Chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (2/6), với chỉ số Dow Jones ghi nhận phiên tăng mạnh nhất kể từ đầu năm, khi nhà đầu tư ăn mừng báo cáo việc làm tốt hơn dự báo và việc thông qua thoả thuận trần nợ giúp Chính phủ Mỹ thoát khỏi bờ vực vỡ nợ.
Tâm trạng phấn chấn này cũng đưa giá dầu đội thêm hơn 2% trong lúc thị trường chờ cuộc họp sản lượng của liên minh OPEC+.
Lúc đóng cửa, Dow Jones tăng 701,19 điểm, tương đương tăng 2,12%, chốt ở 33.762,76 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,45%, đạt 4.282,37 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1,07%, đạt 13.270,77 điểm, trong phiên có lúc đạt mức cao nhất kể từ tháng 4/2022.
Với phiên tăng này, cả ba chỉ số cùng hoàn tất một tuần tăng điểm. Trong đó, S&P 500 tăng 1,8%; Nasdaq tăng 2%; và Dow Jones tăng 2%. Đây là tuần tăng thứ 6 liên tiếp của Nasdaq, chuỗi tuần tăng dài chưa từng thấy của chỉ số này kể từ năm 2020.
Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy trong tháng 5, khu vực phi nông nghiệp của nền kinh tế lớn nhất thế giới có thêm 339.000 công việc mới, vượt xa mức tăng 190.000 công việc mà giới chuyên gia đưa ra trong cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones. Báo cáo này đánh dấu tháng thứ 29 liên tiếp thị trường việc làm của Mỹ tăng trưởng dương.
Cho tới gần đây, số liệu việc làm mạnh vẫn gây áp lực lên thị trường chứng khoán vì củng cố kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ duy trì việc tăng lãi suất hoặc giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian lâu hơn. Tuy nhiên, báo cáo ngày thứ Sáu cũng cho thấy tiền lương bình quân theo giờ ở Mỹ đạt mức tăng so với cùng kỳ năm ngoái ít hơn dự báo của các nhà phân tích, và tỷ lệ thất nghiệp cao hơn dự báo.
Cả hai dữ liệu này mang đến cho nhà đầu tư những tia hy vọng rằng Fed có thể tạm dừng chiến dịch tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách diễn ra vào trung tuần tháng 6 - theo ông Terry Sandven, chiến lược gia trưởng về chứng khoán của US Bank Wealth Management.
“Trạng thái ‘vàng’ đã được thiết lập. Rõ ràng, dấu hiệu cho thấy lạm phát bắt đầu suy yếu, kỳ vọng Fed tạm dừng thắt chặt, và khả năng nền kinh tế hạ cánh mềm là những yếu tố hỗ trợ giá cổ phiếu”, ông Sandven nói.
Mối lo được giải toả về trần nợ của Mỹ cũng giúp ích nhiều cho tâm trạng của nhà đầu tư phiên này. Vào đêm muộn ngày thứ Năm, Thượng viện Mỹ đã thông qua một dự luật nâng trần nợ, đưa dự luật này tới bàn làm việc của Tổng thống Joe Biden. Trước đó, dự luật đã được Hạ viện thông qua vào ngày thứ Tư. Những bước tiến quan trọng này đưa nước Mỹ thoát khỏi một vụ vỡ nợ lịch sử ngay trước ngày 5/6 - ngày mà Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen đã cảnh báo là nước này có thể hết tiền.
Giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 2,49%, chốt ở 76,13 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 2,34%, chốt ở 71,74 USD/thùng.
Tuy nhiên, tính cả tuần này, giá dầu Brent và WTI giảm hơn 1% mỗi loại, sau 2 tuần tăng liên tiếp trước đó.
Các nhà giao dịch dầu lửa đang hướng sự chú ý đến cuộc họp ngày 4/6 của OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và các đồng minh bao gồm Nga. Hồi tháng 4, nhóm này bất ngờ thông báo cắt giảm 1,16 triệu thùng mỗi ngày, nhưng thành quả tăng giá của dầu nhờ động thái đó đã bị xóa sạch - vì giá dầu hiện đang ở mức thấp hơn so với trước khi quyết định cắt giảm sản lượng đó được công bố.
Nguồn thạo tin nói với hãng tin Reuters rằng ít có khả năng OPEC+ công bố cắt giảm thêm sản lượng trong lần họp này.
“Mặc dù dường như có nhiều quan điểm cho rằng OPEC+ sẽ không công bố bất kỳ đợt cắt giảm sản lượng nào nào nữa, nhưng điều đáng chú ý là trong cuộc họp lần trước, OPEC+ cũng không hề giảm sản lượng, nhưng sau đó nhóm này đã thông báo cắt giảm thêm khoảng một triệu thùng nữa”, ông Craig Erlam cho biết - nhà phân tích thị trường cao cấp tại OANDA - nhấn mạnh.
“Thật khó để bỏ qua lời cảnh báo ‘chờ xem’ của Bộ trưởng Bộ Năng lượng Saudi Arabia đối với các nhà đầu cơ giá xuống. Điều này có thể sẽ lảng vảng trong tâm trí các nhà đầu tư và khiến giá dầu tăng mạnh khi mở cửa tuần tới”, ông Erlam nói.
Saudi Arabia là nước sản xuất dầu lớn nhất trong OPEC và là thủ lĩnh không chính thức của nhóm này.
Về phía cầu, dữ liệu về ngành sản xuất của Trung Quốc - nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới - vẽ nên một bức tranh không đồng nhất. Trung Quốc đang hứng chịu những đợt nắng nóng sớm, dự kiến sẽ kéo dài đến hết tháng 6, khiến lưới điện bị căng thẳng khi người tiêu dùng ở các thành phố lớn như Thượng Hải và Thâm Quyến tăng cường sử dụng máy điều hòa nhiệt độ.