May 25, 2023 | 08:03 GMT+7

Dow Jones giảm phiên thứ tư liên tiếp vì đàm phán trần nợ kéo dài, giá dầu tăng 2%

Bình Minh -

Dow Jones đã giảm 4 phiên không nghỉ, dưới sức ép từ cuộc khủng hoảng trần nợ chưa có giải pháp ở Washington DC...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (24/5), khi cuộc đàm phán trần nợ của nước này tiếp diễn mà không có một bước tiến nào. Giá dầu thô tăng 2% sau khi số liệu thống kê cho thấy lượng dầu tồn kho của Mỹ giảm và do lời cảnh báo của Saudi Arabia.

Lúc đóng cửa, Dow Jones giảm 255,59 điểm, tương đương giảm 0,77%, còn 37.799,92 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,73%, còn 4.115,24 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 0,61%, còn 12.484,16 điểm.

Dow Jones đã giảm 4 phiên không nghỉ, dưới sức ép từ cuộc khủng hoảng trần nợ chưa có giải pháp ở Washington DC. Cuộc đàm phán tưởng như đã có lúc rơi vào trì trệ vào ngày thứ Tư, nhưng ngay sau đó, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy cho biết các cuộc thảo luận đã được nối lại. Dù vậy, giới phân tích tin tưởng rằng trần nợ sẽ được nâng kịp thời và một vụ vỡ nợ của Chính phủ Mỹ sẽ không xảy ra.

“Trò chơi chính trị này đang đi tới giới hạn. Tôi cho rằng việc để cho xảy ra vỡ nợ là một điều quá sức tồi tệ đối với đồng USD, với trái phiếu kho bạc Mỹ, với thương hiệu và danh tiếng của nước Mỹ. Tôi nghĩ khả năng xảy ra điều đó là cực kỳ thấp”, CEO Bob Diamond của công ty Atlas Merchant nhận định trong một cuộc trao đổi với hãng tin CNBC.

Trong lúc nhà đầu tư mệt mỏi vì chờ kết quả đàm phán trần nợ, biên bản cuộc họp tháng 5 của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) công bố ngày thứ Tư cho thấy các nhà hoạch định chính sách của ngân hàng trung ương này còn chưa chắc chắn về đường đi sắp tới của lãi suất.

Biên bản cho thấy các quan chức Fed trong cuộc họp hôm 2-3/5 “nhìn chung nhất trí” rằng sự cần thiết tiếp tục tăng lãi suất “đã trở nên kém chắc chắn hơn”, một số vị nói đợt tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm mà họ vừa thông qua có thể là lần nâng cuối cùng trong chu kỳ thắt chặt này. Sự bấp bênh trong triển vọng lãi suất này khiến thị trường thêm phần lúng túng.

Sau khi thị trường đóng cửa, một tin xấu khác lại ập đến, khi tổ chức đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings đặt định hạng tín nhiệm AAA của Mỹ vào triển vọng “tiêu cực”, đồng nghĩa với việc Mỹ có khả năng bị tước mức điểm tín nhiệm cao nhất của Fitch nếu không xử lý kịp thời và đúng đắn vấn đề trần nợ.

Thời gian không còn nhiều để Tổng thống Joe Biden và ông McCarthy đạt thoả thuận nâng trần nợ, vì chỉ còn 8 ngày nữa là đến này 1/6 - thời điểm mà Bộ Tài chính cảnh báo là Chính phủ có thể hết tiền để trang trải các hoá đơn. Chưa kể, việc thông qua một dự luật nâng trần nợ tại Quốc hội Mỹ vốn có sự chia rẽ cao hiện nay có thể phải mất vài ngày.

Tình hình ở Mỹ cũng khiến giới đầu tư chứng khoán toàn cầu bất an. Chỉ số MSCI All Country World Index của chứng khoán thế giới giảm hơn 1% trong phiên ngày thứ Tư. Chỉ số Stoxx 600 của thị trường châu Âu giảm 1,8%, xuống mức thấp nhất 1 tháng rưỡi. Chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương giảm 1,1%.

Có một điều “trớ trêu” là rủi ro vỡ nợ của Chính phủ Mỹ lại đang thúc đẩy giới đầu tư mua trái phiếu kho bạc Mỹ và đồng USD - những tài sản vốn được coi là an toàn khi thị trường tài chính biến động.

Do giá trái phiếu tăng, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm nhẹ còn 3,7361%. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác tăng 0,33%, đạt 103,89 điểm, cao nhất 2 tháng.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 1,52 USD/thùng, tương đương tăng 2%, chốt ở 78,36 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 1,43 USD/thùng, tương đương tăng 2%, chốt ở 74,34 USD/thùng.

Báo cáo hàng tuần từ Cơ quan Thông tin năng lượng (EIA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy lượng dầu thô tồn kho của nước này bất ngờ giảm 12,5 triệu thùng trong tuần trước, còn 455,2 triệu thùng. Trước đó, giới phân tích dự báo rằng dự trữ này giảm 0,8 triệu thùng.

Dự trữ xăng giảm 2,1 triêu thùng, còn 216,3 triệu thùng. Dự trữ các sản phẩm chưng cất giảm 0,6 triệu thùng, còn 105,7 triệu thùng.

Ngày Tưởng niệm (Memorial Day) của Mỹ vào ngày 29/5 đánh dấu sự khởi đầu cho giai đoạn cao điểm của hoạt động du lịch hè ở nước này, đồng nghĩa nhu cầu tiêu thụ năng lượng tăng cao. “Các nhà máy lọc dầu chắc chắn đang hoạt động hết công suất để đáp ứng nhu cầu”, nhà phân tích Phil Flynn của Prices Futures Group nói với hãng tin Reuters.

Việc dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ giảm đã tạo ra lực hỗ trợ mạnh cho giá dầu. Ngoài ra, lời cảnh báo mà Bộ trưởng Bộ Năng lượng Saudi Arabia đưa ra hôm thứ Tư cũng đặt ra khả năng OPEC+ cắt giảm thêm sản lượng khai thác dầu, nhờ đó hỗ trợ thêm cho giá dầu. Vị Bộ trưởng cảnh báo các nhà bán khống dầu lửa - những người đặt cược vào sự giảm giá của dầu - là “hãy chờ xem”.

Lời cảnh báo này được xem là một tín hiệu rằng liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh gồm Nga có thể quyết định giảm thêm sản lượng trong cuộc họp diễn ra vào ngày 4/6.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate