Dragon Capital trong nhận định về vĩ mô và thị trường chứng khoán Việt Nam mới đây đã nhấn mạnh rằng chỉ số VN-Index trong tháng 11 ghi nhận sự biến động đáng kể, chịu ảnh hưởng từ áp lực bán ròng của khối ngoại. Giá trị bán ròng đạt đỉnh 577 triệu USD do lo ngại về chính sách thương mại của Tổng thống Trump. Đến cuối tháng, giá trị bán ròng giảm nhẹ xuống còn 540 triệu USD khi định giá đã điều chỉnh về mức hấp dẫn hơn.
Tuy vậy, thị trường hiện tại đã phản ánh phần lớn những bất ổn hiện hữu. Tính đến cuối tháng 11, chỉ số giao dịch ở mức P/E 12 tháng gần nhất là 13,7 lần và P/E dự phóng năm 2024 là 11,8 lần, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình năm 2018 (19 lần) và mức trung bình 5 năm (17,1 lần). P/E dự phóng năm 2025 ở mức khoảng 10 lần.
Dù các yếu tố bên ngoài vẫn tiềm ẩn rủi ro nhưng các động lực tăng trưởng nội tại của Việt Nam và nỗ lực hiện đại hóa của Chính phủ lại cho thấy triển vọng tích cực. Kỳ vọng triển khai hệ thống giao dịch KRX và tiến trình nâng hạng lên thị trường mới nổi dự báo sẽ thu hút thêm sự quan tâm từ nhà đầu tư.
Về vĩ mô, chỉ số kinh tế của Việt Nam trong tháng 11 phản ánh bức tranh đa chiều. Hoạt động xuất khẩu tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt 33,7 tỷ USD; hoạt động nhập khẩu tăng 13,6% đạt 32,6 tỷ USD. Thặng dư thương mại khoảng 1,1 tỷ USD. Ngành sản xuất công nghiệp cũng ghi nhận sự tăng trưởng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,3% so với tháng trước và 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, mức tăng này thấp hơn mức trung bình hàng quý 10% trong quý 3 năm 2024 bởi tác động của bão Yagi.
Mặt khác, chỉ số PMI Việt Nam đã giảm từ 51,3 trong tháng 10 xuống 50,5 trong tháng 11. Giải ngân đầu tư công từ đầu năm đạt 60,4%, thấp hơn mức 65,3% của cùng kỳ năm trước, do đó sẽ là thách thức không nhỏ cho việc đạt mục tiêu 95% giải ngân vào ngày 31/01/2025, nhất là khi Tết Nguyên đán rơi vào tháng 1.
Dù vậy, áp lực từ bên ngoài vẫn hiện hữu. Lợi suất trái phiếu Mỹ tăng trở lại trên mức 4% cùng với đồng USD mạnh lên đã tạo áp lực lên các đồng tiền thị trường mới nổi, khiến đồng VND mất giá khoảng 4% từ đầu năm đến nay.
Ngoài ra, Bộ Thương mại Mỹ đã thông báo áp thuế suất chống bán phá giá từ 21% đến 271% đối với tấm pin năng lượng mặt trời từ Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, tác động trực tiếp đến Việt Nam được dự báo ở mức hạn chế do việc áp thuế suất sẽ tác động chủ yếu đến các doanh nghiệp FDI Trung Quốc và các doanh nghiệp trong nước đã lường trước được rủi ro chuyển tải bất hợp pháp.
Điểm sáng là Việt Nam tiếp tục thu hút sự quan tâm từ các tập đoàn đa quốc gia. Đáng chú ý, CEO của Nvidia, Jensen Huang đã có chuyến thăm Việt Nam lần thứ hai và ký kết mở Trung tâm R&D và Trung tâm Dữ liệu AI. Mục tiêu của Nvidia là "xây dựng cơ sở hạ tầng AI, phát triển nguồn nhân lực và hỗ trợ các startup AI" tại Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị công nghệ toàn cầu.
Tại kỳ họp thứ 8 vừa qua, Quốc hội đã thông qua 18 luật, 21 nghị quyết giúp thúc đẩy và tăng trưởng kinh tế. Trong đó, Luật Chứng khoán (sửa đổi) và Luật Đầu tư Công (sửa đổi) là hai luật có tác động lớn đến thị trường và lợi nhuận doanh nghiệp năm 2025. Quốc hội cũng thông qua việc gia hạn giảm 2% thuế VAT đến giữa năm 2025, đồng thời nhất trí thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư nhằm giảm bớt tác động của thuế tối thiểu toàn cầu.
Trong chiến lược cải cách của Chính phủ, ba lĩnh vực trọng tâm đã được xác định gồm số hóa và công nghệ, phát triển cơ sở hạ tầng (yếu tố quan trọng để tiếp tục thu hút FDI) và tái cấu trúc hệ thống hành chính, lập pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. Những thay đổi này hướng đến hỗ trợ phát triển kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trên 7% trong năm 2024, với kỳ vọng đạt mức cao hơn vào năm 2025.