Tỷ giá đồng Yên của Nhật Bản đã tăng vượt ngưỡng 140 Yên đổi 1 USD, do các nhà giao dịch tiền tệ và trái phiếu đặt cược rằng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) có thể sớm có một động thái dịch chuyển khỏi chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo.
Từ đầu tháng 7 tới nay, tỷ giá Yên so với USD tăng 3,5%, đạt 139,5 Yên đổi 1 USD trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (12/7). Với mức tăng này, đồng nội tệ của Nhật Bản đang trên đà hoàn tất tháng tăng mạnh nhất kể từ khi nhà chức trách nước này can thiệp vào thị trường tiền tệ hồi năm ngoái để hỗ trợ tỷ giá.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm có thời điểm tăng tới 0,02 điểm phần trăm trong phiên ngày thứ Tư, đạt 0,47%, mức cao nhất kể từ cuối tháng 4.
Áp lực mất giá đối với đồng Yên thời gian qua chủ yếu đến từ sự trái chiều chính sách tiền tệ giữa Nhật Bản và Mỹ: trong khi BOJ giữ chính sách siêu lỏng lẻo để kích thích lạm phát và tăng trưởng, Fed lại không ngừng thắt chặt để hạ nhiệt nền kinh tế và khống chế lạm phát.
“Đang có một mức độ bất an nhất định trên thị trường khi ngày càng đến gần cuộc họp của BOJ vào ngày 28/7”, chiến lược gia tiền tệ cấp cao Sean Callow của ngân hàng Westpac nhận định với tờ Financial Times. Ông Callow nói rằng bất kỳ sự điều chỉnh nào của BOJ đối với chính sách kiểm soát đường cong lợi suất (YCC) sẽ gây ra một “sự sụt giảm mạnh mẽ” của tỷ giá đồng USD so với Yên. Vị chiến lược gia nói thêm rằng “diễn biến tỷ giá gần đây phản ánh đang có nhiều nỗi lo sợ” trong tâm trí nhà đầu tư.
Trong một cuộc trao đổi với tờ báo Nikkei vào tuần trước, Phó thống đốc BOJ Shinichi Uchina nói rằng ngân hàng trung ương này đang tìm kiếm “một quyết định cân bằng về YCC, và cũng tính tới các vấn đề can thiệp tiền tệ và chức năng thị trường”. Phát biểu này khiến thị trường gia tăng kỳ vọng rằng BOJ sẽ điều chỉnh chính sách YCC.
Chính sách YCC được BOJ áp dụng từ năm 2016, theo đó BOJ can thiệp để giữ lợi suất trái phiếu kho bạc chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm - mốc tham chiếu của thị trường trái phiếu nước này - ở mức thấp.
Sau cuộc trả lời phỏng vấn của vị Phó thống đốc, các ngân hàng Morgan Stanley, MUFG và UBS đều nhận định rằng có khả năng BOJ sẽ tiếp tục nới lỏng mức trần mục tiêu của YCC, sau khi mức trần này đã được nâng lên mức 0,5% vào tháng 12 năm ngoái.
Xu thế tăng giá của đồng Yên duy trì sang phiên giao dịch ngày 13/7, với tỷ giá Yên so với USD tăng 0,3%, đạt 138,16 Yên đổi 1 USD, mức cao nhất kể từ giữa tháng 5. Chỉ trong 5 phiên giao dịch, đồng Yên đã tăng giá 4,8%, và các nhà bán khống đồng Yên đang đua nhau đóng trạng thái - hãng tin Reuters cho hay.
Ngoài kỳ vọng vào sự dịch chuyển chính sách của BOJ, đồng Yên - cũng như các đồng tiền chủ chốt khác - còn đang được nâng đỡ bởi kỳ vọng rằng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã gần đỉnh. Kỳ vọng này được củng cố sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo lạm phát tháng 6 vào ngày thứ Tư. Theo báo cáo, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ, bao gồm cả chỉ số toàn phần và chỉ số lõi, tính theo năm và tính theo tháng, đều có mức tăng ít hơn so với dự báo.
Sau khi Fed tạm dừng tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 6, thị trường đang đặt cược khả năng hơn 92% Fed tăng lãi suất trong cuộc họp vào cuối tháng này - theo dữ liệu từ công cụ FedWatch của sàn giao dịch CME Group. Một số nhà đầu tư và chuyên gia tin rằng Fed sẽ chỉ tăng lãi suất một lần này nữa, thay vì tăng thêm 2 lần trong năm 2023 như dự báo mà Fed đưa ra hồi tháng 6.
Áp lực mất giá đối với đồng Yên thời gian qua chủ yếu đến từ sự trái chiều chính sách tiền tệ giữa Nhật Bản và Mỹ: trong khi BOJ giữ chính sách siêu lỏng lẻo để kích thích lạm phát và tăng trưởng, Fed lại không ngừng thắt chặt để hạ nhiệt nền kinh tế và khống chế lạm phát. Bởi vậy, kỳ vọng rằng BOJ có thể điều chỉnh chính sách theo hướng thắt lại, trong khi lãi suất ở Mỹ có thể không tăng thêm nhiều nữa đã mở ra cánh cửa hồi phục cho đồng Yên.
Đợt tăng giá đồng Yên trong tháng 7 này đã lấy lại toàn bộ phần mất mát khi đồng Yên trượt giá mạnh trong tháng 6 - khi đồng tiền của Nhật Bản giảm quá mốc 145 Yên đổi 1 USD và trượt gần về mốc 150 Yên đổi 1 USD. Mốc 150 là ngưỡng tỷ giá khiến BOJ đi đến quyết định can thiệp vào thị trường tiền tệ bằng cách bán ra 65 tỷ USD vào tháng 10 năm ngoái.
Sau đợt can thiệp năm ngoái của BOJ, đồng Yên đã có 3 tháng hồi phục. Tiếp đó, niềm tin vào tỷ giá đồng tiền này lại lung lay, dẫn tới những đồn đoán rằng BOJ có thể lại can thiệp lần nữa.
Như đề cập ở trên, các chiến lược gia tiền tệ nói rằng những phiên phục hồi mạnh mẽ gần đây của đồng Yên chủ yếu do kỳ vọng rằng BOJ sẽ điều chỉnh chính sách, cũng như những đồn đoán rằng chu kỳ thắt chặt của Fed đang đi vào hồi kết.
“Cả các quỹ phòng hộ và các nhà quản lý tài sản đều đã bán khống đồng Yên. Lúc này có vẻ là thời điểm hợp lý để đóng trạng thái, chốt lời”, chiến lược gia Callow của Westpac nói.
Trong trường hợp BOJ không điều chỉnh chính sách YCC như kỳ vọng của thị trường, đồng Yên có thể lại giảm về vùng 140-145 Yên đổi 1 USD - theo chiến lược gia Kenta Tadaide của Daiwa Securities. Theo ông Tadaide, ở ngưỡng tỷ giá đó, giới đầu tư sẽ lại thận trọng vì khả năng nhà chức trách Nhật Bản can thiệp vào thị trường để bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ.