Lúa gạo Việt Nam đã có nhiều lợi thế khi đứng trong nhóm các nước xuất khẩu gạo lớn nhất trên thế giới. Tuy nhiên, nhìn ở lâu dài, ngành sản xuất lúa gạo đang có quá nhiều kẽ hở, ảnh hưởng đến phát triển bền vững.
Cơ hội và thách thức của ngành lúa gạo Việt Nam trong bối cảnh mới như thế nào là điều mà cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp, người nông dân đều mong muốn kiểm soát được. Câu chuyện này đã được các chuyên gia, doanh nghiệp bàn thảo sâu tại Hội thảo phát triển chuỗi lúa gạo 2019, chủ đề: "Đột phá công nghệ nâng cao chất lượng tăng hiệu quả trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo" diễn ra ngày 19/9/2019, tại thành phố Cần Thơ, do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức.
Các diễn giả trong phiên thảo luận.
Nhiều đại diện các cơ quan Bộ ngành, doanh nghiệp tham dự hội thảo
Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng, để phân tích các thách thức cần có sự phối hợp và cập nhật thông tin về tình hình thị trường, xu hướng, năng lực sản xuất, điều phối hoạt động sản xuất và xúc tiến thị trường.
Như đánh giá của ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Intimex Group, ngành gạo Việt đã phát triển quá nhanh. Thời gian qua, Chính phủ đã nỗ lực có nhiều chính sách để cho ngành gạo phát triển.
Song, các doanh nghiệp cũng thừa nhận rằng, Chính phủ đã làm nhiều giải pháp để thị trường lúa gạo nhưng câu chuyện là vẫn thiếu bàn tay của người nông dân vào thực hiện mục tiêu của Chính phủ? Thực tế, khoảng cách giữa nhà nông và Chính phủ còn khá rộng. Tức là, chủ trương phát triển và sản xuất vẫn là hai đường thẳng song song.
Nghịch lý của thị trường lúa gạo Việt hiện tại chính là tồn đọng câu chuyện giá gạo quá thấp nên ảnh hưởng đến đời sống người dân trồng lúa. Như ý kiến của bà Hoàng Anh, Trưởng điều phối dự án tập đoàn Phoenix, nên tổ chức cho nông dân tham gia vào các công ty kinh doanh và sản xuất lúa gạo, tham gia vào để bắt kịp thị trường, đường đi của sản phẩm gạo như thế nào để mọi người có thể điều chỉnh quá trình sản xuất phù hợp.
Thêm vào đó, một hạn chế của người nông dân là tuổi tác khá cao, khả năng thích ứng với khoa học kỹ thuật bị hạn chế. vì vậy, việc thay đổi phương thức sản xuất không phải dễ dàng cần có phương án để tương tác.
Theo Phó chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam, cần phải chọn những loại gạo có nhu cầu cao, đáp ứng được tiêu chuẩn để sản xuất cung ứng cho thị trường.
Gạo chất lượng thì giá bán sẽ cao hơn, nhưng nhìn vào nguồn thu của ngành gạo Việt Nam trong 8 tháng 2019 vừa qua, dù xuất 4,53 triệu tấn nhưng thu về chưa tới 2 tỷ USD, tức là chất lượng gạo của Việt Nam vẫn còn bị xếp vào nhóm gạo giá thấp trên thị trường, bà Hoàng Anh, Trưởng điều phối dự án tập đoàn Phoenix, nhấn mạnh.
Nhu cầu về chất lượng gạo của thị trường ngày càng thay đổi theo hướng bên cạnh mẫu mã đẹp, ngon còn đòi hỏi về tính an toàn vệ sinh. Trong khi đó, việc truy xuất nguồn gốc lại là vấn đề mà ngành gạo vẫn còn nhiều khó khăn. Cũng một giống gạo nhưng sản xuất ở những vùng đất khác nhau thì sẽ cho chất lượng khác nhau. Do vậy, để thực hiện việc xác định chất lượng gạo thì ngành lúa gạo cần phải làm có tiêu chí.
Hiện tại, sản phẩm lúa gạo đang quá lệ thuộc vào vật tư đầu vào. Trong khi đó, biến đổi khí hậu đang tác động mạnh mẽ đến môi trường sống ở các vùng sản xuất lúa. Khi này, cả hoạt động sản xuất và chất lượng sản phẩm cũng chịu ảnh hưởng của xu thế môi trường. Một doanh nghiệp nhắc lại vụ mùa thu hoạch ở năm 2015 tại Đồng bằng sông Cửu Long giảm sản lượng lúa đến 1,3 triệu tấn vì hạn hán.
Chính vì vậy, mà Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, ông Trần Thanh Hải đã có câu hỏi rằng, biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nặng đến Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều ý kiến cho rằng do hạt lúa đem lại giá trị thấp quá nên cần giảm diện tích?
Tuy nhiên, ông Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long đã thông tin rằng, để thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu, nhiều chính sách về đề án để phát triển Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã được đề ra. Trong hoạt động sản xuất lúa, cũng đã có nhiều chuyển đổi. Cụ thể, khuyến cáo người nông dân không cố trồng lúa ở vùng nhiễm mặn. Thay vì trồng 3 vụ/năm thì đưa ra giải pháp là xen canh 1 vụ tôm, cá khi bị mặn xâm lấn.
Ngay trong tình hình xuất khẩu cũng có nhiều thay đổi về nhu cầu, giảm bớt lượng lúa xuất khẩu giá thấp, như vậy tính tính để tăng giống lúa có giá trị cao lên. Đến nay, giống lúa thơm cũng đã tăng 30% và lúa chất lượng cao thì chất lượng cũng được đánh giá vượt trội hơn, Viện trưởng Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long cho biết như vậy.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam cũng cho biết thêm, các doanh nghiệp cũng đã có nhiều hoạt động để cơ cấu sản phẩm trong xuất khẩu. Đơn cử như trong tình hình xuất khẩu gạo sang Trung Quốc giảm, các doanh nghiệp nỗ lực tiếp cận các thị trường mới để khai thác.
Như chia sẻ của ông Nguyễn Chánh Trung, Giám đốc điều hành mảng gạo và nhà máy gạo, Tập đoàn Tân Long, từ năm 2016, Tân Long đã có kế hoạch chuẩn bị từ khâu tìm hiểu thị trường và đặc ra thị trường mục tiêu để tiếp cận. Trong thời điểm thị trường nước ngoài có nhiều dịch chuyển thì doanh nghiệp cũng phải có kế hoạch chuyển sang hướng không chỉ kinh doanh lúa gạo mà phải có sự thay đổi cả trong tạo ra sản phẩm.
Cụ thể, Tân Long đã đi đặt hàng nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn của thị trường; hàng năm, tổ chức cho các nhà mua hàng đến kiểm tra chất lượng sản phẩm ngay tại vùng sản xuất. Bên cạnh đó, từ năm 2017 đến nay, Tân Long đã xúc tiến các chi nhánh văn phòng giao dịch tại các nước như ở Hàn Quốc, Philippines,…
Vừa qua, thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Châu Âu, Việt Nam cũng đã thỏa thuận được với EU việc xuất khẩu gạo và thị trường khu vực này hạn ngạch 80.000 tấn gạo mỗi năm với mức thuế 0%. Tuy nhiên, để nắm bắt được cơ hội này, các doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật.
Câu chuyện đáp ứng kỹ thuật ở các thị trường là xu hướng mà các doanh nghiệp cần chú trọng. Bởi lẽ, rào cản kỹ thuật đang là vấn đề lớn đặt ra cho ngành lúa gạo nói riêng và các sản phẩm nông nghiệp nói chung. Đáp ứng kỹ thuật không chỉ tiếp cận được thị trường mới mà còn là cơ hội bán được sản phẩm gạo giá thành cao.
Song, theo Viện trưởng Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, yếu điểm của ngành lúa gạo Việt Nam chính là truy xuất nguồn gốc, bởi trong đó liên quan tới việc sử dụng thực vật, quy trình canh tác, ý thức sản xuất,…
Nếu nói về cạnh tranh giống thì hiện Việt Nam cũng đã có 1 số giống lúa cạnh tranh tốt được với cả giống được đánh giá tốt của Campuchia nhưng chọn vùng nào để trồng là vấn đề, cần có sự tính toán.