Đại diện Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận (Ban Mỹ Thuận) đã cho biết như vậy, tại Hội thảo khoa học công nghệ đánh giá kết quả thực hiện thí điểm việc sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng, do Bộ Giao thông vận tải tổ chức mới đây.
KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU RẤT KHẢ QUAN
Trong năm 2023, nhằm giải quyết bài toán thiếu hụt nguồn cát sông phục vụ cho các dự án cao tốc Bắc Nam, đồng thời nghiên cứu thí điểm dùng cát biển thay thế cát sông, từ cuối năm ngoái Thủ tướng Chính phủ đã cho phép các đơn vị liên quan thử nghiệm dùng cát biển đắp đường.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Ban Mỹ Thuận đã tiến hành thực hiện thí điểm sử dụng cát biển cho dự án cao tốc Bắc Nam đoạn Hậu Giang - Cà Mau. Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh đã cấp phép cho doanh nghiệp khai thác cát biển với khối lượng trên 1 triệu m3 để triển khai thí điểm.
Dự án được nghiên cứu thí điểm là một đoạn đường hoàn trả dài khoảng 300 m của tỉnh lộ 978 tại lý trình Km 79+820 dự án thành phần Hậu Giang - Cà Mau, thuộc địa phận huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. Đoạn này được đánh giá đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu về vị trí thí điểm là vị trí nhạy cảm về môi trường, có thể bảo đảm thông xe sau khi thi công.
Sau thời gian thử nghiệm thí điểm và tiến hành quan trắc kể từ cuối tháng 3/2023, đến nay kết quả bước đầu cho thấy các chỉ tiêu cơ lý của mẫu cát biển cơ bản đáp ứng yêu cầu về vật liệu đắp nền đường theo quy định khi có các chỉ tiêu cơ lý tương tự nhau.
Báo cáo tại hội thảo lần này, Ban Mỹ Thuận cho biết: Khối lượng cát biển cho đoạn tuyến thí điểm có diện tích khoảng 5.800 m2. Cát biển sử dụng cho đoạn tuyến được khai thác bằng tàu xói hút tại khu vực mỏ thuộc xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Việc thi công được bắt đầu từ ngày 24/3/2023 ở đoạn giữa tuyến (bao gồm 300 m đắp cát biển). Sau khoảng 2 tháng, đến ngày 23/5/2023, đơn vị thi công đắp xong cát K95 gồm cả cát biển và cát sông trên toàn bộ tuyến đường hoàn trả đường tỉnh 978. Công tác thi công láng nhựa mặt đường toàn tuyến đường được hoàn thành vào tháng 8/2023.
Cũng theo Ban Mỹ Thuận, dẫn kết quả đánh giá Viện Khoa học và công nghệ Giao thông vận tải (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, mẫu cát biển được phân tích đánh giá chất lượng trầm tích khoáng sản thông qua phân tích 19 chỉ tiêu hóa học và so sánh với các giá trị giới hạn các thông số chất lượng trầm tích nước ngọt, nước mặn và nước lợ cho thấy, các chỉ tiêu đã được phân tích đều nằm trong giới hạn cho phép.
NÊN THAY THẾ DẦN, CÂN NHẮC LÀM ĐẠI TRÀ
Các chuyên gia, các đại diện cơ quan quản lý nhà nước đều có chung nhận định rằng công tác thí nghiệm và kết quả quan trắc, cát biển hoàn toàn có thể dùng được thi công đắp nền đường dự án ngành giao thông vận tải.
Tuy nhiên, trước mắt, cát biển đắp nền đường giai đoạn đầu cũng nên hạn chế, tiến tới thay thế dần dần để đảm bảo an toàn. Kết quả quan trắc các thông số môi trường (được thực hiện liên tục vào các tháng 4, 5, 6, 7, 9 và 11) đến nay chưa có bằng chứng nào cho thấy việc thi công cát biển tại đường tỉnh 978 có ảnh hưởng đến môi trường.
Cát san lấp đang là vấn đề nóng của các dự án cao tốc khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Theo ước tính, nhu cầu cát đắp nền các dự án này ước khoảng hơn 36 - 37 triệu m3 trong giai đoạn 2021 – 2025 cho 4 dự án cao tốc, gồm Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Mỹ An - Cao Lãnh và An Hữu - Cao Lãnh. Nếu tính tổng nhu cầu cát san lấp của cả 4 dự án cao tốc nói trên là xấp xỉ 54 triệu m3.
Ông Lê Đức Tuân, Phó giám đốc Ban Mỹ Thuận thông tin thêm, nguồn cát sử dụng cho các dự án ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long tập trung chủ yếu ở Đồng Tháp và An Giang; tuy nhiên tổng trữ lượng của hai tỉnh này chỉ cung cấp đạt khoảng 10 - 14 triệu/năm, đáp ứng được 50% nhu cầu. Trong khi đó, tổng nhu cầu cát cho dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng lên tới khoảng 40 triệu m3 phân bổ chủ yếu trong các năm 2023, 2024 và một phần vào năm 2025.
Đại diện Ban Mỹ Thuận cũng cho biết mong muốn vật liệu cát biển sẽ sớm được chấp thuận, cho phép sử dụng trong thi công nền đường cao tốc, đưa dự án về đích đúng kế hoạch và kỳ vọng. Yêu cầu đặt ra đến 30/6/2024 phải hoàn thành công tác đắp gia tải, xử lý nền đất yếu; tuy nhiên nguồn cát sông đến nay khó có thể đáp ứng.
Để có cơ sở tổng hợp đầy đủ các nội dung có liên quan báo cáo Chính phủ kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường Lê Văn Dương (Bộ Giao thông vận tải) đề nghị các cơ quan, đơn vị, chuyên gia, các nhà khoa học làm rõ cơ sở khoa học và thực tiễn của đề xuất sử dụng cát biển dùng để đắp nền đường, san lấp, làm vữa xây dựng và bê tông.
Cụ thể đó là các quy định, tiêu chuẩn, định mức liên quan đến việc sử dụng cát biển dùng để đắp nền đường, san lấp, làm vữa xây dựng và bê tông; các vấn đề về môi trường khi khai thác và sử dụng cát biển; kinh nghiệm của thế giới khai thác hiệu quả cát biển dùng cho các công trình hạ tầng; các đề xuất kiến nghị cụ thể nhằm đảm bảo đầy đủ khung pháp lý, kỹ thuật, môi trường, bền vững để có thể áp dụng cát biển một cách rộng rãi, có hiệu quả kinh tế - kỹ thuật – môi trường.
Theo đại diện Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng thì sắp tới Bộ Xây dựng sẽ có quy hoạch, sắp xếp lại theo từng vùng cát biển xây dựng phương án quy hoạch khai thác cát không chỉ trong 6 hay 12 hải lý mà còn là cát ngoài khơi, đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng trong tương lai.