Trong báo cáo mới đây, bà Minh Đặng – Giám đốc Khối nghiên cứu Dragon Capital đã đưa ra những nhận định tích cực về thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo Giám đốc khối nghiên cứu Dragon Capital, chỉ số VN-Index đã tìm được điểm cân bằng sau khi sự biến động tỷ giá đã được phản ánh và việc bầu chọn một số vị trí lãnh đạo chủ chốt vào đầu tháng 5. Mặt khác, dư nợ ký quỹ chạm ngưỡng an toàn khi tỷ lệ lợi nhuận trên rủi ro của VN-Index cải thiện ở mức thuận lợi hơn cho nhà đầu tư
Lợi nhuận thị trường từ đầu năm đến nay cho thấy một thị trường mạnh mẽ, thị trường nghiêng về xu hướng lựa chọn cổ phiếu dựa trên lợi nhuận doanh nghiệp và triển vọng kinh doanh.
Phân tích của Dragon Capital về các phương pháp đầu tư, bao gồm định giá trên tài sản, định giá trên lợi nhuận, tăng trưởng lợi nhuận, chất lượng, sự ổn định và xu hướng, cho thấy ở 5 trên 6 phương pháp, các cổ phiếu nhóm đầu có tỷ suất lợi nhuận tốt hơn rất nhiều so với các cổ phiếu nhóm cuối.
"Điều này cho thấy thị trường đang ở giai đoạn của sự tăng trưởng lành mạnh thay vì được thúc đẩy bởi các hoạt động đầu cơ", Giám đốc Khối nghiên cứu Dragon Capital nhận định.
Đáng chú ý, khi so sánh tiêu chí "chất lượng" của doanh nghiệp, được định nghĩa bởi chỉ số ROIC, ROE và khả năng tạo ra dòng tiền, các cổ phiểu nhóm đầu và cổ phiếu nhóm dưới có sự chênh lệch hiệu suất rõ rệt, tương ứng mức 24,7% so với 4,9%.
Sự chênh lệch đáng kể tiếp theo đến từ việc so sánh trên tiêu chí định giá cổ phiếu dựa trên thu nhập và giá thị trường (dựa trên chỉ số P/E và EB/EBITDA), theo đó các cổ phiếu có định giá rẻ nhất đạt hiệu suất 23,3% và các cổ phiếu có định giá đắt nhất đạt hiệu suất 8,3%, tương đương mức dưới hiệu suất chung của Index là 4%.
Không có sự khác biệt đáng kể khi so sánh theo tiêu chí vốn hóa thị trường, cụ thể chỉ số VN30, VNMID và VNSML đều cho hiệu suất tương đồng, cho thấy nhà đầu tư tập trung vào phân tích triển vọng thay vì độ lớn về vốn hoá của doanh nghiệp.
Mặt khác, kỳ vọng của nhà đầu tư có sự phân hóa rõ rệt khi đánh giá các ngành khác nhau. Hiệu suất nhóm cổ phiếu dịch vụ công nghệ thông tin đạt mức 50%, thể hiện sự lạc quan vào triển vọng của Việt Nam đối với ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, trong khi cổ phiếu bất động sản chỉ tăng 3,8%.
Với xu hướng dịch chuyển trọng tâm về các tiêu chí tăng trưởng lợi nhuận và triển vọng 2024, tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn đối với một số cổ phiếu bất động sản vốn hóa lớn khi các doanh nghiệp này vẫn còn đang phụ thuộc vào các chính sách tháo gỡ khó khăn của Chính phủ.
Theo quan sát của Dragon Capital, nhóm doanh nghiệp nhà nước, do đặc thù hoạt động theo các quy định và chính sách cụ thể, có đà tăng trưởng chậm hơn các doanh nghiệp tư nhân. Ví dụ như các NHTM cổ phần nhà nước thường xuyên duy trì mức lãi suất huy động thấp hơn so với thị trường, hoặc một số doanh nghiệp nhà nước khác cần tạm hoãn một số dự án cho đến khi những chính sách và văn bản hướng dẫn cụ thể được ban hành.
Tuy vậy, thị trường chứng khoán nhìn chung có mức hiệu suất tương đối tích cực, được hỗ trợ bởi các yếu tố cơ bản thuận lợi như chỉ số P/E dự phóng 2024 ở mức 11,6 lần hay tăng trưởng EPS đạt 18,5%. Đặc biệt, khối doanh nghiệp tư nhân đang thể hiện đà phục hồi mạnh mẽ và được kỳ vọng là động lực thúc đẩy giúp cho nền kinh tế và thị trường trở nên khởi sắc.