July 02, 2025 | 08:12 GMT+7

Dow Jones tăng điểm nhờ dòng tiền chuyển hướng, giá dầu nhích lên trước cuộc họp OPEC+

Bình Minh -

Thị trường đang hy vọng Mỹ sẽ đạt được thỏa thuận thương mại với các đối tác, bởi thời gian 90 ngày tạm hoãn thuế đối ứng sẽ hết hạn vào tuần tới...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba (1/7) trong trạng thái không đồng nhất của các chỉ số, do nhà đầu tư dịch chuyển từ cổ phiếu công nghệ sang các cổ phiếu blue-chip khi bước sang quý mới. Giá dầu thô tăng nhẹ trong lúc thị trường chờ cuộc họp sản lượng của liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga.

Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 giảm 0,11%, còn 6.198,01 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 0,82%, còn 20.202,89 điểm. Chỉ số Dow Jones ngược chiều hai thước đo còn lại, ghi nhận mức tăng 400,17 điểm, tương đương tăng 0,91%, đạt 44.494,94 điểm.

Sau mấy phiên liên tiếp mua cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn, nhà đầu tư phiên này đã bán những cổ phiếu như Nvidia và Microsoft, thay vào đó mua cổ phiếu của các công ty chăm sóc y tế là thành viên của Dow Jones. Sự dịch chuyển này của dòng tiền đưa Amgen và UnitedHealth tăng hơn 4% mỗi cổ phiếu, còn Merck và Johnson & Johnson tăng tương ứng hơn 3% và khoảng 2%.

Do vậy, sau khi tăng gần 23% trong quý 2, quỹ cổ phiếu công nghệ The Technology Select Sector SPDR Fund đã giảm 0,9% trong phiên đầu tiên của quý 3.

“Trong hai tháng cuối của quý 2, tâm lý ham thích rủi ro của nhà đầu tư đã tăng cao. Họ thích mua những cổ phiếu có những động lực tăng trưởng mới mạnh mẽ như trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ. Nhưng bây giờ các giao dịch đó đang bị giảm động lực”, chiến lược gia Anthony Saglimbene của công ty Ameriprise nhận định với hãng tin CNBC.

Cổ phiếu hãng xe điện Tesla giảm 5% sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump - thông qua một bài đăng trên mạng xã hội Truth Social - nói rằng Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE) nên xem xét lại các khoản trợ cấp của Chính phủ Mỹ dành cho các công ty của tỷ phú Elon Musk.

Trước đó, vào cuối tuần, ông Musk lại lên tiếng chỉ trích dự luật cắt giảm thuế của ông Trump, gọi dự luật này là “điên rồ và mang tính hủy diệt”. Đây không phải là lần đầu tiên ông Trump và ông Musk tranh luận về các kế hoạch chi tiêu công, dù cả hai đã có một khoảng thời gian thân thiết từ khi ông Trump còn tranh cử nhiệm kỳ thứ hai cho tới sau khi ông nhậm chức.

Dự luật giảm thuế nói trên đã được Thượng viện Mỹ thông qua vào ngày 1/7 với 51 phiếu thuận và 50 phiếu chống. Tiếp theo, dự luận sẽ được chuyển tới Hạ viện, nơi các hạ nghị sỹ có thể bác bỏ những nội dung mà Thượng viện đã thay đổi so với phiên bản của dự luật mà Hạ viện đã thông qua trong lần trước.

Cùng ngày, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell nói rằng Fed có thể đã cắt giảm lãi suất thêm nếu không có các chính sách thuế quan mới mà ông Trump đưa ra trong nhiệm kỳ cầm quyền này của ông. Phát biểu tại hội nghị ngân hàng trung ương do Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đăng cai ở Sintra, Bồ Đào Nha, ông Powell một lần nữa khẳng định bất kỳ động thái chính sách tiền tệ nào của Fed trong tương lai cũng sẽ tùy thuộc vào dữ liệu kinh tế. Ông cũng không trả lời trực tiếp câu hỏi liệu việc cắt giảm lãi suất trong tháng 7 có phải là quá sớm hay không.

“Trên thực tế, chúng tôi đã hoãn việc giảm lãi suất lại vì quy mô của thuế quan và vì các dự báo lạm phát ở Mỹ đã tăng đáng kể do thuế quan đó”, ông Powell phát biểu.

Thị trường đang hy vọng Mỹ sẽ đạt được thỏa thuận thương mại với các đối tác, bởi thời gian 90 ngày tạm hoãn thuế đối ứng sẽ hết hạn vào tuần tới. Nhà quản lý danh mục Zachary Hill của công ty Horizon Investments không cho rằng các nhà đầu tư đang đặt kỳ vọng lớn, nhưng giá cổ phiếu vẫn có khả năng sẽ biến động nhiều trong thời gian tới.

“Nhà đầu tư chắc chắn đã tăng vị thế nắm giữ cổ phiếu trong hai tuần vừa rồi, nên tôi nghĩ là sẽ có một khả năng tổn thương nhất định”, ông Hill nói với CNBC.

Chứng khoán Mỹ đã phục hồi mạnh mẽ trong quý 2 vừa qua, với S&P 500 tăng 10,6%, Nasdaq tăng 18% và Dow Jones tăng hơn 5%. Trong tháng 4, sau khi ông Trump công bố thuế quan đối ứng, S&P 500 thiếu chút nữa đã rơi vào trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market).

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 0,37 USD/thùng, tương đương tăng 0,55%, chốt phiên đầu tháng ở mức 67,11 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăn g0,34 USD/thùng, tương đương tăng 0,55%, đạt 65,45 USD/thùng.

Theo nhà phân tích Ole Hansen của ngân hàng Saxo Bank, thị trường đang dự báo OPEC+ sẽ tăng sản lượng khai thác dầu của khối thêm 411.000 thùng/ngày trong cuộc họp vào ngày 6/7.

“Thị trường đang lo OPEC+ sẽ tiếp tục đẩy nhanh việc tăng sản lượng”, chiến lược gia Daniel Hynes của ngân hàng ANZ nhận định.

Nguồn tin trong OPEC+ tiết lộ với hãng tin Reuters vào tuần trước rằng liên minh này có kế hoạch tăng sản lượng 411.000 thùng dầu mỗi ngày trong tháng 8, bằng với mức tăng của tháng 5, 6 và 7. Nếu được phê chuẩn, một động thái tăng sản lượng như vậy sẽ đưa tổng sản lượng tăng thêm của OPEC+ từ đầu năm nay lên 1,78 triệu thùng/ngày, tương đương hơn 1,5% nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu.

Một báo cáo của ngân hàng Morgan Stanley dự báo từ nay đến đầu năm sau, giá dầu thô Brent giao sau sẽ giảm về vùng khoảng 60 USD/thùng vì thị trường đủ cung và rủi ro địa chính trị giảm bớt sau khi Israel và Iran ngừng bắn. Các nhà phân tích của Morgan Stanley cũng dự báo thị trường dầu thô toàn cầu sẽ dư cung 1,3 triệu thùng/ngày trong năm 2026.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate