Thị trường bất ngờ thay đổi chóng mặt trong phiên chiều, “điểm nổ” là giao dịch ở cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thường VCB. Không chỉ là sức mạnh của vốn hóa, diễn biến này còn lan tỏa sang nhiều mã ngân hàng khác, kéo theo số lớn cổ phiếu cũng tăng mạnh. VN-Index chốt phiên ở đỉnh cao nhất ngày, tăng 1,38% đạt 1.254,55 điểm, vượt qua mức đóng cửa tại đỉnh cao năm 2023.
Diễn biến giao dịch của VCB cực kỳ bất ngờ, chốt phiên sáng giá mới tham chiếu và thanh khoản nhỏ không có gì hứa hẹn một phiên chiều bùng nổ. Ngay khi mở cửa trở lại VCB đã xuất hiện lực cầu dữ dội kéo giá lên. Chỉ trong 30 phút cổ phiếu bay tăng dựng đứng từ tham chiếu lên kịch trần.
Thay đổi này quá nhanh và tâm lý nghi ngờ vẫn còn rất lớn, độ rộng thị trường phản ánh rõ sự ngần ngại quan sát của nhà đầu tư. Chốt phiên sáng VN-Index có 238 mã tăng/200 mã giảm. Lúc VCB tăng cực mạnh và kéo chỉ số lên thì tới 1h30 vẫn chỉ có 223 mã tăng/250 mã giảm, tức là cổ phiếu thậm chí suy yếu hơn.
Tuy nhiên thời gian còn lại, VCB bắt đầu kích thích các cổ phiếu ngân hàng khác mạnh dần lên. Tất cả các mã nhóm này trong rổ VN30 đều cải thiện giá và tiếp tục duy trì đà tăng đến hết phiên: BID đảo chiều 2,67% so với giá chốt buổi sáng, thành tăng so với tham chiếu 1,7% lúc đóng cửa. TPB bay cao tới 4,44% chốt phiên, tức là riêng chiều nay đã có thêm 4,17% điểm tăng nữa. VPB cũng lên cao thêm 1,53%, chung cuộc tăng 2,84%. Thậm chí yếu như CTG – sáng nay giảm sâu nhất nhóm khi để mất 1,11% - thì đóng cửa cũng chỉ còn giảm 0,55% so với tham chiếu… Điểm số có được nhiều khiến tâm lý giao dịch tốt lên đáng kể. HoSE đóng cửa với 309 mã tăng/180 mã giảm.
VCB hôm nay chính thức có đỉnh cao lịch sử mới và trên 89% thanh khoản dồn vào phiên chiều, thể hiện nỗ lực đẩy giá rất quyết liệt. Tổng giao dịch của mã này hôm nay đạt gần 4,22 triệu cổ trị giá 401,5 tỷ đồng. Đây cũng là ngưỡng thanh khoản chưa từng có.
Rổ VN30 so với phiên sáng chỉ có 6 mã tụt giá là GAS, GVR, PLX, POW, VIC và VJC, còn lại đều tăng cao hơn. 9 cổ phiếu đã tăng thêm hơn 1% riêng buổi chiều, tập trung nhiều vào cổ phiếu ngân hàng, ngoài ra có FPT, HPG, VRE. VN30-Index đóng cửa cũng tăng 1,4% so với tham chiếu, độ rộng chỉ sót lại 2 mã đỏ là CTG và VJC.
Mức tăng 17,09 điểm của VN-Index có ảnh hưởng từ cổ phiếu ngân hàng khá nhiều, nhất là VCB. Ngoài trụ lớn nhất thị trường này, BID tăng 1,7% và VPB tăng 2,84% cũng là những mã dẫn điểm. Chỉ 3 cổ phiếu này đã đem lại hơn 11 điểm, riêng VCB là 8,7 điểm. Trong 10 cổ phiếu kéo điểm khỏe nhất thì còn có TPB, ACB và HDB cũng thuộc nhóm ngân hàng.
Độ rộng rất tốt lúc đóng cửa đi cùng với VN-Index tăng mạnh và chốt tại đỉnh cao nhất ngày cho thấy lực cầu chủ động hoàn toàn lấn át. Mặc dù diễn biến số mã tăng/giảm cũng thể hiện tính chất “ăn theo” khá nhiều, tức là cổ phiếu chạy sau khi nhóm trụ kéo điểm, nhưng việc lan tỏa rộng rãi cũng phản ánh tâm lý đã được kích động.
Dù vậy cũng phải lưu ý rằng thị trường hôm nay tăng mạnh nhưng giá cổ phiếu không nóng. Trong 309 mã tăng thì chỉ 87 mã tăng trên 1%, với 50 mã tăng trên 2%. Số mã kịch trần là 6. Nhóm Midcap thậm chí tăng yếu 0,3%, Smallcap tăng 0,35%. Như vậy không phải cổ phiếu nào cũng được hưởng lợi từ sự bùng phát chiều nay. Thậm chí trong 180 mã đỏ thì cũng có 55 mã giảm hơn 1%.
VN-Index chốt phiên hôm nay đã vượt qua đỉnh cao nhất 2023 tính theo giá đóng cửa (đỉnh là 1.245,5 điểm ngày 6/9/2023). Nếu tính theo biên độ thì phiên này vẫn chưa vượt một cách rõ ràng, mức cao nhất chỉ số đạt tới trong phiên ngày 7/9/2023 là 1.255,11 điểm, vẫn cao hơn phiên hôm nay (1.254,55 điểm). Phiên hôm nay cũng có sức mạnh bất ngờ của VCB, còn các cổ phiếu blue-chips khác không đột biến. Vì vậy khả năng bùng nổ thật sự của VN-Index vẫn phải trông chờ vào khả năng duy trì sức mạnh ở VCB, hoặc các mã lớn khác tăng theo trong những phiên tới.