện tích trên 50.000 m2 tại Khu công nghiệp Bá Thiện - Phân khu I (tại huyện Bình Xuyên) và tổng mức đầu tư lên tới hơn 100 triệu USD.
Tháng 11/2024, nhà cung cấp thiết bị điện tử cho Apple, Foxconn, đã công bố khoản đầu tư 80 triệu USD vào sản xuất chip tại tỉnh Bắc Giang. Meta cũng có kế hoạch mở rộng sản xuất thiết bị thực tế ảo tại Bắc Giang. Cùng thời điểm, LG Innotek cũng đầu tư khoảng 255 triệu USD để mở rộng chi nhánh sản xuất tại Hải Phòng.
Phó chủ tịch cấp cao phụ trách các vấn đề kinh doanh và chính phủ toàn cầu của SpaceX, Tim Hughes, khi gặp lãnh đạo cấp cao của Việt Nam trong năm 2024, cũng cho biết nhà cung cấp tàu vũ trụ của Mỹ có kế hoạch đầu tư 1,5 tỷ USD vào Việt Nam vào năm nay.
Mặc dù nguồn vốn FDI gia tăng, mang đến không ít cơ hội, các chuyên gia kinh tế cũng nhấn mạnh cần thận trọng trong chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế.
Theo ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Chiến lược Thương hiệu và Năng lực Cạnh tranh, Việt Nam càng hội nhập sâu vào thị trường toàn cầu thì áp lực kiện tụng phòng vệ thương mại càng lớn. Trong đó, cần chú ý các hoạt động gian lận thương mại, lợi dụng Việt Nam làm điểm trung chuyển hàng hóa xuất khẩu để tránh thuế quan.
Do đó, ông Võ Trí Thành đặc biệt lưu ý hai vấn đề quan trọng khi thu hút FDI.
Thứ nhất, các địa phương đang cạnh tranh thu hút FDI cần xem xét kỹ lưỡng các dự án gây ô nhiễm môi trường hoặc không đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn và môi trường.
Thứ hai, thẩm định kỹ lưỡng với các dự án nhỏ, vốn đầu tư ít, chủ yếu sản xuất giai đoạn cuối nhằm lợi dụng Việt Nam làm bàn đạp xuất khẩu.
Trước đó, chia sẻ với VnEconomy, nhiều chuyên gia cho rằng từ thực tiễn dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam trong thời gian qua, có thể thấy đã xuất hiện xu thế mới, theo đó vốn FDI tập trung vào các lĩnh vực công nghệ xanh, sạch và đi vào những lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao như sản xuất chip, chất bán dẫn. Đây chính là những điểm tích cực của dòng vốn FDI vào Việt Nam trong những năm gần đây.
Theo các chuyên gia, những dấu hiệu trên cũng đặt ra cho Việt Nam những yêu cầu mới về vấn đề nhân sự trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn, đòi hỏi phải có giải pháp thích ứng để hấp thụ dòng vốn đầu tư chất lượng cao từ các tập đoàn nước ngoài.