July 31, 2024 | 01:01 GMT+7

Dự án nhà máy bột giấy gần 10.000 tỷ tại Quảng Trị gặp khó

Song Hoàng -

Dự kiến khi hoạt động, nhà máy sẽ tiêu thụ 1,4 triệu tấn dăm gỗ/năm, giải quyết việc làm khoảng 1.000 lao động, tổng giá trị các loại thuế, phí của dự án đóng góp vào ngân sách hàng năm từ 800-1.000 tỷ đồng...

Dự án Nhà máy Bột - Giấy VNT19 do Công ty Cổ phần Bột - Giấy VNT19 làm chủ đầu tư
Dự án Nhà máy Bột - Giấy VNT19 do Công ty Cổ phần Bột - Giấy VNT19 làm chủ đầu tư

Chiều 29/7, ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, đã chủ trì cuộc hợp với lãnh đạo các sở, ban, ngành và huyện Bình Sơn để nghe báo cáo các nội dung liên quan đến dự án Nhà máy Bột- Giấy VNT19.

Dự án Nhà máy Bột - Giấy VNT19 do Công ty Cổ phần Bột - Giấy VNT19 làm chủ đầu tư, được xây dựng trên diện tích khoảng 117ha, tại xã Bình Phước, huyện Bình Sơn, có công suất thiết kế giai đoạn 1 là 350.000 tấn bột giấy và giấy tẩy trắng/năm, tổng vốn đầu tư khoảng 10 nghìn tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Bột - Giấy VNT19 đã lựa chọn nhà thầu Aquaflow của Phần Lan để thiết kế, thi công mới 100% hệ thống xử lý nước thải. Đây là đơn vị có kinh nghiệm trong lĩnh vực xử lý nước thải trong ngành bột giấy, đã thiết kế phân xưởng xử lý nước thải cho gần 200 nhà máy sản xuất bột giấy trên toàn thế giới.

Công ty cổ phần Bột – Giấy VNT19 cam kết đầu tư nâng cấp phân xưởng xử lý nước đã qua xử lý theo lộ trình để tiến tới đạt tiêu chuẩn cột A; hoạt động xả nước đã qua xử lý của Nhà máy không ảnh hưởng đến khu vực bãi tắm vùng đánh bắt hải sản của người dân; phối hợp với chính quyền và cơ quan quản lý địa phương tổ chức cho người dân giám sát hoạt động xử lý nước thải và xả nước đã qua xử lý của Nhà máy; cam kết đảm bảo an sinh xã hội, bố trí việc làm phù hợp, hỗ trợ chuyển đổi nghề đối với người dân vùng dự án. Đồng thời, dừng hoạt động, chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, khôi phục hiện trạng nếu để xảy ra sự cố môi trường.

Theo báo cáo của chủ đầu tư, đến thời điểm hiện tại, khối lượng thực hiện tổng thể của dự án đạt khoảng 90%, đơn vị đặt mục tiêu đưa Nhà máy vận hành thử nghiệm và đi vào hoạt động cuối năm 2024. Tuy nhiên, hiện còn một số vướng mắc cần tháo gỡ liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích còn lại của dự án và đặc biệt là việc thi công tuyến ống ngầm xả nước thải đã qua xử lý của Nhà máy Bột - Giấy VNT19 ra vịnh Việt Thanh. Nhiều người dân chưa đồng thuận với việc nhà máy xả thải ra vịnh.

Theo ông Trần Phước Hiền, dự án Nhà máy Bột – Giấy VNT19 là một trong những dự án mà thời gian qua, UBND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh đã tổ chức làm việc và có nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đồng hành tập trung giải quyết các vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của ngành, địa phương. Qua đó, nhiều tồn tại, vướng mắc đã được xử lý, tháo gỡ dứt điểm. Hiện dự án đang vào giai đoạn về đích, cần tiếp tục có sự nỗ lực hơn nữa từ các bên liên quan, nhất là chủ đầu tư phải nâng cao năng lực quản trị dự án đầu tư và các điều kiện cần thiết khác nhằm đảm bảo giải quyết tốt các vấn đề phát sinh đặt ra để sớm thực hiện hoàn thành dự án.

Đối với việc thi công tuyến ống ngầm xả nước thải đã qua xử lý của Nhà máy, giao các cơ quan, địa phương có liên quan và nhà đầu tư rà soát, tập trung thực hiện hoàn thiện, đảm bảo các cơ sở pháp lý có liên quan để bảo vệ tổ chức thi công.

Cũng theo lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, chủ đầu tư phải thể hiện quyết tâm, nỗ lực trong việc phối hợp giải quyết các tồn tại, vướng mắc phát sinh; đồng thời chủ động chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương làm tốt công tác hỗ trợ, an sinh xã hội cả trước mắt và lâu dài ở vùng dự án để tranh thủ sự đồng thuận, ủng hộ của người dân đối với dự án.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate