Chỉ số Dow Jones của thị trường chứng khoán Mỹ thiết lập mức đỉnh mới của năm 2023 trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (30/11), sau khi số liệu thống kê cho thấy lạm phát tiếp tục giảm - cơ sở để củng cố kỳ vọng của nhà đầu tư về sự dịch chuyển sang một lập trường chính sách tiền tệ mềm mỏng hơn của Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Giá dầu thô giảm sau hai phiên tăng mạnh liên tiếp, dù Saudi Arabia kéo dài kế hoạch cắt giảm sản lượng khai thác dầu.
Lúc đóng cửa, Dow Jones tăng 520 điểm, tương đương tăng 1,47%, chốt ở mức 35.950,89 điểm. Với mức điểm này, chỉ số gồm 30 cổ phiếu blue-chip đã vượt qua mức đỉnh trước của năm thiết lập hồi tháng 8.
Chỉ số S&P 500 tăng 0,4%, đóng cửa ở mức 4.567,8 điểm. Riêng chỉ số Nasdaq giảm 0,2%, còn 14.226,22 điểm do nhà đầu tư chốt lời đối với một số cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn dẫn đầu xu hướng tăng đã kéo dài từ đầu tháng 11.
Phiên này khép lại một tháng rực rỡ của thị trường chứng khoán Mỹ, khi Dow Jones tăng 8,9% trong tháng, chấm dứt chuỗi 3 tháng giảm trước đó. S&P 500 tăng 8,9% trong tháng, còn mức tăng của Nasdaq là 10,7%. Đây là tháng tăng mạnh nhất của S&P 500 và Nasdaq kể từ tháng 7/2022 và hai chỉ số này chỉ còn thấp hơn khoảng 1% so với mức đỉnh của mỗi chỉ số trong năm nay.
“Những gì chúng ta chứng kiến trong tháng 11 là thị trường nhận thấy rằng nền kinh tế vẫn đang tốt, người tiêu dùng vẫn khoẻ, và trên hết, Fed có vẻ không tăng lãi suất thêm nữa. Nếu như các điều kiện này duy trì trong thời gian từ nay tới cuối năm theo như kịch bản chính của chúng tôi, thị trường sẽ tiếp tục dịch chuyển lên cao hơn”, Giám đốc đầu tư Chris Zaccarelli của Independent Advisor Alliance nhận định với hãng tin CNBC.
“Trong năm ngoái, thị trường đã dành quá nhiều thời gian để nghĩ xem điều gì có thể đi sai hướng, và gần như chẳng dành thời gian để nghĩ xem việc gì có thể đi đúng hướng. Năm 2023 lại là một câu chuyện của nhiều thứ đi đúng hướng”, ônh Zaccarelli nói thêm.
Sự vượt trội của Dow Jones trong phiên này liên quan nhiều đến từ cú tăng 9,4% của cổ phiếu Salesforce. Hãng phần mềm đám mây công bố báo cáo tài chính quý 3/2023 với doanh thu và lợi nhuận đều tốt hơn dự báo, trong đó doanh thu của mảng dữ liệu đám mây tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái và sản phẩm trí tuệ nhân tạo (AI) Einstein GPT cũng gây ấn tượng.
Một yếu tố quan trọng hỗ trợ thị trường trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 11 là dữ liệu thống kê từ Bộ Thương mại Mỹ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi tăng 3,5% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm ngoái, giảm tốc từ mức tăng 3,7% ghi nhận trong tháng 10 và thấp hơn mức dự báo tăng 3,7% mà giới phân tích đưa ra trước đó. PCE lõi, không tính giá thực phẩm và năng lượng, là thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng và có ảnh hưởng lớn đến các quyết định về lãi suất của ngân hàng trung ương này.
Dữ liệu này bổ sung vào chuỗi số liệu khả quan về tình hình lạm phát ở Mỹ công bố trong tháng 11 vừa qua, cơ sở để nhà đầu tư tin rằng Fed có lẽ đã hoàn thành việc tăng lãi suất và có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm 2024.
“Nhân tố thúc đẩy sự dịch chuyển của thị trường chính là dịch chuyển trong triển vọng chính sách tiền tệ. Mức độ biến động của giá cổ phiếu giảm xuống có thể sẽ khuyến khích nhà đầu tư xuống tiền nhiều hơn. Rất có khả năng các chỉ số sẽ thiết lập thêm những mức đỉnh mới”, chiến lược gia Sonu Varghese của Carson Group nói với CNBC.
Cùng với sự dịch chuyển của kỳ vọng lãi suất, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đã giảm mạnh trong tháng 11 này. Lợi suất của kỳ hạn 10 năm tăng nhẹ lên 4,34% trong phiên ngày thứ Năm, nhưng đã giảm nhiều so với mức hơn 5% thiết lập vào đầu tháng.
Cổ phiếu công nghệ là nhóm tăng mạnh nhất ở Phố Wall trong tháng 11, dù nhiều nhà đầu tư chốt lời trong phiên cuối tháng. Nvidia giảm 2,9% trong phiên ngày thứ Năm, nhưng vẫn tăng 14,7% trong tháng. Tesla giảm 1,7% và tăng 19,5%.
Giá dầu thô WTI giao tháng 1/2024 tại thị trường New York giảm 1,9 USD/thùng, tương đương giảm 2,44%, còn 75,96 USD/thùng. Giá dầu Brent giao sau tại London giảm 0,27 USD/thùng, tương đương giảm 0,17%, còn 82,83 USD/thùng.
Kết thúc cuộc họp sản lượng diễn ra vào ngày thứ Năm, OPEC+ đưa ra một tuyên bố không có nội dung về gia tăng mức cắt giảm sản lượng của toàn liên minh, nhưng một số quốc gia thành viên của nhóm tuyên bố tự nguyện hạ sản lượng tổng cộng 2,2 triệu thùng/ngày trong quý 1/2024. Đi đầu nỗ lực này là Saudi Arabia, thành viên lớn nhất và cũng là thủ lĩnh không chính thức của liên minh.
Kết quả này khiến thị trường dầu thất vọng vì kế hoạch cắt giảm sản lượng đó là ngắn hạn và liên minh không đạt được một chiến lược nhất quán, buộc các thành viên muốn giảm sản lượng phải hành động đơn phương - theo phó chủ tịch Jorge Leon của Rystad Energy.
OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga. Trong tuyên bố đưa ra cùng ngày, Saudi Arabia gia hạn kế hoạch giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng dầu/ngày đến hết quý 1/2024. Iraq giảm 223.000 thùng/ngày; Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) giảm 163.000 thùng/ngày; Kuwait giảm 135.000 thùng/ngày; Kazakhstan giảm 82.000 thùng/ngày; Algeria giảm 51.000 thùng/ngày; và Oman giảm 42.000 thùng/ngày. Nga cũng nâng mức giảm sản lượng tự nguyện lên 500.000 thùng/ngày, áp dụng đến hết quý 1.
Thị trường cho rằng việc cắt giảm sản lượng tự nguyện này sẽ không được thực hiện một cách chuẩn chỉ, dẫn tới sản lượng của toàn khối sẽ không được hạn chế và giá dầu sẽ không tìm được lực hỗ trợ trong bối cảnh có nhiều lo ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
“Thay vì có một câu trả lời rõ ràng, thị trường chỉ nhận được một lời hứa. Và lời hứa đó khiến mọi người lo lắng”, chuyên gia Phil Flynn của Price Futures Group nhận định.