Công ty quản lý quỹ đầu tư trái phiếu khổng lồ Vanguard cho rằng đồng yên Nhật Bản đang đối mặt nguy cơ giảm về mức 170 yên đổi 1 USD nếu thay đổi chính sách tiền tệ mà Ngân hàng Trung ương Nhật (BOJ) dự kiến đưa ra trong tháng 7 này không đủ để đưa lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật tăng.
Mức tỷ giá đó sẽ là một dấu mốc mới trong xu hướng mất giá kéo dài của đồng yên, sau khi đồng tiền này giảm quá mốc 161 yên đổi 1 USD trong những ngày gần đây - thấp nhất kể từ năm 1986. Từ đầu năm tới nay, yên Nhật đã giảm giá hơn 12%, gây áp lực đòi Bộ Tài chính Nhật Bản phải can thiệp bằng cách bán ngoại tệ và đòi hỏi BOJ cắt giảm chương trình mua trái phiếu chính phủ khổng lồ - một trụ cột trong chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo của nước này.
Một khi BOJ giảm mua vào trái phiếu, lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật nhiều khả năng sẽ tăng lên, qua đó thu hút dòng vốn đầu tư chảy vào thị trường trái phiếu chính phủ nước này và vào đồng yên. BOJ đã cam kết sẽ công bố chi tiết kế hoạch cắt giảm chương trình mua trái phiếu trong cuộc họp vào ngày 31/7, nhưng nếu lượng cắt giảm chỉ ở mức nhỏ, thị trường sẽ thất vọng - theo ông Ales Koutny, trưởng bộ phận lãi suất quốc tế tại Vanguard, công ty đang quản lý lượng tài sản 1,7 nghìn tỷ USD.
Hiện tại, BOJ đang mua vào trái phiéu chính phủ với khối lượng mua 6 nghìn tỷ yên, tương đương 37 tỷ USD mỗi tháng.
“Nếu tại cuộc họp tháng 7, BOJ chỉ giảm lượng mua trái phiếu chính phủ Nhật hàng tháng xuống còn 5,5 nghìn tỷ yên hoặc 5 nghìn tỷ yên, thị trường có thể đẩy tỷ giá đồng yên giảm về ngưỡng 170 yên/USD”, ông Koutny nhận định trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg. Không chỉ ông Koutny mà nhiều nhà đầu tư khác cũng đang dự báo đồng yên sẽ giảm giá tới mức như vậy.
Kỳ vọng về việc BOJ giảm chương trình mua trái phiếu chính phủ Nhật và nâng lãi suất đã giúp nâng lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật trong năm nay, đưa lợi suất của kỳ hạn 10 năm tăng khoảng 0,4 điểm phần trăm lên mức hơn 1%.
Tuy nhiên, khả năng các bước bình thường hóa chính sách tiền tệ tiếp theo của BOJ sẽ diễn ra chậm chạp đang là nguyên nhân khiến lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật tiếp tục bị ghìm ở mức thấp hơn nhiều so với lợi suất trái phiếu chính phủ các nền kinh tế lớn khác. Đây cũng là một nguyên nhân quan trọng đẩy tỷ giá đồng yên tiếp tục trượt dốc.
Điều này khiến cuộc họp sắp tới của BOJ càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết - ông Koutny nhận định và cho rằng BOJ nên hành động quyết liệt trong việc giảm chương trình mua trái phiếu và tăng lãi suất thêm lần nữa. Dù vậy, trong một cuộc khảo sát của hãng tin Bloomberg, chỉ 1/3 số chuyên gia kinh tế dự báo BOJ sẽ đưa ra hai động thái như vậy cùng lúc.
“Nếu họ gây thất vọng ở một trong hai phương diện này, tỷ giá đồng yên so với USD chỉ có thể đi theo một hướng”, ông Koutny phát biểu. Ông cũng cho rằng việc Nhật Bản điều chỉnh chính sách mua trái phiếu có thể ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu nhiều hơn so với thay đổi tương tự ở châu Âu và Mỹ, nơi việc giảm chương trình mua trái phiếu không thu hút quá nhiều sự chú ý.
Nguyên nhân nằm ở việc BOJ nắm khoảng một nửa số trái phiếu chính phủ đang lưu hành của Nhật Bản, với mức nắm giữ khoảng 584 nghìn tỷ yên. Với mức nắm giữ lớn như vậy, sự rút lui của BOJ trên thị trường trái phiếu chính phủ Nhật có thể sẽ đẩy lợi suất trên thị trường này tăng nhanh và thu hút nhà đầu tư nhảy vào mua. Ông Koutny dự báo lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật kỳ hạn 10 năm có thể đạt ít nhất 1,5%, từ mức khoảng 1,06% hiện nay.
“Tôi cho rằng chúng ta sẽ phải ngạc nhiên về mức độ ảnh hưởng của việc BOJ giảm mua trái phiếu. Nhưng quan trọng hơn, việc đó rốt cục sẽ hỗ trợ tỷ giá đồng yên một cách thực sự. Sẽ đến lúc trái phiếu chính phủ Nhật hút vốn mạnh từ giới đầu tư”, ông Koutny nói.
Trong lúc thị trường chờ một sự dịch chuyển chính sách từ BOJ, một mối quan tâm trước mắt của nhà đầu tư là liệu Tokyo có can thiệp vào thị trường ngoại hối lần nữa để bảo vệ tỷ giá đồng yên.
Phiên ngày thứ Hai, yên giảm giá xuống mức 161,72 yên đổi 1 USD, mức thấp nhất gần 38 năm. Sáng nay (2/7), tỷ giá yên có lúc hồi về 161,55 yên đổi 1 USD.
Đợt can thiệp hồi cuối tháng 4 đầu tháng 5 hầu như chỉ có tác dụng làm chậm đà mất giá của đồng yên, thay vì đưa tỷ giá đồng tiền này phục hồi một cách bền vững. Ông Koutny cho rằng việc can thiệp lần nữa sẽ không có nhiều tác dụng trong việc cắt đà giảm giá của yên, vì ngưỡng để can thiệp thành công là rất cao chừng nào chưa được hậu thuẫn bởi các biện pháp thắt chặt tiền tệ.
Bởi vậy, nhà đầu tư này dự báo đồng yên sẽ dễ dàng mất giá trở lại sau một cuộc can thiệp. “Nếu can thiệp mà không đi kèm với tăng mạnh lãi suất hoặc lời hứa nâng lãi suất và thắt chặt định lượng, thì mỗi lần can thiệp sẽ chỉ là một cơ hội để dùng yên mua USD”, ông Koutny nhận định.