Cử tri tỉnh Đồng Tháp vừa kiến nghị Bộ Giao thông vận tải sớm xem xét bố trí vốn đầu tư tuyến Quốc lộ 30, đoạn từ Hồng Ngự - Dinh Bà do tuyến đường này hiện xuống cấp nghiêm trọng, mật độ phương tiện đông, tiềm ẩn tai nạn giao thông rất cao.
BẢO TRÌ THƯỜNG XUYÊN ĐỂ ĐẢM BẢO LƯU THÔNG
Phản hồi kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Tháp, Bộ Giao thông vận tải cho biết theo quy hoạch được duyệt, Quốc lộ 30 có điểm đầu tại Quốc lộ 1 (Cái Bè, Tiền Giang), điểm cuối tại Cửa khẩu Dinh Bà, Đồng Tháp, với chiều dài tuyến khoảng 112 km; quy mô cấp III, 2-4 làn xe.
Hiện trạng đoạn tuyến qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp khoảng 104 km được đầu tư khoảng 64 km đạt tiêu chuẩn đường cấp III, 2 làn xe, còn lại khoảng 40 km đạt tiêu chuẩn đường cấp IV, 2 làn xe.
Thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam thực hiện duy tu thường xuyên và đầu tư sửa chữa Quốc lộ 30 đoạn Hồng Ngự - Dinh Bà, Km94+200 - Km119+498 bằng nguồn kinh phí sự nghiệp chi hoạt động kinh tế đường bộ với tổng kinh phí các năm 2021, 2022, 2023 khoảng 56,5 tỷ đồng và năm 2024 chấp thuận 23,9 tỷ đồng.
Cũng theo Bộ Giao thông vận tải, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 được phân bổ hạn hẹp với tổng số là 304.105 tỷ đồng.
Sau khi điều chỉnh giảm phân bổ lại cho địa phương thực hiện các tuyến đường Vành đai 4 Hà Nội, đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh và 3 dự án quan trọng quốc gia (gồm: cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng), kế hoạch đầu tư công trung hạn thực tế của Bộ Giao thông vận tải còn lại là 287.011 tỷ đồng.
Ngoài điều chỉnh giảm phân bổ lại cho địa phương nêu trên, nguồn lực còn lại tập trung cho các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia, dự án hạ tầng giao thông chiến lược theo chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ nên chưa thể bố trí nguồn vốn để triển khai đầu tư tuyến Quốc lộ 30, đoạn từ Hồng Ngự - Dinh Bà trong giai đoạn 2021 - 2025.
Bộ Giao thông vận tải ghi nhận kiến nghị của cử tri và sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với địa phương huy động các nguồn lực hợp pháp để đầu tư dự án, đồng thời giao Cục Đường bộ Việt Nam thường xuyên kiểm tra, thực hiện bảo trì tuyến đường để đảm bảo điều kiện đi lại, vận tải thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
ƯU TIÊN TRIỂN KHAI 6 DỰ ÁN TRỌNG TÂM
Cũng theo Bộ Giao thông vận tải, đối với nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, Bộ cân đối khoảng 5.111 tỷ đồng để ưu tiên đầu tư các dự án.
Theo đó, Bộ Giao thông vận tải phân bổ 848 tỷ đồng để hoàn thành đầu tư dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mê Kông (DATP1, 2 & 3); 1.947 tỷ đồng đầu tư dự án đường bộ cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; 194 tỷ đồng đầu tư dự án Quốc lộ 54 (giai đoạn 2); 909 tỷ đồng đầu tư dự án Quốc lộ 30 đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự; 738 tỷ đồng đầu tư tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ và 475 tỷ đồng cho dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1.
Ngoài ra, do khó khăn trong cân đối nguồn lực nên chưa thể bố trí được nguồn vốn để thực hiện việc tiếp tục đầu tư dự án xây dựng Quốc lộ 30 đoạn Hồng Ngự - Dinh Bà, tỉnh Đồng Tháp, nội dung này cũng được UBND tỉnh Đồng Tháp có ý kiến thống nhất về thứ tự ưu tiên đầu tư các dự án trên Quốc lộ 30 tại văn bản số 285/UBND-ĐTXD ngày 15/9/2020.
Theo đó, dự án Quốc lộ 30 đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự có tổng mức đầu tư 2.570 tỷ đồng được ưu tiên đầu tư trước. Dự án có tổng chiều dài khoảng 59 km, được chia làm 3 đoạn gồm đoạn 1 là tuyến tránh TP. Cao Lãnh với chiều dài 14,5 km; đoạn 2 từ huyện Cao Lãnh đi TP. Hồng Ngự với chiều dài 39 km; đoạn 3 là tuyến tránh TP. Hồng Ngự với chiều dài 5,3 km. Sau khi hoàn thành, tuyến đường này là trục ngang quan trọng để kết nối với các trục chính như: Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, cao tốc Cao Lãnh - Vàm Cống và Lộ Tẻ - Rạch Sỏi…
Bên cạnh đó, dự án đường bộ cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ có tổng chiều dài gần 23km, đi qua địa bàn hai tỉnh Vĩnh Long (12,53km) và Đồng Tháp (10,44km). Quy mô gồm 6 làn xe, nền đường rộng 32,25m.
Để đảm bảo tiến độ dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn nước rút, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận yêu cầu nhà thầu huy động đủ tài chính, huy động đủ thiết bị và tăng ca làm đêm để hoàn thành dự án và tiếp tục xử lý các thủ tục và gỡ khó cho nhà thầu.
Giai đoạn 1, dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ được đầu tư quy mô 4 làn xe, rộng mặt đường 17 m. Tổng mức đầu tư dự án là 4.826 tỷ đồng, được khởi công năm 2021, dự kiến hoàn thành năm 2023.
Bộ Giao thông vận tải cũng ưu tiên 194 tỷ đồng đầu tư dự án Quốc lộ 54 (giai đoạn 2). Tuyến Quốc lộ 54 đi qua 3 tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long và Trà Vinh với tổng chiều dài 155km, được Bộ Giao thông vận tải quyết định đầu tư vào năm 1999. Dự án được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, Quốc lộ 54 được đầu tư theo quy mô nền đường rộng 6,5m; mặt đường rộng 3,5m láng nhựa, lề đường được gia cố mỗi bên 1m, giai đoạn 2 thực hiện hoàn chỉnh theo quy mô đường cấp IV đồng bằng có nền đường rộng 9m, mặt đường rộng 7m.
Với dự án nâng cấp tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ, dự kiến sẽ được khởi công trong những tháng cuối năm nay. Dự án có tổng chiều dài gần 29 km qua địa phận hai tỉnh Đồng Tháp và TP. Cần Thơ. Tổng mức đầu tư dự án là 950 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2025.
Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải phân bổ 848 tỷ đồng để hoàn thành đầu tư dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mê Kông (DATP1, 2 & 3); đồng thời, dành 475 tỷ đồng cho dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1, dự kiến dự án sẽ được khởi công vào tháng 9/2024.