Đồng USD và đồng Euro tăng giá trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (24/7), trong khi đồng Yên chật vật, trong bối cảnh nhà đầu tư chờ đợi các cuộc họp chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn trong tuần này. Khả năng Mỹ và châu Âu tiếp tục tăng lãi suất đang hỗ trợ cho tỷ giá USD và Euro, trong khi khả năng Nhật Bản giữ nguyên chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo đặt ra áp lực đối với Yên.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài 2 ngày vào ngày thứ Tư. Tiếp đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ họp vào ngày thứ Năm, và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) họp trong hai ngày thứ Năm và thứ Sáu.
Đồng Yên đã phục hồi mạnh từ đầu tháng 7 này sau khi trở thành một trong những đồng tiền châu Á mất giá mạnh nhất kể từ đầu năm. Nhưng mấy phiên gần đây, đồng Yên lại rớt giá sau khi các hãng tin và tờ báo lớn đưa tin rằng BOJ nghiêng về khả năng giữ nguyên chính sách kiểm soát đường cong lợi suất (YCC). Càng đến gần ngày họp của BOJ, mức độ biến động tỷ giá đồng Yên càng tăng mạnh.
Phiên đầu tuần, Yên có thời điểm giảm giá về ngưỡng 141,45 Yên đổi 1 USD và 157,28 Yên đổi 1 Euro. Mức tỷ giá này của Yên so với Euro cách không xa mức đáy của 15 năm là 158,04 Yên/Euro thiết lập vào tuần trước. Tỷ giá Yên so với đồng Franc Thuỵ Sỹ cũng đang gần mức thấp kỷ lục thiết lập vào tuần trước.
Trong khi đó, Euro vững giá ở vùng 1,1121 USD đổi 1 Euro. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác chốt phiên ở mức hơn 101,3 điểm, đã tăng khoảng 1,4% trong vòng 5 phiên giao dịch trở lại đây.
“Tuần vừa rồi khiến thị trường tin vào một kịch bản hạ cánh mềm cho kinh tế Mỹ, nghĩa là khi Fed ngừng tăng lãi suất, lạm phát vẫn giảm đều và nền kinh tế không suy thoái. ECB cũng được cho là có thể sắp dừng tăng lãi suất rồi, trong khi suy thoái kỹ thuật ở Đức đã giảm bớt và tăng trưởng được duy trì ở một số nền kinh tế thành viên khác trong khối Eurozone. BOJ thì không có tín hiệu nào cho thấy sẽ điều chỉnh chính sách”, trưởng chiến lược của BNY Mellon, ông Bob Savage, nói với hãng tin Reuters.
Với tình hình như vậy, giới đầu tư đang kỳ vọng cả ECB và Fed cùng tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong tuần này, và điều quan trọng hơn mà thị trường tìm kiếm là tín hiệu từ hai ngân hàng trung ương về cuộc họp tháng 9. Thị trường đang nghiêng về khả năng ECB giữ quan điểm cứng rắn, trong khi sự xuống thang của lạm phát ở Mỹ có thể cho phép Fed phát tín hiệu dừng tăng lãi suất.
“Nếu BOJ điều chỉnh chương trình YCC, thị trường tài chính sẽ xem đó là sự khởi đầu của một chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ của Nhật Bản, cho dù BOJ có đưa ra lý lẽ là gì. Trong một kịch bản như vậy, chúng tôi cho rằng tỷ giá của Yên so với USD và so với Euro có thể tăng 2-4 Yên chỉ trong một ngày”, báo cáo của ngân hàng Commonwealth Bank of Australia nhận định.
Như vậy, trong ngắn hạn, đồng Yên đang chịu áp lực giảm giá vì thị trường tin Fed và ECB sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong tuần này còn BOJ giữ nguyên chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo. Nhưng nếu BOJ điều chỉnh YCC, thì Yên có thể sẽ tăng giá mạnh, bất chấp Fed và ECB tăng lãi suất.
Trong dài hạn hơn, khi Fed và ECB chuyển sang lập trường chính sách tiền tệ mềm mỏng hơn và BOJ rốt cục chuyển sang thắt chặt, đồng Yên sẽ có cơ hội chắc chắn hơn để tăng giá.
“Khi nhìn vào các cuộc khảo sát kinh tế toàn cầu hiện nay, có nhiều lý do để lạc quan về Mỹ hơn bất kỳ nền kinh tế nào, và điều này giúp USD mạnh lên. Nếu ‘so bó đũa chọn cột cờ’, kinh tế Mỹ chắc chắn là tốt nhất lúc này”, nhà phân tích Adam Button của ForexLive nhận định, lý giải về xu thế phục hồi của USD những ngày gần đây.
“Đang có một cảm giác bất an về những gì sắp đến từ BOJ”, ông Button nhận định.
Còn theo hãng tin Bloomberg, các nhà quản lý tài sản đã cắt giảm trạng thái bán không đồng Yên vì cho rằng BOJ sẽ xoay trục khỏi chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo tại một thời điểm nào đó trong năm nay.
Dữ liệu từ Uỷ ban Giao dịch hàng hoá tương lai Mỹ (CFTC) cho thấy trong 5 ngày tính đến ngày 18/7, các quỹ phòng hộ giảm đặt cược vào sự mất giá của Yên. Tương quan giữa quyền chọn mua và quyền chọn bán cho thấy các nhà giao dịch đang đặt cược đồng Yên sẽ tăng giá.
Chiến lược gia Takeshi Ishida của Resona Bank nói rằng Yên đang chịu áp lực mất giá ở thời điểm hiện tại, nhưng “các nhà giao dịch đang phòng hộ khả năng Yên tăng giá. Nhiều khả năng BOJ sẽ không thay đổi chính sách trong tuần này, nhưng nếu BOJ có động thái điều chỉnh chính sách, mức độ biến động của tỷ giá Yên sẽ rất lớn”.