Cập nhật tiến độ xây dựng Cầu Mỹ Thuận 2, theo báo cáo của Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, đến nay dự án có sản lượng hoàn thành khoảng 3.139,436/3.367,46 tỷ đồng, đạt 93,2% giá trị hợp đồng.
Trong đó, phần cầu chính dây văng còn 1/16 đốt dầm dự kiến hợp long vào cuối tháng 10, hoàn thành và thông xe ngày 31/12/2023.
Để đốc thúc tiến độ dự án, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Ban Quản lý dự án 7 tiếp tục theo dõi đặc biệt, yêu cầu các nhà thầu huy động đầy đủ máy móc thiết bị, nhân lực, tăng ca kíp theo kế hoạch đã xây dựng và chuẩn bị các phương án để xử lý (điều chuyển khối lượng các đơn vị trong liên danh, bổ sung thầu phụ,…) đối với các đơn vị không đảm bảo yêu cầu.
Bộ Giao thông Vận tải cũng đã yêu cầu chủ đầu tư chỉ đạo các nhà thầu tập trung mọi nguồn lực, tổ chức thi công “3 ca 4 kíp” đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ, kiên quyết không được chậm tiến độ đúng theo chủ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Dự án thành phần đầu tư xây dựng Cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu có tổng chiều dài khoảng 6,01km; trong đó, cầu chính dài khoảng 1,9km, thiết kế 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/h. Đường dẫn hai đầu cầu dài 4,7km; trong đó phía Tiền Giang dài 4,3km và phía Vĩnh Long dài 0,4km. Giai đoạn đầu, cầu được đầu tư phân kỳ làm 4 làn xe.
Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 5.000 tỷ đồng, khởi công tháng 3/2020. Cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn 2 đầu cầu thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Điểm đầu của dự án khớp nối với Dự án đường Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận phía Tiền Giang. Điểm cuối khớp nối vào Dự án đầu tư xây dựng đường Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Trong bối cảnh thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông vào những kỳ nghỉ lễ, Tết Nguyên đán, Bộ Giao thông Vận tải đánh giá việc đưa công trình vào khai thác sớm ngày nào, góp phần phát huy hiệu quả đầu tư sớm ngày đó bởi cầu không chỉ giải quyết nhu cầu đi lại lưu thông của người dân, hạn chế tai nạn giao thông mà còn đáp ứng năng lực vận tải hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Tiếp nối với cầu Mỹ Thuận 2, đoạn cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ cũng tăng tốc ở tất cả các mũi thi công. Theo các nhà thầu, công tác chờ lún đã cơ bản hoàn tất và đây là điều kiện để sớm đưa dự án về đích vào cuối năm nay. Theo kế hoạch, trong tháng 9, Bộ Giao thông Vận tải sẽ giải ngân hơn 7.400 tỷ đồng cho các dự án trọng điểm, trong đó sẽ tập trung cho các công trình về đích trong năm nay.
Hành lang kinh tế mới sẽ mở ra cho Đồng bằng sông Cửu Long khi hàng loạt các công trình giao thông đang được đầu tư xây dựng như Cầu Đại Ngãi nối hai tỉnh Trà Vinh - Sóc Trăng sẽ khởi công vào tháng 10/2023, tổng vốn đầu tư khoảng 8.000 tỷ đồng; đầu năm 2024 sẽ khởi công cầu Ba Lai 8; 6 tuyến cao tốc với tổng chiều dài khoảng 1.166 km, quy mô từ 4 - 6 làn xe đang được triển khai xây dựng…
Cùng với đó, dự án tuyến đường ven biển miền Tây được phê duyệt tại Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với tổng chiều dài 740km, từ TP.HCM đến Hà Tiên, đi qua địa bàn các tỉnh, thành phố: TP.HCM, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang.