May 21, 2024 | 13:08 GMT+7

Dự án nâng cấp sân bay Cà Mau cần gấp 1,5 triệu mét khối cát đắp nền

Hoài Niệm -

Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau vừa có văn bản gửi Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đề nghị hỗ trợ cung ứng nguồn vật liệu cát san lấp để thi công dự án nâng cấp, mở rộng sân bay Cà Mau...

Hiện tại, ngoài dòng ATR-72 đang khai thác tuyến Sài Gòn - Cà Mau mỗi ngày một chuyến, dòng may bay phản lực Embraer do Brazil sản xuất, sức chứa 98 hành khách đã được đưa vào khai thác tuyến Cà Mau - Hà Nội và ngược lại.
Hiện tại, ngoài dòng ATR-72 đang khai thác tuyến Sài Gòn - Cà Mau mỗi ngày một chuyến, dòng may bay phản lực Embraer do Brazil sản xuất, sức chứa 98 hành khách đã được đưa vào khai thác tuyến Cà Mau - Hà Nội và ngược lại.

Trong văn bản nói trên, tỉnh Cà Mau đã đề nghị tỉnh An Giang ưu tiên hỗ trợ cung ứng nguồn cát san lấp với khối lượng khoảng 1,5 triệu m3 và chừng 300.000 m3 cát hạt trung nhằm kịp triển khai các công trình trọng điểm của tỉnh này, trong đó có dự án nâng cấp, mở rộng sân bay Cà Mau.

Tỉnh Cà Mau cho biết, trong thời gian qua, nguồn cung cấp cát, đá các loại đã ảnh hưởng lớn đến chi phí đầu tư, tiến độ thi công các dự án xây dựng trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Qua rà soát, các dự án trọng điểm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 của tỉnh tiếp tục cần khoảng 1.000.000 m3 cát đắp nền; 250.000 m3 cát vàng; 330.000 m3 đá một hai (1x2); và trên 510.000 m3 đá dăm (đá 4x6).

Riêng đối với dự án trọng điểm nâng cấp và mở rộng sân bay Cà Mau, để có thể triển khai thi công thì cần khoảng 1,5 triệu m3 cát san lấp, đắp nền và khoảng 300.000 m3 cát hạt trung cho các hạng mục khác. Thời gian sử dụng tập trung nguồn vật liệu này là vào đầu năm 2025.

Sân bay Cà Mau hiện là sân bay cấp 3C, nhà ga hành khách 2 cao trình, công suất khai thác thực tế 35.000 – 40.000 hành khách/năm (công suất tối đa 200.000 hành khách/năm), lượng khách giờ cao điểm là 150 hành khách/giờ. Phi cơ đang khai thác là dòng cỡ nhỏ cánh quạt ATR-72, sức chở 90 hành khách.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc tại Quyết định số 648/QĐ-TTg ngày 07/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ thì đến năm 2030, sân bay Cà Mau đạt công suất 1 triệu hành khách/năm. Quy hoạch tổng thể cảng hàng không Cà Mau giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhyìn đến năm 2050, sân bay Cà Mau có thể bảo đảm tiếp nhận các dòng máy bay tầm trung Airbus A321, A320, A319, Embraer 195... Để bảo đảm nâng công suất lên theo quy hoạch, sân đỗ sẽ có tối thiểu 4 vị trí đỗ máy bay cho các loại máy bay A320, A321 và tương đương. Tầm nhìn đến năm 2050, sân bay Cà Mau sẽ đáp ứng công suất 3 triệu hành khách/năm và tối thiểu 3.000 tấn hàng hóa/năm, sân đỗ máy bay có tối thiểu 10 vị trí đỗ máy bay Code C.

Cũng theo quy hoạch này, sân bay Cà Mau là cảng hàng không nội địa, dùng chung dân dụng và quân sự. Giai đoạn đến năm 2030, là sân bay cấp 4C và sân bay quân sự cấp II, có công suất 1 triệu hành khách/năm và tối thiểu 1.000 tấn hàng hóa/năm. Hệ thống đường cất/hạ cánh, giai đoạn đến 2030 sẽ xây dựng mới đường cất hạ cánh 2400 m x 45 m, hướng 09 - 27, các hạng mục đồng bộ (đoạn dừng, khoảng trống và khu vực an toàn cuối đường cất hạ cánh, dải bay). Tầm nhìn đến năm 2050, giữ nguyên cấu hình hệ thống đường cất hạ cánh giai đoạn đến năm 2030.

Cát san lấp đang là bài toán khó cho nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm tại ĐBSCL nói chung, tỉnh Cà Mau nói riêng.
Cát san lấp đang là bài toán khó cho nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm tại ĐBSCL nói chung, tỉnh Cà Mau nói riêng.

Cũng trong giai đoạn tới 2030, sẽ xây dựng đường lăn nối kết nối đường cất hạ cánh và sân mới phía Nam, chiều rộng 15m, lề vật liệu mỗi bên rộng 5m, cũng như xây dựng sân quay đầu ở 2 đầu đường cất hạ cánh kích thước 2x100 m x 23 m, lề vật liệu rộng 5 m. Đồng thời, xây dựng hệ thống các đường lăn chờ nối chiều rộng 15 m, lề vật liệu mỗi bên rộng 5 m. Tổng mức đầu tư dự kiến là 2.253 tỷ đồng, không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng.

Nhằm tạo điều kiện cho các dự án trọng điểm nói trên được triển khai theo đúng kế hoạch, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang quan tâm, ưu tiên hỗ trợ cung ứng nguồn vật liệu san lấp, chủ yếu là cát san lấp và đá công trình.

Trước đó vào cuối tháng 10/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đã ban hành Quyết định số 1642/QĐ-UBND bổ sung danh mục khu vực khoáng sản phục vụ nguồn vật liệu cho các dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc. Theo đó, tỉnh này đã giao mới 5 mỏ cát cho các nhà thầu để khai thác phục vụ cho 2 tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng và Cần Thơ – Cà Mau. Theo Bộ Giao thông vận tải, nguồn vật liệu cát phục vụ cho các dự án cao tốc ở đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu tập trung ở hai nhánh lớn của dòng Cửu Long là sông Tiền và sông Hậu, trữ lượng nhiều nhất ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Sóc Trăng…

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate